Từ "con trai cưng" nằm nhà ăn bám mẹ, đến "thần đồng may vá" nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp "tuyệt chủng" ở Trung Quốc

NGUYÊN DŨNG TT |

Sau lần sửa xe mui trần cho một đại gia giàu có, tay nghề may vá thủ công khéo léo của anh chàng này đã được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là người "có duyên với lịch sử" và làm sống lại ngành nghề sắp "tuyệt chủng" tại đất nước tỷ dân.

Vào năm 20 tuổi, bà Vương Tố Trân - mẹ của Đổng Hoài Lợi, cùng chồng từ một ngôi làng nông thôn ở tỉnh An Huy, Trung Quốc lên thành phố để kiếm sống. Do từng học thêu thùa, bà Trân đã bày một sạp hàng may vá quần áo nhỏ ở ngay giữa trung tâm thành phố Nam Kinh tấp nập. Tuy thu nhập ít ỏi, nhưng nhờ tay nghề thủ công khéo léo, Vương Tố Trân đã trở nên nổi tiếng khắp thành phố Nam Kinh, Trung Quốc thời bấy giờ.

Con trai nối nghiệp mẹ

Năm 1998, bà dọn đến Hàng Châu phát triển và theo nghề sửa quần áo suốt 23 năm. Cùng với đà phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhiều người không còn theo nghề may vá vất vả nữa. Nhưng bà Trân vẫn quyết tâm chọn và đi theo nghề đến cùng, hàng ngày đi sớm về muộn cùng sạp hàng nhỏ của mình.

Vào năm 2008, Đổng Hoài Lợi mới 18 tuổi từ quê nhà lên thành phố Hàng Châu. Anh làm đủ mọi loại nghề, từ công nhân trong nhà máy, cho đến hướng dẫn viên ở trung tâm thương mại, nhưng do lương thấp, lại phải làm quần quật từ sáng tới tối khiến chàng trai trẻ chán nản. Cuối cùng, anh "đình công" ở nhà chẳng làm gì.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Đổng Hoài Lợi (trái) và bà Vương Tố Trân (phải)

Lúc đó, anh chưa nghĩ đến việc kế thừa công việc kinh doanh của mẹ mình. Vào năm 2011, vợ Đổng Hoài Lợi mang thai, anh lên chức bố trong khi việc làm còn chưa ổn định, chính trong khoảng thời gian ấy đã khiến anh có ý định học nghề may vá quần áo.

"Vợ tôi có bầu, tôi thì không có việc làm, lại ở nhà thuê chung với mẹ khiến tôi rất lo lắng. Hầu như sinh hoạt phí đều nhờ cậy cả vào mẹ, tôi rất xấu hổ." - Đổng Hoài Lợi kể hồi xưa anh học hành không đỗ đạt cao, làm việc nhiều nơi nhưng không thấy phù hợp, bản thân lại không hề muốn ăn bám mẹ già nên đã quyết tâm thử một phen.

"Sau khi học được một ít nghề, tôi đã đề nghị nối nghiệp mẹ." - Anh kể rằng hồi ấy mẹ không phản đối, cũng không ủng hộ, chỉ nói rằng nếu thực sự muốn thì phải ra ngoài làm thử mới biết được.

"Năm đấy tôi cũng đấu tranh nội tâm rất nhiều, dù sao cũng là một người đàn ông lại ra đường ngồi thêu thùa cũng không phải chuyện dễ dàng." - Đổng Hoài Lợi tâm sự.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Sau khi kết thúc công việc vào ban ngày, bà Vương Tố Trân sẽ về nhà và tiếp tục làm việc, trong thời gian đó Đổng Hoài Lợi cũng thường phụ giúp mẹ làm việc vặt

Vợ Đổng Hoài Lợi hiểu rõ nỗi khổ tâm của chồng nên đã cùng anh đi ra ngoài mở quầy hàng. Đổng Hoài Lợi cho biết lúc đó vợ mới mang thai nên khá bất tiện, nhưng nhờ có sự thấu hiểu của cô, anh mới quyết chí cố gắng hơn.

"Mặc dù vẫn sợ bị người ta chê người, nhưng so với việc ăn bám thì tôi thà ngồi trên phố sửa quần áo còn hơn." - Anh cười.

Sau vài ngày nghiên cứu, Đổng Hoài Lợi và vợ đã chọn "đóng đô" ở lối vào chính của một trung tâm mua sắm.

"Khách hàng là một người đàn ông bản địa khoảng 60 tuổi, nhờ sửa một chiếc áo len bị thủng lỗ. Sau một lúc tỉ mẩn, tôi đã kiếm về được 20 tệ (tương đương 71 nghìn đồng). Tôi rất hạnh phúc, ngay lúc ấy đã cầm tiền đi mua đồ ăn vặt cho vợ." - Anh nhớ lại đơn hàng đầu tiên mà không khỏi xúc động.

Tuy nhiên, cũng có những bận "thần tài" bỏ quên anh, ngồi từ sáng đến tối nhiều ngày trời vẫn không thấy khách, trở về nhà nghĩ đến đứa con sắp chào đời, lòng anh như thắt lại.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Công cụ đơn giản chứa đựng kỹ năng và kiến thức vô giá

Sau khi dựng quầy hàng ít lâu, Đổng Hoài Lợi nhận thấy khách hàng của mình chủ yếu ở độ tuổi 30-40, hầu hết đều là phụ nữ. Người tuổi ấy có tài chính và gu thẩm mỹ nhất định.

"Nhiều khách hàng nhờ tôi sửa đồ hiệu, công việc này không phải chỉ là may vá đơn thuần, nó như một cuộc phẫu thuật để lại ít sẹo nhất cho bệnh nhân, yêu cầu sự tỉ mỉ và tâm huyết."

Đổng Hoài Lợi vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc áo đắt tiền: "Chẳng hạn như bộ đồ thời trang cao cấp tôi đang cầm, đường may của nó rất kín kẽ, các đường chỉ được sắp xếp rất gọn gàng và không nhìn thấy đầu chỉ. Nếu khách cần gấp, tôi phải thức cả đêm để làm."

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Đổng Hoài Lợi tỉ mẩn vá đồ cho khách

Đổng Hoài Lợi cho biết, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, anh đã nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc, bởi vừa không kiếm được nhiều tiền, lại phải chịu ánh mắt soi mói của người đời. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, anh thầm cảm thấy biết ơn vì mình đã kiên trì đến cùng.

Dưới sự hướng dẫn của mẹ, tay nghề của Đổng Hoài Lợi ngày càng được nâng cao, cộng với việc thợ thủ công dần ít đi, công việc kinh doanh của anh cũng dần tốt lên và có nhiều khách quen.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 5.

Góc nhỏ của trung tâm thương mại trở thành "xưởng may" của Đổng Hoài Lợi

Sau này, công việc kinh doanh quá tốt nên Đổng Hoài Lợi đã chuyển quầy hàng đến một góc khuất của trung tâm thương mại, nơi không dễ tìm nếu không phải là khách quen.

Anh đặc biệt chọn một vị trí gần nhà vệ sinh, bởi nhiều bộ quần áo của khách rất đắt tiền. Trước đây khi muốn đi vệ sinh, anh phải bỏ đồ vào túi và đem theo gây ra rất nhiều phiền phức.

Vá xe mui trần

Đổng Hoài Lợi có chút tiếng tăm nhờ tay nghề ổn định, nhưng chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình sẽ nổi tiếng trên mạng như hiện nay.

Câu chuyện bắt nguồn từ một ông chủ người thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc chủ động liên lạc với Đổng Hoài Lợi, đưa ra mức thù lao hậu hĩnh, đồng thời còn đặt vé máy bay khứ hồi mời hai mẹ con họ đến giúp sửa phần mui xe của chiếc xe thể thao mui trần BMW.

"Chiếc xe đó là loại giới hạn, chỉ có 20 chiếc trên thế giới, mui xe bị khoét một vài lỗ. Cửa hàng xe hơi nói rằng phải thay toàn bộ, tốn nhiều tiền lắm." - Đổng Hoài Lợi kể ông chủ nọ đã tìm đến anh qua một người quen giới thiệu.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 6.

Hai mẹ con cùng nhau vá lại phần vải bị thủng của xe

Anh đã dành nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu kỹ lưỡng kết cấu của vải trùm đầu xe và sử dụng 3-4 loại chỉ đen với độ dày khác nhau để thêu từng sợi một dọc theo đường ngang ban đầu của vải. Sau khi phần hư của xe được sửa xong, ông chủ vô cùng hài lòng và tấm tắc ngợi khen tài nghệ của mẹ con họ. Và lần "xuyên tỉnh" xa xôi để vá xe ấy đã thu hút sự chú ý của truyền thông ở đất nước tỷ dân.

Tuy nhiên sau khi trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, trên mạng cũng xuất hiện một vài bình luận khiến anh không khỏi chạnh lòng: "Có người nói tôi diễn kịch, nổi tiếng như vậy sao không mở cửa hàng? Với thu nhập cao thế mà vẫn bày bán hàng rong ngoài đường."

Trong khi đó, phần lớn vẫn bày tỏ sự khâm phục với lòng kiên trì của Đổng Hoài Lợi và đó cũng là sự khích lệ lớn nhất giúp anh tiếp tục công việc.

Thợ sửa ký ức

Vào năm đầu khi Đổng Hoài Lợi mới mở sạp hàng, một ông lão ở tỉnh Chiết Giang đã tìm gặp anh và nhờ sửa một chiếc sườn xám có lịch sử hơn một trăm năm. Sau khi chiếc sườn xám được vá xong, ông lão rất hài lòng. Công sức hai ngày thức trắng đổi lấy những giọt nước mắt xúc động của khách hàng đã khiến anh cảm thấy mình thực sự là người có ích.

Đó cũng là lúc Đổng Hoài Lợi chợt nhận ra rằng dù công việc có bình thường đến đâu, chỉ cần người ta chăm chỉ thì vẫn sẽ đạt được ý nghĩa vượt lên trên vật chất.

Từ con trai cưng nằm nhà ăn bám mẹ, đến thần đồng may vá nức tiếng xa gần giúp hồi sinh ngành nghề sắp tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 7.

Đổng Hoài Lợi cùng hai đứa con và mẹ trong căn nhà mới mua

Sau nhiều năm làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, Đổng Hoài Lợi đã mua được một căn nhà ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên do làm việc quá sức, đau răng nửa năm không đi khám, lại thêm thiếu ngủ nên trên đường lái xe về nhà anh đã bị tai nạn, phải nằm viện một tuần. Sau sự việc đó, anh bắt đầu nghĩ đến mối quan hệ giữa công việc và gia đình.

"Nếu bạn là số 1 thì gia đình của bạn là số 0. Nếu số 1 mất đi, phần còn lại sẽ là 0." - Anh trầm tư nói.

Đổng Hoài Lợi hiện giờ đã là bố của hai đứa trẻ, nên anh càng hiểu rõ trách nhiệm của một người bố với sự phát triển của con cái lớn đến nhường nào.

"Tôi ở trung tâm mua sắm mỗi ngày, nhìn các shipper chạy tới chạy lui vội vã giao hàng, ngắm những chàng trai - cô gái ăn mặc đẹp đẽ, chứng kiến cảnh người lớn cãi vã khiến trẻ con khóc nấc, tận mắt thấy nhiều người gọi hỏi vay tiền nhưng chẳng ai cho vay… Và tôi chợt nhận ra mình thật may mắn khi có được công việc tốt cùng một gia đình hạnh phúc, tôi rất hài lòng."

Đối với Đổng Hoài Lợi, hạnh phúc đơn giản là ban ngày chạy xe chầm chậm trên đường, mang theo một túi lớn quần áo và dụng cụ may vá, đến nơi chăm chỉ làm việc, tận tâm hoàn thành các "tác phẩm nghệ thuật". Cho đến khi trời tối, được trở về nhà, gia đình 6 người vui vẻ cùng nhau ăn tối là anh đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.

Nguồn: QQ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại