Trải qua hơn nghìn năm, đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên ngày nay) và phố Quán Thánh trông ra hồ Tây thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đi vào ký ức thiêng liêng của nhiều thế hệ, là niềm cảm xúc vô bờ của bao tao nhân mặc khách qua câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình).
Dấu ấn trầm tích lịch sử
Theo truyền thuyết, quán Trấn Vũ (tên nguyên thủy của đền Quán Thánh) có từ lâu đời, trước cả khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Khi định đô ở Thăng Long, vua Lý Thái Tổ phong cho vị thần chủ ngôi đền là Huyền Thiên Trấn Vũ, coi giữ phía Bắc của kinh thành. Khi ấy đền Quán Thánh không nằm ở vị trí hiện nay mà nằm trong khu vực Hoàng thành Thăng Long, đến thời Lý Thánh Tông (năm 1012) được dời ra vị trí phía tây bắc thành Thăng Long (xưa) và xây mới.
Bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn.
Có nhiều truyền thuyết về đền này. Ông Bùi Hồng Sơn (63 tuổi), thủ từ trông nom đền Quán Thánh hơn 10 năm nay cho hay: "Tương truyền ở làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có cáo chín đuôi chuyên làm hại dân. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ giáng thế dùng phép thuật giết hồ tinh. Xác cáo quằn lại một chỗ rồi sụp xuống thành hồ Tây ngày nay. Vậy nên Hồ Tây còn có tên gọi khác là đầm Xác Cáo.
Còn có truyền thuyết khác kể rằng: Khi vua cho đúc chuông bằng đồng đen, chuông đúc xong, đánh lên tiếng ngân vang cùng khắp bốn cõi, vang sang đến tận bên Trung Quốc.
Vì đồng đen là mẹ của vàng cho nên nghe thấy tiếng chuông, con trâu vàng chạy từ Trung Quốc chạy sang, đường chạy tạo thành sông Kim Ngưu. Khi về đến hồ Tây, trâu đắm mình quẫy khiến rừng lim sụt xuống.
Tương truyền, nhà nào đẻ được 9 con trai thì kéo được trâu vàng lên. Nhưng hơn nghìn năm qua, ở vùng này chưa có nhà nào đẻ được 9 con trai, có nhà có 8 người con trai, lần bầu thứ 9 lại là con gái".
Ông Bùi Hồng Sơn - thủ từ trông năm đền Quán Thánh trò chuyện với PV.
Ông Sơn cho hay, đền Quán Thánh được xây theo kiểu nội "đinh", ngoại "quốc", ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng "Đề Chân Vũ quán", do vua Thiệu Trị ngự đề.
Kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng cổ truyền
Điều đặc biệt ở đền Quán Thánh, ở hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Vị quan trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền thiên Trấn Vũ bằng đồng hun đen, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó.
Pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 12/2016.
Được biết, bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài… toát lên thần thái của một Đạo sĩ.
Trên mình tượng khoác áo choàng, trong mặc áo giáp, lưng thắt đai hổ phù, xung quanh điểm xuyết hoa văn hình lá đề, có các hạt tròn bao quanh. Áo choàng gấp nhiều nếp, vạt sau phủ xuống dưới hông, ống áo thụng, buông xuống khá chùng. Áo giáp với hai vạt trên ngực trang trí đồ án hoa sen; rồng năm móng ẩn trong những cụm mây, miệng râu cá trê, thân mảnh, trông khá giữ tợn.
Ngoài mảng hoa văn trung tâm này, còn có hoa văn ô vuông khắc nổi, bên trên điểm xuyết hoa thị 8 cánh. Phía dưới áo giáp và hai đầu gối trang trí hoa văn "tổ ong", với bố cục dày và chặt chẽ. Tay trái tượng trong tư thế "bắt ấn", co ngang rồi khép trước ngực, tay phải tỳ trên đốc kiếm, mũi kiếm cắm xuống lưng một con rùa.
Quấn quanh kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao từ trên xuống. Hai chân tượng để trần, buông thõng xuống, đặt trên mặt bệ bát giác. Pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 12/2016.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định, từ cách thức tạo hình, hình tượng trong quan niệm dân gian, có thể thấy tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ ngoài trấn giữ phương Bắc, trừ tà còn thể hiện việc trị thủy, mong muốn về một cuộc sống an lành của cư dân nông nghiệp xưa.
Ông Sơn chia sẻ thêm, cùng với thăng trầm lịch sử, pho tượng cũng trải qua nhiều biến cố. Thời kháng chiến, quân Pháp từng có ý định nấu chảy pho tượng để lấy đồng, nhờ nhân dân ra sức bảo vệ nên ý định đó không thành.
Pho tượng trở thành một trong những hiện vật giá trị của ngôi đền, là nguồn tư liệu sáng giá để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về kỹ thuật đúc đồng của người Việt, cùng những vấn đề về lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội ở nước ta thời trung đại, đặc biệt là trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII.
Chiếc Khánh đồng được đúc vào thế kỷ thứ XVII - XVIII.
Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng trên, đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác: Chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hành phi câu đối từ các thời.
Thêm một chi tiết thú vị về ngôi đền, năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo vào cổ tay tượng Trấn Vũ. Bên cạnh đó, vua Thiệu Trị còn cho đúc biển đồng có khắc bài thơ của chính mình để trong đền. Ngày nay, tấm biển đồng ấy vẫn còn, nhưng chiếc vòng vàng của vua Thiệu Trị cung tiến tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đã không còn.
"Đền Quán Thánh Khách là một trong tứ trấn Thăng Long, là một điểm đến không thể thiếu với khách du lịch nước ngoài. Do đó, lượng khách đến với đền chiếm khoảng 70% tổng số khách thăm quan. Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, hầu như không có khách nước ngoài, chỉ có lác đác người dân đi lễ ngày Rằm, mùng Một.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn dặn bà con phải tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch. Người dân đến đây, người thì thành tâm khấn vái, người thì luôn mang tâm niệm đặt tay lên chân tượng để lấy may, cầu sức khỏe, cuộc sống an lành", ông Sơn cho hay.
Với dòng lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, những bảo vật quý giá và cả những truyền thuyết kỳ bí, đền Quán Thánh luôn là một trấn giữ phía Bắc uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất ngàn năm văn hiến.