Từ tâm dịch, 15 tấn vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật

THÙY AN |

Sáng nay (26/5), lô vải thiều đầu tiên trong mùa vụ năm nay của tỉnh Bắc Giang lên đường sang Nhật Bản.

Trong sáng nay, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ xuất hành lô vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng xuất khẩu đợt này khoảng 15 tấn. Cơ quan này cho biết thêm, lô vải thiếu đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật do 3 doanh nghiệp là Ameii, Toàn cầu và Chánh Thu thực hiện.

Vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản đều phải xử lý bằng Methyl Bromide. Trong số 3 đơn vị đảm nhận nhiệm vụ sơ chế, khử trùng, đóng gói, Công ty Toàn Cầu đã được phía Nhật Bản công nhận từ năm 2020 và năm nay tiếp tục được công nhận (theo quy định thì mỗi năm phải công nhận lại 1 lần).

Từ tâm dịch, 15 tấn vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật - Ảnh 1.

15 tấn vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 25/5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với tỉnh Bắc Giang về kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay vải thiều được mùa với sản lượng lớn 180 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm là 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Cũng theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải); vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Thời gian thu hoạch vải chín sớm sẽ tập trung từ ngày 20/5-10/6; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 - 20/7.

Trong bối cảnh dịch bệnh ở Bắc Giang diễn biến phức tạp, ông Dương nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với với nhiều biện pháp đồng bộ.

Tỉnh Bắc Giang đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung của các huyện; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; lập các Tổ chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng COVID-19...

Từ tâm dịch, 15 tấn vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng vải Bắc Giang

"Thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng vải Bắc Giang", ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh tại hội nghị trong ngày hôm qua.

Trước đó, với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang xây dựng và triển khai 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện có dịch COVID-19.

- Theo đó, kịch bản 1, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu.

- Kịch bản 2, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn).

- Kịch bản 3, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó, tỉnh ra phương án vải thiều được tiêu thụ 100% trong nước (khoảng 180.000 tấn), xuất khẩu không đáng kể.

Từ tâm dịch, 15 tấn vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật - Ảnh 4.

Vào ngày 23/5, 3 tấn vải quả đầu tiên của Hải Dương đã đến Nhật, sau 7 tiếng vận chuyển bằng đường hàng không từ sân bay Nội Bài.

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, việc xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản năm nay thuận lợi hơn nhiều so với năm trước, bởi phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật giám sát xông hơi khử trùng tại Việt Nam.

Trong niên vụ 2021, Hải Dương sẽ xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải sang thị trường Nhật Bản; khoảng 1.000 tấn sang thị trường Mỹ, Australia, Singapore và khoảng từ 800 - 1.000 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Đông, Malaysia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại