Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số

Thu Phương |

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tủ lạnh là một trong 3 thiết bị tiêu tốn nhiều điện nhất trong nhà.

Trong đời sống hiện đại ngày nay, việc xuất hiện những thiết bị điện trong hầu hết mọi gia đình, giúp hỗ trợ các công việc trong cuộc sống là không thể thiếu. Có thể kể tên loạt thiết bị quen thuộc như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, tivi, máy tính, bình nước nóng, bếp điện, nồi cơm điện...

Trong tất cả các thiết bị điện, thông thường đa phần sẽ chỉ hoạt động khoảng vài giờ mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ của chúng, duy chỉ có một số rất ít, được chạy liên tục cả ngày. Một trong số đó chính là chiếc tủ lạnh.

Tủ lạnh có nhiệm vụ lưu trữ và bảo quản thực phẩm trong môi trường nhiệt độ thấp, từ đó giúp thực phẩm cả đã chín hay tươi sống giữ được lâu hơn. Ngoài ra vào mùa hè, chiếc tủ lạnh còn đặc biệt hữu ích khi cung cấp đá hay nước lạnh, giải khát, làm mát cho các thành viên gia đình.

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 1.

Chiếc tủ lạnh là thiết bị hoạt động liên tục 24/24 mỗi ngày (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc được hoạt động cả ngày cũng khiến thiết bị này tiêu tốn lượng điện năng không nhỏ. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tủ lạnh là một trong 3 thiết bị âm thầm tiêu tốn nhiều điện nhất trong nhà. Vậy tủ lạnh sẽ thực sự sử dụng bao nhiêu điện năng khi được bật liên tục 24/24?

Thống kê, thí nghiệm với những con số cụ thể

Cụ thể, trong bảng thống kê từ EVN, tủ lạnh được chia thành 3 loại chính, mỗi loại lại có lượng điện tiêu thụ trung bình khác nhau, bởi chúng có công suất khác nhau. Tốn nhiều điện nhất là những chiếc tủ lạnh lớn, khi con số biểu thị cho lượng điện tiêu thụ mỗi tháng là khoảng 50 - 75 kWh; với tủ lạnh trung bình là 30 - 45 kWh/tháng; còn với tủ lạnh mini, kích thước nhỏ là 10 - 15 kWh/tháng. Tính theo trung bình giá điện sinh hoạt là khoảng 2.500 đồng, số tiền cao nhất gia đình phải trả cho chiếc tủ lạnh là 187.500 đồng.

Trên thực tế, đây chỉ là con số trung bình, được EVN khảo sát và tạm ước tính. Với những chiếc tủ lạnh được trang bị công nghệ mới, hiện đại hơn, có thể giúp tiết kiệm điện tốt hơn và không tiêu tốn quá nhiều điện năng.

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 2.

Thống kê từ EVN cho thấy một chiếc tủ lạnh lớn sẽ tiêu tốn điện năng nhiều thứ 3 trong các thiết bị điện gia đình (Ảnh EVN)

Có thể theo dõi thí nghiệm đo lường sau đây của người dùng Duy Luân đến từ TP.HCM, hay còn nổi tiếng trên mạng xã hội với cái tên "Duy Luân Dễ Thương". Anh là một trong những KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt), tiên phong trong lĩnh vực review đồ điện tử, công nghệ trên mạng xã hội.

Trong thí nghiệm của mình, Duy Luân đã sử dụng máy đo chuyên dụng, cắm trực tiếp với chiếc tủ lạnh để cho ra kết quả là con số điện năng thiết bị tiêu thụ trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả sau 1 ngày, con số điện năng thu được là 1,834 kWh. Qua 8 ngày, con số là 14,02 kWh. Duy Luân thử thực hiện nhân với giá điện sinh hoạt là 3.000 đồng/kWh, thì số tiền phải trả cho 1 tháng là khoảng 162.000 đồng/tháng, ít hơn con số với tủ lạnh lớn được EVN ước tính.

Ngoài ra cũng theo Duy Luân, việc tủ lạnh tiêu tốn ít hay nhiều điện năng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng của người dùng. Ví dụ như số lần mở tủ lạnh trong ngày, số thời gian để tủ mở...

Người dùng Duy Luân sử dụng máy đo chuyên dụng đo lượng điện tiêu thụ của tủ lạnh nhà mình (Video Youtube Duy Luân Dễ Thương)

Các cách để sử dụng tủ lạnh tiết kiệm điện hơn

Các chuyên gia từ các đơn vị sản xuất và phân phối cũng khuyên người dùng nên ghi nhớ và có thể thực hiện theo một số lưu ý dưới đây để giúp việc sử dụng tủ lạnh được tiết kiệm điện hơn.

1. Không đặt tủ lạnh sát tường hay gần nguồn nhiệt

Nhiều gia đình thường có thói quen kê tủ lạnh sát tường để tiết kiệm diện tích, tối ưu không gian. Tuy nhiên việc làm này sẽ vô tình khiến thiết bị không có không gian để tỏa nhiệt. Quá trình tỏa nhiệt diễn ra chậm có thể khiến thiết bị tốn điện hơn, đồng thời ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị. Việc này sẽ xảy ra tương tự khi đặt tủ lạnh gần nguồn nhiệt, những nơi có nhiệt độ cao như bếp gas, lò nướng...

