Tử tù bị xử bằng tiêm thuốc độc nhưng không chết, lại về phòng ngủ ngon lành

Trọng Hiếu |

Một vụ tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Alabama (Mỹ) buộc phải dừng lại khi các nhân viên y tế không tìm được tĩnh mạch ở mắt cá chân, chân và vùng háng của tử tù.

Đêm xử tử tù nhân Doyle Lee Hamm, 61 tuổi, diễn ra kịch tính bắt đầu vào khoảng 18h (giờ địa phương). 3 tiếng sau đó, Tòa án tối cao Mỹ ra lệnh hoãn buổi xử tử và tù nhân được đưa trở lại phòng giam ngay trước nửa đêm 22/2.

Luật sư Bernard Harcourt, người đại diện cho Hamm trong 28 năm, cho biết ông đang tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong buổi tử hình thân chủ của mình.

Ông ấy chịu rất nhiều đau đớn về thể xác từ tối hôm qua khi các nhân viên y tế cố tìm tĩnh mạch ở các chi dưới và vùng háng của ông ấy”, luật sư Harcourt nói.

Luật sư từng nhiều lần khẳng định, thân chủ của ông, vốn bị chẩn đoán mắc u lymphoma vào năm 2014, không nên được xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc vì tĩnh mạch bị tổn thương nghiêm trọng sau thời gian điều trị kéo dài.

Bên cạnh đó, việc tiêm thuốc sẽ khiến thân chủ của ông bị đau đớn và không cần thiết.

Tử tù bị xử bằng tiêm thuốc độc nhưng không chết, lại về phòng ngủ ngon lành - Ảnh 1.

Tử tù Doyle Lee Hamm. Ảnh: AP

Hai chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đầu tháng 2 cũng nhấn mạnh những lo ngại trên khi cảnh báo: “Nỗ lực đâm kim vào tĩnh mạch của Hamm sẽ gây ra cơn đau đớn như thể tra tấn đối với tử tù”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đề nghị hoãn việc xử tử hình Hamn khi cho rằng tình trạng tĩnh mạch hiện nay của tù nhân này có thể khiến việc tiêm thuốc độc trở nên vi hiến.

Cả hai tổ chức cũng quan ngại rằng Hamn có thể đã không được xét xử công bằng với cáo buộc giết một nhân viên khách sạn Patrick Cunningham năm 1987.

Theo luật sư Harcourt, vụ xử tử thân chủ của ông “đơn thuần là vô lý”. “Họ không thể tìm thấy tĩnh mạch và châm kim vào cơ thể ông ấy hơn hai tiếng rưỡi”, luật sư cho hay.

Ủy viên Jeff Dunn thuộc Trại cải tạo Alambama dẫn lời các nhân viên y tế cho rằng “họ nghĩ sẽ không thể tìm được tĩnh mạch phù hợp trước khi thời hạn thi hành án tử kết thúc lúc nửa đêm”.

Tuy nhiên, Dunn cho biết, lý do duy nhất để dừng thi hành án là “không đủ thời gian”.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 61 trong số 1.468 vụ hành quyết tại Mỹ đã được tiến hành ở Alabama kể từ khi Toà án Tối cao thông qua luật mới về tử hình từ năm 1976.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại