Tự pha cafe, đạp xe đi làm chưa đủ - đây mới là 3 điều cơ bản để chống chọi lâu dài với bão giá

Trang Mint |

Bạn cần làm gì trong thời bão giá?

"Người làm công ăn lương mỗi tháng nhận vài triệu, khiến họ không có cảm giác tiền bị thiếu hụt, vì đầu tháng hết thì cuối tháng lại có. Dù nhận ra những thứ xung quanh tăng giá, nhưng họ chỉ mua những thứ ít tiền, nên lạm phát chỉ như con muỗi. Những thứ phi mã như nhà, xe, đất tăng 50-100% thì họ không mua nổi nên không quan tâm."

Đây liệu chăng là một quan điểm tài chính khách quan, cho rằng những người làm công ăn lương - họ thực sự bỏ ngoài tai những thông tin về lạm phát, về bão giá ư? Sự thật liệu có phải vậy không, khi mà bão giá đã đi vào từng bó rau ở ngoài chợ.

Cùng nghe xem người trong cuộc họ đang làm gì để đối phó với tình trạng " bão nào bằng bão giá " này nhé!

Lạm phát khiến tôi phải tự pha cà phê và ngồi đây ghi chú lại từng khoản tiền mình dành để "tiêu vặt"

Trịnh Duy (27 tuổi, Hà Nội), hiện đang là nhân viên kinh doanh ô tô. Duy là một người nghiện cafe rất nặng, nếu không uống cafe vào mỗi sáng sớm, anh chàng sẽ không thể duy trì sự tỉnh táo suốt 12h một ngày.

Tự pha cafe, đạp xe đi làm chưa đủ - đây mới là 3 điều cơ bản để chống chọi lâu dài với bão giá - Ảnh 1.

Duy chia sẻ về tình trạng bão giá: "Dạo gần đây, có một sự lạm phát không hề nhẹ đang tấn công chúng ta, ít nhất là những bữa ăn của mình. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mình nhận ra rằng: Không thể đổ nước vào bình xăng để đi làm, hay là uống một cốc nước không cafein vào mỗi sáng sớm!" Anh chàng còn ví von rằng "Chị em ở công ty mình yêu mến món trà sữa lúc 3h chiều thế nào, thì mình nâng niu ly cafe lúc 7h sáng của mình còn hơn thế."

Khi tình trạng lạm phát đang đi sâu hơn vào những chi tiêu nhỏ nhặt như mua bó rau, bữa cơm văn phòng đơn giản, hay là những chi tiêu ngoài nhu cầu tối thiểu như ly trà sữa, cafe,... Duy bắt đầu thống kê lại những khoản chi tiêu mà anh chàng gọi là "tiêu vặt". Duy chia sẻ rằng ít nhất 1 ngày, anh chàng cần được uống 1 ly cafe, nhiều hơn thì 2 ly. Tính toán chi phí, Duy cho biết mình chi ra khoảng 1,5 triệu - 2 triệu/ tháng chỉ để uống cafe.

"Khi nhận ra rằng, mình tiêu khoảng 20 triệu/ năm cho những ly cafe - được pha bằng nước, đường, thêm chút cafein - có bữa vừa miệng bữa không. Và hơn hết, con số này sẽ tăng vì giá 1 ly cafe bây giờ cũng tăng 5-10k so với trước đây, mình quyết định đi tìm chân lý của đời mình."

Và đúng vậy, Duy chi tiền cho 1 chiếc máy pha cafe khoảng 6 triệu đồng, với nhiều chức năng: "Chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu và thực hành, giờ đây mỗi sáng mình chỉ mất khoảng 10 phút cho 1 ly cafe đen nguyên chất, tính ra tiết kiệm hơn rất nhiều."

Xăng tăng khiến mình có động lực lôi xe đạp ra để đi làm

"Giá xăng hiện tại đã tăng gần 32.000 đồng/ lít. Đây đích thực là động lực để mình lôi chiếc xe đạp cất trong kho bấy lâu nay ra để đi làm!" Cũng chung tình trạng cháy túi vì bão giá, Nguyễn Hoan (23 tuổi, Bắc Giang), hiện đang làm tại 1 công ty IT tại Hà Nội cho biết, anh chàng đã đổi phương tiện di chuyển từ xe máy sang xe đạp, chỉ bởi vì "giá xăng quá cao".

Tự pha cafe, đạp xe đi làm chưa đủ - đây mới là 3 điều cơ bản để chống chọi lâu dài với bão giá - Ảnh 2.