Chính vì vậy, vị trí lý tưởng để đặt tủ lạnh là đặt xa nguồn nhiệt, nơi tỏa ra nhiệt độ cao và cách tường các bên một khoảng như sau:

- Cách tường phía sau 10cm

- Cách tường 2 bên 2cm

- Cách mặt đất 5cm

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 4.

Tủ lạnh không nên đặt sát tường và nên cách xa nguồn nhiệt (Ảnh minh họa)

2. Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh hợp lý

Ở một số loại tủ lạnh, sẽ có nút điều chỉnh nhiệt độ bên trong thiết bị. Tuy nhiên rất ít người dùng để ý và biết cách sử dụng tính năng này.

Các chuyên gia giải thích, không nên liên tục để nhiệt độ ở mức MAX (mức lạnh nhất) bởi nó có thể khiến lãng phí điện năng. Cũng không nên để tủ liên tục ở chế độ MIN (mức ít lạnh nhất) vì khả năng thiết bị sẽ không được cung cấp đủ chất lạnh, từ đó thực phẩm được bảo quản không tốt. Vì vậy, người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ ở các ngăn theo hướng dẫn như sau:

- Ngăn lạnh: Nhiệt độ khoảng 2 - 4 độ C

- Ngăn đông: Nhiệt độ khoảng âm 15 độ C

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 5.

Điều chỉnh nhiệt độ ở các ngăn tủ lạnh để tiết kiệm điện (Ảnh minh họa)

3. Cân đối lượng thực phẩm để trong tủ lạnh

Mỗi chiếc tủ lạnh sẽ có quy định về dung tích khác nhau. Đồng thời bên trong tủ cũng sẽ được chia thành nhiều ngăn khác nhau, thuận tiện cho việc bảo quản thực phẩm. Người dùng nên tối ưu các ngăn này, đặt lượng thực phẩm vừa đủ, không nên đặt quá nhiều, khiến tủ không còn không gian trống để khí lạnh lưu thông. Việc làm này dù nhỏ nhưng sẽ giúp thiết bị vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động trong việc bảo quản thực phẩm.

Đối với các loại hộp, bát, đĩa thức ăn khi cho vào tủ cũng nên được bọc hoặc đậy nắp kín. Khi này, máy nén tủ lạnh điều hòa lượng khí ẩm hiệu quả, hoạt động với công suất thấp hơn, sẽ giúp tiết kiệm điện.

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 6.

Lưu trữ lượng đồ vừa phải trong tủ lạnh (Ảnh minh họa)

4. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh tủ lạnh định kỳ

Cũng giống như nhiều thiết bị khác, tủ lạnh cũng cần được kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh thường xuyên. Bởi sau một thời gian hoạt động, thiết bị sẽ bị hư hỏng, hao mòn các bộ phận. Việc này cũng dẫn tới việc thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Ví dụ như khu vực dàn ngưng. Dàn ngưng làm bằng kim loại, có chức năng tỏa nhiệt. Khi có quá nhiều bụi bẩn bám vào, dàn ngưng sẽ hoạt động chậm hơn, thiếu ổn định. Vì vậy nên vệ sinh dàn ngưng ít nhất 6 tháng/lần.

Hoặc phần gioăng cao su cửa tủ lạnh. Bộ phận này giúp cho nhiệt độ bên trong tủ không bị rò rỉ ra ngoài khi đóng cửa. Việc kiểm tra sẽ giúp người dùng phát hiện kịp thời gioăng bị hỏng, từ đó thay thế kịp thời.

Các chuyên gia khuyên rằng, thời gian lý tưởng để vệ sinh tủ lạnh là khoảng 1-2 tháng/lần, còn với bảo dưỡng là khoảng 1 năm/lần.

Tủ lạnh chạy cả ngày tốn bao nhiêu điện? Thí nghiệm của người dùng đưa ra con số - Ảnh 7.

Kiểm tra, bảo dưỡng tủ lạnh định kỳ (Ảnh minh họa)

Dàn ngưng hay gioăng cao su cửa tủ lạnh cần được kiểm tra kỹ (Ảnh minh họa)

5. Lựa chọn tủ lạnh có dung tích phù hợp

Bên cạnh kiểu dáng, mẫu mã, các công nghệ, tính năng đi kèm, một yếu tố nữa người dùng cần đặc biệt quan tâm khi mua một chiếc tủ lạnh. Đó là dung tích của thiết bị. Dưới đây là một số gợi ý đến từ các chuyên gia:

- Gia đình 1-2 người: Tủ lạnh mini, dung tích dưới 150 lít

- Gia đình 2-3 người: Tủ lạnh dung tích từ 150 - 300 lít

- Gia đình 3-4 người: Tủ lạnh dung tích từ 300 - 500 lít

- Gia đình 4 - 5 người: Tủ lạnh nhiều người, side by side, dung tích từ 400 - 550 lít

- Gia đình trên 5 người: Tủ lạnh 550 lít trở lên

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại