Kiểu người nào có thể "đứng vững gót chân", phát triển ổn định lâu dài nhất trong xã hội? Câu trả lời chính là: Một người biết hồ đồ khi cần.
Càng hiểu hơn về cách xã hội vận hành xung quanh, chúng ta càng phát hiện ra rằng, phần lớn những người hay tỏ vẻ sắc sảo lõi đời lại rất khó đạt tới độ cao vượt trội, thậm chí dần dần đánh mất chính mình trong sự thất bại. Rất nhiều trường hợp đạt thành tựu quá sớm, sau đó không thể bứt phá thêm.
Mà trong môi trường đầy áp lực cạnh tranh như ngày nay, không tiến bộ chính là thụt lùi so với số đông. Trong khi đó, những người thành đạt đều “im hơi lặng tiếng”, làm người khiêm tốn thực sự.
Rất nhiều trường hợp, họ nhìn như hồ đồ nhưng thực ra khôn khéo vô cùng. Người ta thường nói “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt”, hành vi của họ càng tầm thường, thái độ càng đưa đẩy thì càng chứng tỏ năng lực phán đoán tình thế tinh tường.
Chỉ có người thực sự khôn ngoan mới hiểu được đâu là thời điểm “ra tay”, đâu lại là thời điểm nên “lấy tĩnh chế động”, “lấy bất biến ứng vạn biến”.
Kiểu người này không ra tay thì thôi, nếu đã hành động chắc chắn sẽ lấy được thành công.
Kế hoạch của họ nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng thực chất, từng chi tiết tỉ mỉ bên trong đều đã được tính toán cẩn thận, nắm chắc trong lòng bàn tay. Sống ở đời, phải học được cách hồ đồ, khiêm tốn, nhún nhường khi cần thì mới càng có thể đạt được thành tựu vượt trội trong tương lai, cuộc đời càng nhẹ nhàng tự tại.
Minh chứng điển hình nhất cho đạo lý này chính là sự thành công của Tư Mã Ý, một nhân vật truyền kỳ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, người đã dễ dàng chiến thắng cả giang sơn vào tay dòng họ Tư Mã mà Tào Tháo dùng cả đời để tranh cướp vẫn chưa thể có được.
Vào năm 231 sau Công nguyên, trong cuộc Bắc phạt Ngụy quốc lần thứ 4 của Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý biết chắc chắn chủ soái đội quân là Gia Cát Lượng đã dấn sâu vào chiến trường, quân lương mang theo không nhiều, vì thế quyết định cố thủ trong thành nhất quyết không tham chiến.
Gia Cát Lượng liên tục phái người tới chửi bới, kích động nhưng Tư Mã Ý luôn giả bộ hồ đồ, không nghe không thấy.
Dù các tướng lĩnh Ngụy quân liên tục tức giận, xin được ứng chiến, thậm chí Gia Cát Lượng còn công khai nhục nhã bằng cách gửi một cái yếm đàn bà tới cho Tư Mã Ý, ông vẫn nhất quyết không ra quân.
Trong thời gian giằng co hơn trăm ngày giữa hai quân, Gia Cát Lượng đã có lần phái sứ giả tới khiêu chiến ngay giữa quân doanh của Ngụy quốc.
Tư Mã Ý hiểu rõ ý đồ thăm dò của kẻ địch, bèn tiếp tục giả bộ hồ đồ, chỉ bàn việc nhà với sứ giả. Thông qua những chuyện không đầu không đuôi, ông lại biết được thông tin Gia Cát Lượng ăn ít, khẩu vị không tốt, quân vụ quá mức bận rộn.
Sau hôm đó, Tư Mã Ý đã nói với những người xung quanh, có lẽ quân Thục sẽ không chống đỡ được lâu hơn nữa. Quả thật, một thời gian ngắn sau đó, Gia Cát Lượng đã đổ bệnh nguy kịch vì làm lụng vất vả quá mức. Quân Ngụy lập tức chiếm thế thượng phong.
