Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có công văn hỏa tốc đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, tạo luồng xanh ưu tiên cho các phương tiện đã có Thẻ nhận diện phương tiện được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian giãn cách tại TP HCM.
Cụ thể, Tổng Cục đường bộ cho biết, các loại hình phương tiện được cấp Thẻ nhận diện phương tiện, gồm:
- Xe ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được lưu thông đi đến, đi qua TP HCM và ngược lại.
- Xe ô tô từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan được lưu thông đi đến, đi qua TP HCM và ngược lại.
- Xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua TP HCM.
Từ 0 giờ ngày 9-7 TP HCM sẽ lập lại 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP
Việc tiếp nhận thông tin và cấp Thẻ nhận diện thực hiện qua mã Code QR được cấp thông qua Zalo hoặc Email. Sở GTVT TP HCM chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết các thủ tục để các Sở Giao thông vận tải có liên quan và các đơn vị thực hiện. Hình thức thực hiện qua Zalo (Sở Giao thông vận tải TP HCM), email của Sở này (sogtvthcm.goc.vn). Thời gian cấp Thẻ nhận diện trong 24 giờ.
Tổng Cục đường bộ cũng lưu ý, người điều khiển phương tiện phải lưu thông đúng lộ trình và mục đích, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đồng thời mang theo thông báo, Thẻ nhận diện xe, các giấy tờ liên quan, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm soát giao thông.
Thông tin thêm, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với ông Trần Hoàng Hải, chuyên viên Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải, số điện thoại 0933.656.488 hoặc liên hệ qua tài khoản Zalo (0933.656.488) hoặc qua hộp thư điện tử (thhai.sgtvt@tphcm.gov.vn)
Các hướng lưu thông quá cảnh qua TP HCM như sau:
Kể từ 0 giờ ngày 9-7, các phương tiện lưu thông quá cảnh qua TP HCM theo 4 lộ trình sau:
1. Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) đi tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và ngược lại:
- Lộ trình 1: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 62 → Quốc lộ N2 → Tỉnh lộ 8 → Huỳnh Văn Cù → Quốc lộ 13 → tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước.
- Lộ trình 2: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương → Quốc lộ 1 → Quốc lộ 13 → tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước.
2. Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) về tỉnh Đồng Nai và ngược lại:
- Lộ trình 1: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 62 → Quốc lộ N2 → Tỉnh lộ 8 → Huỳnh Văn Cù → Quốc lộ 13 → Phú Lợi → Mỹ Phước – Tân Vạn → Quốc lộ 1K → tỉnh Đồng Nai.
- Lộ trình 2: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 1K → tỉnh Đồng Nai.
3. Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) về tỉnh Tây Ninh và ngược lại:
- Lộ trình 1: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 62 → Quốc lộ N2 → ĐT 825 → ĐT 822 → Tỉnh lộ 7 → Quốc lộ 22 → tỉnh Tây Ninh.
- Lộ trình 2: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 22 → tỉnh Tây Ninh.
4. Hướng lưu thông từ tỉnh Tây Ninh về tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại:
- Lộ trình 1: Quốc lộ 22 → Tỉnh lộ 8 → Huỳnh Văn Cù → Quốc lộ 13 → Phú Lợi → Mỹ Phước – Tân Vạn → ĐT 743A → cầu Đồng Nai → Quốc lộ 51 → tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Lộ trình 2: Quốc lộ 22 → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → Quốc lộ 51 → tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Lộ trình 3: Quốc lộ 22 – Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội – đường D1 (Khu công nghệ cao) – đường D2 – Võ Chí Công – đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.