Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá

HAPPY MOMS |

Cha mẹ đóng vai trò gì đối với sự trưởng thành của con? Đó hẳn là một câu hỏi không dễ trả lời. Người mẹ này đã không chỉ tìm được câu trả lời cho riêng mình, mà còn truyền cảm hứng cho hàng triệu cha mẹ khác từ hành trình tỏa sáng cùng con.

"Tôi yêu con mình nhưng không muốn chỉ là ngọn nến soi sáng đường con đi, tôi còn muốn ngọn nến của cuộc đời mình vì con mà trở nên sáng tươi, rực rỡ" – Tôi có một ấn tượng vô cùng sâu sắc và thấm thía đối với câu nói này của Giáo sư Dương Văn, tác giả cuốn sách "Mẹ luôn đồng hành cùng con" – nó vừa là một sự đồng cảm, nhưng cũng đồng thời là sự thức tỉnh đối với những ai đang làm cha mẹ - những người luôn sẵn sàng "yêu thương con vô điều kiện", "hi sinh vì con", "dành tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có cho con".

Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá - Ảnh 1.

Nhiều năm trở lại đây, câu hỏi thường trực và khiến chúng ta băn khoăn, ngẫm ngợi nhiều nhất có lẽ là mình sẽ "nuôi dạy con theo kiểu gì?". 

Có quá nhiều trường phái, quan điểm, tư tưởng; quá nhiều phương pháp, quá nhiều các hội thảo, các lớp học, các khóa huấn luyện để giúp chúng ta tìm được con đường phù hợp với mình và từ đó trở thành những cha mẹ tốt, nuôi dạy con đúng cách và dẫn dắt chúng trở thành những người hạnh phúc và thành công. 

Đó là một hành trình mà chúng ta khát khao tìm kiếm những thứ từ bên ngoài, hi vọng vào sự thay đổi đến từ những người khác thay vì dành thời gian để nhìn sâu vào bản thân mình và chiêm nghiệm những vốn quý mà mình đang có, theo một cách như vậy, chúng ta đã quên đi ý nghĩa nền tảng vô cùng quan trọng của giáo dục gia đình và những điều tuyệt vời mà nó mang đến cho tất cả mọi thành viên trong gia đình chứ không riêng gì lũ trẻ. 

Cuốn sách "Mẹ luôn đồng hành cùng con" của tác giả Dương Văn chính là một lời nhắc nhở sâu sắc và đầy rung động dành cho cha mẹ về sẽ lạc lối đó.

Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá - Ảnh 2.

Tại sao giáo dục gia đình lại quan trọng đối với trẻ? Theo bà Dương Văn, đó là bởi vì "con trẻ chính là cuốn sách về sự sống đòi hỏi cha mẹ phải có một quá trình đọc hiểu công phu. Bản thân trẻ chính là người dẫn đường chỉ lối cho cha mẹ trong quá trình cha mẹ nuôi dạy con"

Và nếu cha mẹ không phải là người gần gũi với trẻ nhất, thấu hiểu trẻ nhất, yêu thương trẻ nhất, kiên nhẫn với trẻ nhất, tôn trọng trẻ nhất, luôn đặt mình vào vị trị của trẻ để tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của trẻ – thì làm sao chúng ta có thể mong con mình trở thành một đứa trẻ vui tươi, lương thiện và toàn diện?

Bà luôn tâm niệm: "Cha mẹ phải làm gương cho con. Trong gia đình, mọi lời nói, hành động của cha mẹ, sự bền bỉ vượt khó trong công việc và cuộc sống hàng ngày đều thấm hút vào con. Muốn con thay đổi tích cực, cha mẹ phải nỗ lực thay đổi tích cực. 

Chính vì vậy, muốn thực hiện tốt vai trò người làm gương, cha mẹ phải không ngừng tu dưỡng bản thân, song song với quá trình nuôi dạy con, còn cần phải tự giáo dục mình".

Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá - Ảnh 3.