Có thể thấy rằng, sự khôn ngoan của Tư Mã Ý nằm ở chỗ kiên nhẫn, biết nhún nhường, biết giấu tài để tìm kiếm cơ hội thích hợp nhất cho mình.
Sự hồ đồ của ông không phải nhát gan, không phải nhượng bộ đến độ đánh mất nguyên tắc, mà là sự rộng rãi của người hiểu thấu đại cục, biết phân nặng nhẹ, không màng thị phi.
Chẳng thế mà cổ nhân cũng có câu: “Nhân sinh này, cần 1 trung tâm, 2 một chút, 3 quên lãng”. Trong đó, 1 trung tâm là lấy sức khỏe làm trung tâm, 2 một chút là thoải mái một chút và hồ đồ một chút, 3 quên lãng là quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên hận thù.
Có câu chuyện kể rằng, hai bệnh nhân cùng mắc bệnh ung thư, trong đó một người vô tình nghe được bác sĩ nói rằng cả hai chỉ còn sống được 3 tháng nữa, thế là anh ta về nhà lo ngày lo đêm, lúc nào cũng thổn thức, kết quả chưa đến 3 tháng người này đã ra đi.
Người còn lại vì không nghe rõ, chẳng biết gì về tình hình bệnh của mình, ngay cả khi bác sĩ nói chuyện trực tiếp với mình, anh ta cũng chỉ nghe câu được câu không.
Vì thế, anh ta về nhà vẫn ăn ngon, ngủ kỹ, đến hẹn thì tới khám và chữa bệnh, chữa xong lại về nhà như không có chuyện gì. Điều đáng ngạc nhiên là người này lại sống rất bình thường, dù đã trải qua hơn 1 năm kể từ ngày đó.
Vậy là, có những chuyện chúng ta nên biết khi cần biết, nhưng cũng nên quên khi cần quên. Lại có những chuyện không nên biết rõ, cứ ngớ ngẩn một chút mới càng thanh thản và dễ sống hơn, hồ đồ một chút mới càng khôn ngoan, chắc chắn.
Còn những người biết rõ quá nhiều điều, thích truy đến cùng của căn nguyên cơ sở lại thường phải để ý nhiều, suy nghĩ nhiều hơn. Trong lòng chứa quá nhiều tạp niệm, lo được lo mất lại khiến tâm khổ, cuộc sống khó lòng đạt được hạnh phúc.
Chỉ có người hồ đồ biết “ngốc” khi gặp chuyện không phải của mình, lại đủ tỉnh táo để lo chuyện mình bắt buộc phải lo, thì mới có thể nắm chắc cuộc đời bản thân trong tay, không tự mua dây buộc mình.
Đây chính là điều mà người ta thường nói: Làm người thông minh không hề dễ dàng, nhưng làm người sống hồ đồ mới càng khó hơn.
Chính vì hồ đồ nên gặp chuyện càng phải nghĩ kỹ, gặp lời càng phải đắn đo, sau khi xét kỹ càng rồi hẵng nói, hẵng làm, đó là cách giảm thiểu rủi ro nhiều nhất. Cũng chính vì hồ đồ, chúng ta mới càng tự nguyện lắng nghe và tiếp thu những ý kiến từ người xung quanh, học được cách tôn trọng người khác, thu hoạch thiện ý và nhân duyên tốt đẹp.
Trong mắt của Khổng Tử, hồ đồ chính là “trung dung”; trong mắt Lão Tử, đó là “vô vi”; trong mắt Trang Tử, hai chữ này lại đại biểu cho sự “tiêu dao”.
Có thể thấy rằng, đây là một loại tâm thái, cũng là một loại tu vi. Tâm chỉ cần đơn giản, người chỉ cần hồ đồ, ít tính toán, không vì chuyện nhỏ mà lo lắng, mới có thể sống tự do thoải mái.