UFO xuất hiện ở Lạc Dương
và tin đồn về "Quỷ Vành Mũ" lan đến Tống triều
Thực ra từ lâu, đã có những ghi chép miêu tả về các vật thể bay không xác định (UFO) được tìm thấy trong văn học cổ Trung Quốc - chỉ có điều do quan niệm của người dân khi đó coi là những hiện tượng thần kỳ, không gọi là UFO như ngày nay. Như trong bài "Du Kim Sơn Tự" của Tô Đông Pha, ông viết: "Giữa lúc trăng khuyết, một thứ sáng như ngọn đuốc, lửa bay soi núi, chim bay kinh hoàng, không biết là ma hay người?"
Nhưng nói như vậy còn khá mơ hồ. Rõ rệt hơn cả có lẽ là vụ việc được ghi chép lại có tên "Quỷ Vành Mũ", xuất hiện ở Lạc Dương, hay còn gọi là Tây Kinh vào thời Tống. Trong báo cáo gửi lên triều đình, những tình tiết của vụ án được đề cập là: "Loài quái vật hình vành mũ, ban đêm bay vào nhà dân, biến thành hình sói rồi hại người..."
Lời đồn lan truyền khiến dân cả thành Lạc Dương cứ đến chập tối là cửa đóng then cài, chỉ riêng một số người đủ can đảm thì tự lập nhóm đi "săn yêu quái’’. Nhưng quan đứng đầu thành Lạc Dương - Tri phủ Tây Kinh Vương Tự Tông quyết định không đi sâu vào điều tra những lời đồn về "Quỷ Vành Mũ", vì bản thân ông không tin vào ma quỷ. Quan Tri phủ cho rằng chỉ cần qua thời gian nhất định là lời đồn sẽ tự biến mất.
Bức tranh "Ngọn lửa đỏ bay lên bầu trời" được cho rằng dùng để miêu tả về UFO. (Ảnh: Sina)
Thế nhưng trái với dự đoán của họ Vương, lời đồn lại càng ngày càng lan rộng, lan đến triều đình ở phủ Khai Phong. Vua Tống Chân Tông sau khi nhận được tin báo thì lập tức cho sứ giả đến Lạc Dương điều tra, nhưng mặt khác ông lại trở thành người "thúc đẩy" nỗi hoang mang về sự việc.
Sử ghi Tống Chân Tông vốn là vị vua hay thích lập đàn tế trời nghênh đón điềm lành xuất hiện, nên ngay khi nhận được tin đồn về "Quỷ Vành Mũ", phản ứng đầu tiên của ông là… lập đàn để cúng lễ cầu an, việc làm của người đứng đầu đất nước khác nào lời khẳng định tin rằng "Quỷ Vành Mũ" là có thật!
Chân dung của vua Tống Chân Tông. (Ảnh: QQ)
Kinh thành Khai Phong nhanh chóng chìm trong sợ hãi và xuất hiện những hành động như ở Lạc Dương: Người dân đóng kín cửa, những người có gan thì tụ tập lại tự trang bị vũ khí để phòng thân. Nghiêm trọng hơn là tin đồn và nỗi sợ đã lan vào cả những doanh trại quân Cấm Vệ - đội quân có nhiệm vụ bảo vệ Đế đô.
Do vậy Tống Chân Tông buộc phải giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc. Đầu tiên, ông ban lệnh cấm lan truyền tin đồn, sau đó treo số tiền thưởng lớn cho người tố giác nguồn gốc tin đồn trong kinh thành đồng thời xử lý những người bàn tán về tin đồn. Nhiều người đã bị xử trảm, lưu đày vì liên quan tới tin đồn.
Kết cục bất ngờ của vụ án UFO - Quỷ Vành Mũ
Tin đồn không dừng lại ở Khai Phong mà lại lan sang một địa phương lớn khác là Ứng Thiên phủ - Nam Kinh của nhà Bắc Tống, nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam. Nhưng cách xử trí của quan đầu thành là Vương Tăng lại khác hẳn.
Ngay khi lời đồn mới đến thành Ứng Thiên, Vương Tăng lập tức cho mở cổng thành thâu đêm rồi cho bắt giữ ngay những người lan truyền tin đồn. Cách làm của Vương Tăng đã làm yên lòng dân, thu hẹp phạm vi tin đồn, khẳng định "Quỷ Vành Mũ" không hề tồn tại.
Có một sự trùng hợp là khi vụ án về "Quỷ Vành Mũ" kết thúc, thì cũng là lúc nhiều địa phương của nhà Tống ghi nhận sao chổi xuất hiện - điều này cũng đã được ghi chép lại.
Tất nhiên trong quan niệm thời bấy giờ, việc bầu trời có hiện tượng lạ là biểu hiện cho sự cảnh báo của thần tiên về việc lập thái tử của nhà vua. Cùng với những báo cáo về hiện tượng lạ là thỉnh cầu lập thái tử được dồn dập gửi đến Tống Chân Tông. Cuối cùng Chân Tông quyết định lập con trai duy nhất làm người kế vị, tức vua Tống Nhân Tông sau đó.
Sau này, đánh giá về vụ án "Quỷ Vành Mũ", trong cuốn biên niên sử "Tư trị thông giám" do Tư Mã Quang và các cộng sự biên soạn và trong chương trình "Giảng đường Luật" của đài CCTV đều có đề cập tới nghi vấn rằng, có thể một vật thể bay không xác định (mà nay gọi là UFO gợi liên tưởng đến người ngoài hành tinh) thực sự xuất hiện, và cảnh tượng bắt cóc người đã tình cờ bị ai đó nhìn thấy và lan truyền tin đồn.
Nhưng sau đó, tin đồn này đã bị người khác lợi dụng để gây hoảng loạn trong lòng dân, khiến triều đình phải thẳng tay đàn áp, cũng như nhân cơ hội ép hoàng đế nhanh chóng hoàn thành việc lập thái tử.