Giáo sư Dương Văn từng là một thợ may, rồi trở thành sinh viên đại học, sau đó ra đi du học, trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em, giảng viên đại học rồi sáng lập ra trường đại học dân lập với 20.000 sinh viên. 

Bà thừa nhận mình không phải là người thông minh bẩm sinh, nhưng lại là một người rất nỗ lực. 

"Nhan sắc và sự thông minh bẩm sinh chưa chắc đã đảm bảo cho một người có thể thực hiện được mục tiêu cuộc đời, nhưng sự nỗ lực hết mình, nghiêm khắc với bản thân, nghị lực, tinh thần hợp tác… lại là những phẩm chất có giá trị nhất để một người khẳng định giá trị cá nhân. 

Tôi đã cố gắng truyền đến cho con trai những phẩm chất tốt đẹp ấy bằng phương thức phù hợp để con có thể tiếp nhận một cách dễ dàng nhất", tác giả chia sẻ trong cuốn sách của mình.

Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá - Ảnh 4.

Xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách, bên cạnh những chia sẻ và bài học nhỏ, giản dị, dễ thấu hiểu về dinh dưỡng khoa học, chơi với con, hình thành những thói quen tốt, nuôi dưỡng đam mê cho con, dành thời gian cho con, học cách khen ngợi, khích lệ trẻ, chăm sóc thế giới tinh thần… khi con còn nhỏ là những bài học lớn về quá trình giáo dục tố chất cho con trẻ, những rắc rối trong quá trình trưởng thành cùng con được tác giả áp dụng trong thực tiễn nuôi dạy con của mình. 

Tinh thần bao trùm lên tất cả những điều đó là mục tiêu nuôi dạy con trở thành một người có sức khỏe, có tâm lý lành mạnh và có khả năng thích nghi tốt với xã hội bởi theo Giáo sư Dương Văn, quá trình giáo dục là thúc đẩy sự trưởng thành về tinh thần của trẻ một cách vui vẻ, âm thầm dẫn dắt con vào kho tàng văn hóa tinh thần của nhân loại. 

Giáo dục trẻ không phải là giáo dục rập khuôn cứng nhắc, mà là giáo dục tùy cơ ứng biến. Cha mẹ không nên dành hết toàn bộ tình yêu cho con, bao bọc con quá mức. 

Đôi khi, cha mẹ cần giấu đi một nửa tình yêu của mình, để con va vấp với cuộc sống, dần dần tiếp xúc với những khó khăn mà sau này trẻ sẽ gặp phải.

Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá - Ảnh 5.

Đối với vai trò của cha mẹ và giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của con cái, bà Dương Văn khẳng định rằng: "Cha mẹ là người có ảnh hưởng sâu sắc đối với con trẻ trong quá trình trưởng thành. 

Trong quá trình này, rất nhiều kiến thức, khả năng, trí tuệ hay tính cách, phẩm chất đạo đức, tác phong và khuynh hướng của trẻ đều được hình thành dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ. Không ngừng học tập, học tập suốt đời là một thái độ sống. 

Cùng là đứa trẻ đó, nếu được lớn lên trong gia đình theo mô hình học tập và môi trường không đề cao sự học tập, sau 8-10 năm, lượng thông tin mà trẻ tiếp nhận sẽ khác nhau, thói quen, trí tuệ, trải nghiệm…cũng sẽ khác nhau, số phận con người có thể cũng vì thế mà có sự thay đổi".

Trong lời mở đầu viết cho cuốn sách của mẹ mình, Tiến sĩ Đại học Cambridge Hạ Dương có viết: "Chưa bao giờ họ vẽ ra một tương lai giả định cho tôi, có lẽ họ có lý do để tin rằng, con trai của họ đã có thể đưa ra sự lựa chọn có trách nhiệm với bản thân mình", và đó có lẽ chính là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong có ngày được nghe từ chính những đứa con của mình. 

Và để bắt đầu hành trình hạnh phúc đó, điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm, đó là hãy trở thành người mà chúng ta mong muốn con mình trở thành khi chúng lớn lên!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại