Trong những năm 1980 và 1990, những người đi làm trên tàu điện ngầm hoặc xe buýt ở Hàn Quốc đã tự hào khi cầm một chiếc Sony Walkman, máy nghe băng (cassette player) cầm tay đầu tiên trên thế giới. Nhưng ngày nay, nó được thay thế bằng điện thoại thông minh màn hình lớn – chủ yếu là các model Samsung Galaxy hay iPhone.
Đây là sự khác biệt hoàn toàn so với thời điểm từ 1979 – khi Sony Walkman đầu tiên được ra mắt chính thức - và năm 2007 khi iPhone đầu tiên được phát hành. Năm 2009, Samsung công bố điện thoại thông minh Galaxy đầu tiên của họ. Không quá khi nói rằng các công ty công nghệ Nhật Bản như Sony, Panasonic, Sharp và Toshiba từng thống trị thế giới.
Sony tạo dấu ấn của mình trong làng công nghệ với một loạt sản phẩm điện tử từ hệ thống âm thanh cá nhân, máy quay video, TV và máy tính cá nhân đến máy chơi game.
Bắt đầu với ổ cắm và radio, Panasonic đã giới thiệu đầu ghi DVD, đầu ghi đĩa Blu-ray, màn hình tinh thể lỏng và pin lithium-ion.
Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp điện thế giới bước vào kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số vào những năm 2000, sự dẫn đầu của các công ty công nghệ Nhật Bản bắt đầu suy yếu và bị các nhà sản xuất thiết bị kỹ thuật số như Samsung và Apple vượt qua.
Những chiếc điện thoại thông minh của Nhật Bản thiếu sức hút so với Galaxy của Samsung
Hợp tác với nhà mạng di động Ericsson, Sony đã ra mắt thương hiệu điện thoại thông minh Sony Ericsson vào năm 2001. Liên doanh đã giới thiệu một loạt điện thoại cơ bản cho đến năm 2007, và chiếm khoảng 9% thị phần thị trường điện thoại di động lúc đó.
Một năm sau khi Apple iPhone trình làng, Sony đã ra mắt điện thoại thông minh chạy Windows đầu tiên Xperia X1. Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, Sony dấn thân vào thậm chí còn sớm hơn so với Samsung.
Sau đó Sony đã mua lại hoàn toàn JV với Ericsson vào năm 2011 cho mục đích củng cố vị thế của mình, với tư cách là nhà cung cấp điện thoại thông minh số 3 thế giới sau Samsung và Apple.
Nhưng các điện thoại thông minh giá cao của công ty Nhật Bản được xem là kém sáng tạo hơn về trải nghiệm người dùng so với đối thủ. Do đó, chúng không thể giúp giữ được danh tiếng lâu năm trên thị trường thiết bị di động của Sony.
Tại thị trường TV, công ty Sharp của Nhật Bản đã bị Samsung và một nhà sản xuất TV khác của Hàn Quốc là LG Electronics bám đuổi từ giữa những năm 2000.
Dù Sharp là công ty sản xuất TV màu đầu tiên trên thế giới vào năm 1960 và TV LCD vào năm 1987, nhưng họ không thể duy trì danh tiếng của mình trên thị trường TV LCD cỡ lớn. Trong khi Samsung và LG đang tập trung đầu tư vào các màn hình LCD kích thước lớn do chính họ sản xuất thì Sharp lại đặt cược vào các màn hình LCD cỡ nhỏ.
Theo thời gian, Samsung lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn dẫn đầu thị trường TV toàn cầu vào năm 2006, đánh bại Sharp và giữ vị trí này cho đến bây giờ. Và sau nhiều năm thua lỗ, Sharp đã được bán cho Tập đoàn Công nghệ Foxconn, công ty có trụ sở tại Đài Loan vào năm 2016.
Các công ty bán dẫn Nhật Bản như Toshiba, Hitachi, NEC và Fujitsu cũng đã dẫn đầu ngành công nghiệp chip toàn cầu với hơn 50% thị phần cho đến cuối những năm 1980.
Samsung thậm chí đứng sau Toshiba với khoảng 12% thị phần cho đến năm 1990.
Nhưng với những khoản đầu tư khổng lồ đổ vào việc phát triển công nghệ mới cho DRAM – 37,1 triệu USD vào năm 1991 và 663 triệu USD vào năm 1992 - Samsung đã vươn lên dẫn đầu thị trường toàn cầu vào năm 1992. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất chip Nhật Bản đều gặp khó khăn về tài chính trong thời kỳ suy thoái năm 1997 của thị trường này.
Từ năm 2002, Samsung tiếp tục vươn lên vị trí dẫn đầu trên thị trường NAND. Hiện tại, Samsung vẫn gần như "vô đối" trên cả 2 thị trường DRAM và NAND.
Do đó, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trên thị trường điện tử nói chung về giá trị sản xuất hàng năm (họ đứng thứ 3 vào năm 2018). Hàn Quốc đã sản xuất tổng cộng 171,1 tỷ USD sản phẩm điện tử, chiếm 8,8% toàn cầu. Trung Quốc và Mỹ đã sản xuất 717,3 tỷ USD và 245,4 tỷ USD tương ứng.
Nhật Bản, lúc này đứng thứ tư sau Hàn Quốc với trị giá 119,4 tỷ USD trong cùng năm.
Đặc biệt, Hàn Quốc cũng đánh bại Nhật Bản về giá trị sản xuất của thiết bị điện tử tiêu dùng, linh kiện, thiết bị vô tuyến, viễn thông và máy tính (theo báo cáo của Hiệp hội Điện tử Hàn Quốc).
Tham khảo: Koreaherald