Khi những đứa trẻ sinh sau năm 2000 bước vào tuổi trưởng thành, không khó để nhận ra, chúng sẽ có chiều cao vượt trội hẳn so với thế hệ trước đó.
Một đứa trẻ bắt đầu cao hơn ông bà từ khi 13-14 tuổi, cao vượt bố mẹ sau năm 15 tuổi và cao hơn cả anh hoặc chị ruột sau năm 20 tuổi.
Và không phải chỉ ở Việt Nam, thực tế này đang diễn ra trên toàn Châu Á.
Người dân của cả Châu Á đang ngày càng cao dần lên.
Những người Châu Á đang cao lên nhờ vào sự phát triển của kinh tế, kéo theo nhiều điều kiện sống tốt hơn, bao gồm chăm sóc dinh dưỡng.
Lấy Nhật Bản là một ví dụ. Năm 1920, một người dân Tokyo chỉ có chiều cao trung bình khoảng 1m6, thấp gần nhất trong bảng xếp hạng của Châu Á. Suốt 20 năm sau, con số không quá cải thiện.
Nhưng đến năm 1957, chiều cao của người dân Tokyo đột ngột tăng lên tới 1m7 để đứng đầu Châu Á. Sự tăng trưởng thần kì này trùng khớp với giai đoạn kinh tế Nhật Bản có được bước đại nhảy vọt sau Thế chiến thứ hai.
Nhật Bản vươn lên vị trí thứ nhất vào năm 1957.
Để hình dung được "sự lớn lên" của toàn Châu Á, một tài khoản Reddit có tên kisukisue đã tổng hợp số liệu từ 24 bài báo khoa học và tài liệu công bố chính thức bởi chính phủ các quốc gia.
Các số liệu này được kisukisue biến thành một video so sánh chiều cao trung bình của người dân ở 12 thành phố khắp Châu Á, những thế hệ sinh từ năm 1920 đến năm 2000:
Chiều cao trung bình của người dân trong các thành phố Châu Á (tính theo năm sinh của công dân nam)
Nhìn vào video này, bạn có thể thấy chiều cao trung bình của một người đàn ông Bắc Kinh (Trung Quốc) sinh năm 1920 là 167,5 cm - cao nhất trong số các thành phố được liệt kê.
Cách không xa phía sau là Tehran (Iran) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với chiều cao trung bình là 166,1 cm và 165,8 cm.
Người dân Hà Nội xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng, với chiều cao trung bình 161,1 cm.
Nhưng chúng ta vẫn còn cao hơn người dân Tokyo (Nhật Bản) xếp ngay sau 160,5 cm và cuối bảng là Jakarta (Indonesia) với chiều cao trung bình chỉ 159 cm.
Chiều cao của thế hệ ông bà (cụ) chúng ta, những người sinh năm 1920.
Suốt một thập kỷ sau đó, Bắc Kinh vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu, Tehran và Istanbul liên tục hoán đổi vị trí thứ 2 và thứ 3 cho nhau.
Nhưng đến năm 1940, Istanbul đã vươn lên vị trí thứ nhất, Bắc Kinh tụt xuống thứ hai cho đến khi họ giành lại được vị trí của mình vào năm 1953.
Thập niên 50 và 60 chứng kiến sự phát triển của các nước Đông Á, khi những vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng luôn góp mặt Bắc Kinh, Hồng Kông, Seoul và Tokyo.
Nhật Bản có lẽ là quốc gia có chiều cao tăng trưởng ổn định và thần kỳ nhất, khi mới năm 1920, Tokyo đứng gần áp chót đã vươn lên vị trí dẫn đầu vào năm 1957.
Nhưng đến thập niên 70, hai thành phố Tây Á bắt đầu thống trị bảng xếp hạng. Trong khi đó suốt 80 năm, các vị trí áp chót luôn thuộc về các nước Đông Nam Á, bao gồm Hà Nội của Việt Nam và Jakarta của Indonesia.
Biểu đồ thống kê kết thúc vào năm 2000, những đứa trẻ bây giờ đã 19 tuổi. Lúc này, Bắc Kinh đang tạm dẫn đầu với chiều cao trung bình 175,6 cm. Kế đó là Istanbul và Seoul.
Hà Nội đứng ở vị trí thứ 11 kém Bắc Kinh 7,6 cm, nhưng so với những năm 1920, người dân của chúng ta cũng đã cao hơn trung bình 7cm.
Chiều cao trung bình của những đứa trẻ sinh năm 2000 (nay đã 19 tuổi).
Xu hướng phát triển chiều cao của các nước Châu Á trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào? Liệu Trung Quốc có giữ được vị trí dẫn đầu của mình hay không?
Trong khi các quốc gia Đông Nam Á có thể vượt lên khỏi top cuối của bảng xếp hạng?
Chúng ta chưa biết. Chỉ có thời gian mới tiếp tục trả lời được câu hỏi này. Trong khi chờ thế hệ 2k tiếp theo lớn lên, chúng ta một lần nữa phải cảm ơn kisukisue, người đã dành thời gian tổng hợp số liệu và tạo ra bảng so sánh tuyệt vời này.