Vài ngày sau khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các chuyên gia quan hệ quốc tế của Trung Quốc đã dự đoán rằng, chiến thắng này là một cơ hội hiếm hoi để viết lại mối quan hệ nhiều trắc trở giữa Washington và Bắc Kinh.
"Ông ấy tốt hơn Clinton về tất cả mọi thứ", Shen Dingli - giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Fudan (Thượng Hải) nhận định, "Chúng tôi sẽ hoan nghênh ông ấy".
Thế nhưng đầu tuần này, khi những dòng tweet Trump mới đăng tải trên Twitter lan truyền thì ông Shen không còn có thể nói về Trump với giọng điệu nền nã ấy.
"Kiêu căng. Đáng ghét", ông Shen nói khi được hỏi về những gì Tổng thống đắc cử của Mỹ đưa lên mạng xã hội và cuộc điện đàm 10 phút của ông với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Shen nói ông rất bức xúc.
"Nếu ông ta tiếp tục gọi Đài Loan là đất nước, chúng tôi sẽ cắt đứt quan hệ với ông ta", học giả Trung Quốc tuyên bố.
Shi Yinhong, chuyên gia chính sách đối ngoại Đại học Nhân dân Trung Quốc cũng đồng ý rằng: Khả năng quan hệ Mỹ-Trung đổ vỡ đang tăng tỷ lệ thuận với tweet đả kích Bắc Kinh của Donald Trump.
"Vẫn còn quá sớm để đưa ra các dự đoán nhưng tôi nghĩ có lẽ giông tố đã ở ngay ngoài cửa", Shi nói, "Tất nhiên, đó không phải chuyện tốt đẹp".
Về những phát ngôn của Trump, Shi nhận định: "Những tuyên bố ấy sẽ nhắc cho truyền thông Trung Quốc và một phần lớn học giả Trung Quốc, thậm chí nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền rằng, những dự đoán trước đây của họ về khuynh hướng và chính sách Trung Quốc của Trump là quá lạc quan".
"Chính phủ Trung Quốc, cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới không biết Trump là người như thế nào và ông ta sẽ đưa ra những chính sách gì. Nhưng những sự kiện mới đây chắc chắn sẽ khiến họ lo ngại về Donald Trump".
Trung Quốc dường như đang gặp khó khăn khi giải mã những động thái của Trump kể từ cuối tuần qua (Ảnh: CNN)
Mất phương hướng
Nhiều nhà quan sát chính trị bác bỏ quan điểm rằng quyết định trao đổi với lãnh đạo Đài Loan qua điện đàm của Trump là ví dụ mới nhất cho thấy cách hành xử liều lĩnh và nóng vội của ông trong quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, một số người cho rằng cuộc trao đổi là một động thái tính toán, có chủ ý để báo hiệu một điều: Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ không ngại đối đầu với Bắc Kinh.
"Tôi đoan chắc 100% rằng đây không phải là một quyết định ngẫu nhiên", một chuyên gia chính sách đối ngoại chia sẻ với báo Guardian (Anh).
Chuyên gia này cho biết, cuộc gọi 10 phút đã được người của Trump và bà Thái lên kế hoạch trước đó vài tuần.
Trong một bài báo trên Fox News, chuyên gia về Trung Quốc Stephen Yates, người được cho là đã hỗ trợ sắp xếp cuộc gọi, cũng bóng gió rằng đó là một nước cờ được tính trước. Yates cho biết: Cuộc trao đổi được thiết kế để cho Trung Quốc thấy rằng nước này không còn có thể tác động tới người mà Tổng thống Mỹ sẽ trò chuyện.
Chuyên gia Shi Yinhong thừa nhận ông đang rất bối rối, không biết đâu là ý nghĩa thực sự trong động thái mới nhất của Trump.
"Một mặt, tôi không tin rằng ông ta dám thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan một cách chóng vánh như vậy, kể cả khi ông ta muốn. Nhưng mặt khác, tôi lại thấy đấy cũng là một khả năng. Tôi không biết chính sách đối với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan của Mỹ cứng rắn tới mức nào".
Sự cứng rắn ấy đang có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên "vô cùng căng thẳng", ông Shi cảnh báo.
Các cây viết của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cũng có vẻ mâu thuẫn khi nói về vấn đề này. Sự mâu thuẫn thể hiện trong bài viết về quyết định "khiến ai cũng phải bất ngờ" của Trump. Cuối cùng, Hoàn Cầu đành kết luận: Trung Quốc nên hiểu rằng, Trump là người hai mặt.