Xóm trọ hoa hậu
Đây là khu phố của sự trái ngược, mặt tiền là những nhà phố, biệt thự lộng lẫy, nơi cư ngụ của những người giàu, nhiều hoa hậu và người mẫu còn phía sâu bên trong, chưa giải tỏa bàn giao là khu trọ của những người thu mua ve chai, bán mì gõ thuê.
Nhưng nếu hỏi một người mua bán ve chai tại đây họ sẽ dựng chiếc xe đạp không chống, cồng kềnh bởi bìa cạc tông vào vách tường rồi hãnh diện trả lời:
-Bọn tôi ở xóm trọ hoa hậu.
Khu phố có nhiều hoa hậu hoặc hoa hậu tự xưng thi thoảng họ lại làm từ thiện "tại chỗ" bằng cách mở tủ quần áo đã qua mode và cho mấy chị xem đi mua ve chai.
Những bộ quần áo đắt tiền và "tươi mát" này không thể mặc đi mua ve chai nhưng cứ tối đến là chị em lại mặc vào tạo nên khung cảnh kỳ lạ là giữa những khu nhà tạm bợ là những cư dân mặc áo váy giá hàng ngàn đô trở lên. Khổ nỗi mấy ông chồng chạy xe ôm về thấy thế cụng "bực mình" nên la con nít quá trời quá đất.
Xóm trọ hoa hậu - khu phố của sự trái ngược. (Ảnh minh họa)
Cô người mẫu đối diện nhà tôi nói rằng:
- Mình không mặc nữa thì cho người ta, coi như làm từ thiện đi, cái nào mấy người đó không lấy thì em đóng gói gửi đi mấy vùng lũ lụt làm từ thiện.
- Trên đó toàn người nghèo, em gửi những áo váy sang trọng này làm sao họ mặc…
- Có còn hơn không anh ơi, trời lạnh có gì mặc đó, còn hơn phong phanh chịu lạnh…
Thật hồn nhiên phải không?
Gửi bikini cho vùng lũ
Thời gian gần đây câu chuyện và hình ảnh người dân vùng lũ bối rối khi nhận được bikini trong gói quần áo từ thiện nhận được rất nhiều sự quan tâm, tranh luận của mạng xã hội. Chẳng lẽ mặc bikini lên nương hoặc băng qua suối?
Tôi đọc trên các fanpage và tài khoản cá nhân kêu gọi từ thiện cho đồng bào vùng núi phía Bắc luôn đặt vấn đề quần áo cũ. Phải rồi vì khí hậu miền Tây Bắc lạnh và đồng bào thì thiếu cả cái ăn lẫn cái mặc.
Cho nên cũng có việc, nhiều người làm từ thiện rất hồn nhiên bằng cách gom những đồ vật lẽ ra vứt đi, phổ biến là quần áo cũ đến những điểm tiếp nhận.
Tất nhiên tôi đã trực tiếp ở một vài điểm tiếp nhận để nhận biết vấn đề cụ thể như thế nào.
Mấy cô áo xanh đoàn viên có vẻ vui vui:
- Mừng quá anh ạ, mấy túi quà hôm nay cho đồng bào bị cơn lũ vừa qua được giặt là cẩn thận, lại phân loại sẵn: trẻ em, người lớn, nam, nữ nên tụi em rất dễ đóng gói. Thương quá chắc người gửi cũng từ tâm lắm nên chịu khó bỏ nhiều thời gian như vậy.
Sự xuất hiện của bộ bikin trong gói hàng từ thiện cho người dân miền núi gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: facebook)
Ở một điểm khác, tôi vừa bước vào đã không chịu nỗi mùi ẩm mốc, hôi thối từ mấy đống quần áo cũ đang phân loại.
Nhưng những thanh niên tình nguyện xem đó là bình thường, cẩn thận xem xét từng cái, phân loại để cần thiết thì đem đi giặt trước khi đóng gói: "Dạ, tụi em làm cẩn thận như vậy để khi cầm quà cứu trợ bà con mình tránh đi cảm giác là nhận đồ thừa."
- Bạn và những bạn tình nguyện ở đây có suy nghĩ gì khi có người lấy những quần áo, vật dụng hư cũ, lẽ ra vứt đi để làm từ thiện?
- Sẽ làm những người như tụi em cực hơn nhưng không sao ạ. Cực cỡ nào tụi em cũng chịu hết, chỉ buồn là có những món đồ mình tiếp nhận rồi không biết xử lý ra sao vì có gửi lên bà con không dùng được hoặc họ tưởng là mình giỡn mặt , chế nhạo họ thì chết.
Thí dụ như mấy đôi giày cao gót, mấy hộp lông mi giả nè…Có nhiều nhóm không đủ người để phân loại, làm vệ sinh, đóng gói…ai cho sao để vậy gửi đi luôn đó anh.
Cũng về vấn đề này, có ý kiến của nhà báo được nhiều bạn làm công tác thiện nguyện đồng tình:
- Chúng tôi không chê hay kén chọn quá đáng mà chỉ muốn mọi người khi chung tay giúp đỡ người nghèo cũng nên lưu ý xem đồng bào mình, con em mình ở vùng cao có mặc được những thứ này không? Những chiếc quần, chiếc áo, chăn màn có thơm tho sạch sẽ không?
Là những người bắc nhịp cầu nối những tấm lòng hảo tâm với những mảnh đời bất hạnh, xin mọi người hãy bớt chút thời gian khi soạn áo quần để tặng. Nếu sứt chỉ xin bạn khâu lại lành lặn, nếu bẩn, nếu hôi xin giặt cho sạch. Đừng gửi những chiếc quần chiếc áo quá cũ, ố mốc và những đồ lót, váy ngủ hoặc những loại quá cỡ.
Quần áo phải gửi đến người cần đón nhận và sử dụng hiệu quả, đừng để những người nghèo phải tủi thân và cảm thấy như bị bố thí, bị coi thường.
Có thể bạn hoàn toàn không có ý đó nhưng xin bạn hãy lưu tâm một chút, bạn sẽ mang đến niềm vui cho chính mình, cho chúng tôi và đặc biệt là cho những người cần giúp đỡ. Xin nhớ khi cho đi nghĩa là bạn đang nhận lại rất nhiều niềm hạnh phúc đấy.
Chúng tôi thiết nghĩ mọi việc liên quan đến thiện nguyện nên nhìn với sự nhẹ nhàng, nếu có xảy ra gì ngoài ý muốn chỉ là sự vô tâm, hời hợt quen tính của người Việt mình thôi.
Quần áo phải gửi đến người cần đón nhận và sử dụng hiệu quả, đừng để những người nghèo phải tủi thân và cảm thấy như bị bố thí, bị coi thường. (Ảnh: facebook)
Tôi quay lại khu phố ngày xưa, xóm hoa hậu ọp ẹp đã biến mất nhường chỗ cho những căn hộ khang trang.
Nhưng mấy cô hoa hậu, người mẫu vẫn ở đó. Sẽ là không đầy đủ nếu nói mấy cô vô tâm với việc từ thiện, bằng chứng là cứ chương trình từ thiện là mấy cô biểu diễn miễn phí, ủng hộ từ thiện không tiếc tiền.
- Mấy bà ve chai dọn đi hết, quần áo qua mode em cho ai?
- Mấy chị có để lại số điện thoại, khi đổi tủ quần áo em gọi cho mấy chị đến…Cô khoe vừa gửi tặng đồng bào vùng lũ một số tiền.
Vui thiệt, dân mình là vậy, làm cái gì cũng hồn nhiên kể cả làm từ thiện.
Bởi vậy khi đồng bào vùng cao nhận được bikini hoặc mấy cặp lông mi giả xin đừng vội buồn trách, chẳng qua là sự vô tâm, hồn nhiên của những người chạy đua với nhịp sống hối hả của đô thị thôi, chứ cái bụng ai cũng thương quá đồng báo nhiều lắm.