Hoan chia sẻ: "Chuyện là chỗ làm mình cách công ty chiều đi 4km, chiều về 2km. Vì buổi sáng mùa hè Hà Nội quá nóng, nên mình thường lựa chọn đi xe máy cho nhanh. Tuy nhiên, chiếc Vespa đi ngốn xăng quá chừng, 1 tuần mình đã tiêu tốn hết 150k tiền xăng, lại còn chẳng được nhận trợ cấp đồng nào từ công ty. Vậy nên, khi thấy giá xăng ngày càng tăng và không có dấu hiệu hạ nhiệt, mình quyết định đạp xe để đi làm, vừa bảo vệ được môi trường, có thể tập luyện giảm mỡ thêm buổi sáng, hơn hết nữa là giúp chiếc ví của mình bớt đau." Đúng là với 1 sinh viên mới ra trường, lương ba cọc ba đồng mà phải đối diện với tình trạng bão giá thế này, quả thực không hề dễ dàng!

Để chống chọi với bão giá, bạn cần chuẩn bị những gì?

Mỗi người sẽ có những cách thức riêng của mình để thích nghi được với thời đại bão giá này. Như Trịnh Duy, anh chàng lựa chọn tự pha cafe thay vì cứ uống ngoài quán, hay như Nguyễn Hoan, anh chàng chuyển sang di chuyển bằng xe đạp để tiết kiệm xăng. Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp khá cụ thể trong việc chi tiêu, và không phải công thức chung cho tất cả mọi người. Vậy, nếu không có điểm chung nào với 2 anh chàng, thì bạn nên làm gì?

Tự pha cafe, đạp xe đi làm chưa đủ - đây mới là 3 điều cơ bản để chống chọi lâu dài với bão giá - Ảnh 3.

Kiểm soát thu - chi

Giống như Trịnh Duy, khi nhận ra lạm phát đã ảnh hưởng tới từng bữa ăn, anh chàng bắt đầu ghi chép lại tất cả những khoản tiền chi tiêu vặt của mình. Đây cũng là một trong những cách bạn có thể áp dụng: Bắt đầu kiểm soát tài chính cá nhân từ việc ghi chép chi tiêu!

Nếu là dân văn phòng, chỉ sống bằng 1 nguồn thu duy nhất, việc kiểm soát thu chi sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bạn có thể lập 1 bảng thu chi với 4 cột: Chi tiêu cần thiết (đầy đủ nhu cầu để sống: ăn, uống, ở, đi lại) - Chi tiêu giải trí (Phục vụ cho các nhu cầu không thực sự cần thiết) - Tiết kiệm - Nguồn thu.

Hãy lưu ý rằng, bạn càng ghi chép cụ thể, bạn càng dễ dàng lọc ra được những khoản tiền chi tiêu vô ích, chỉ khiến bạn nghèo đi mà không đạt được mục đích cụ thể nào cả.

Học cách đầu tư

Kiểm soát thu - chi, sống tiết kiệm giúp bạn không hoang phí tiền của chính mình, nhưng nó không đủ để khiến bạn có thể "yên tâm" trong thời lạm phát này. Hãy học cách đầu tư để khiến những khoản tiền tiết kiệm của bạn không bị mất giá dần theo thời gian.

Đối với dân không chuyên về đầu tư, tài chính, thì việc đơn giản nhất khiến tiền của bạn không mất giá theo thời gian, đó là gửi tiết kiệm ngân hàng. Hãy lựa chọn ngân hàng có nhiều ưu đãi, chế độ chăm sóc khách hàng tốt, và quan trọng là mức lãi suất đủ cao, bắt buộc phải cao hơn mức lạm phát tại thị trường Việt Nam.

Học thêm kiến thức về lạm phát

Hãy cởi mở để học hỏi, ai rồi cũng cần quan tâm đến vấn đề lạm phát, đặc biệt hơn nữa, khi mà giá các mặt hàng đang cao hơn mức lương của bạn. Chỉ khi bạn hiểu rằng điều gì đang làm vơi đi túi tiền của mình, thì mới có thể tìm ra giải pháp thích hợp nhất với chính mình. Để hiểu thêm về lạm phát, về bão giá, bạn có thể đọc một số cuốn sách về tài chính, kinh tế, nghe podcast, xem youtube về cách thức lạm phát hoạt động,... Chỉ khi bạn hiểu biết thì mới không cần sợ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại