Đèn điện là một thiết bị chúng ta thường xuyên sử dụng hàng ngày. Chắc hẳn không ít lần bạn đã từng quên tắt đèn. Việc quên tắt đèn này có thể khiến cho hóa đơn tiền điện hàng tháng của bạn tăng lên mà bạn cũng không rõ lý do vì sao.
Điều này gây ra những lãng phí không đáng có. Hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn tự chế một thiết bị bật/tắt đèn tự động vô cùng đơn giản với chi phí không thể rẻ hơn được nữa.
Clip hoạt động của thiết bị.
Chuẩn bị
Một cảm biến chuyển động HC-SR501 ( giá khoảng 30.000 đồng)
Một module Relay 5v ( Giá khoảng 25.000 đồng)
Dây nối 7 màu đực-cái ( Giá khoảng 7000 đồng)
Bước 1 Tìm hiểu cách hoạt động của cảm biến chuyển động và module Relay 5V
Trái tim của cảm biến chuyển động này này là cảm biến PIR (Passive InfraRed sensor). PIR là bộ cảm biến thụ động dùng nguồn kích thích là tia hồng ngoại. Tia hồng ngoại (IR) chính là các tia nhiệt phát ra từ các vật thể nóng.
VD như cơ thể chúng ta thường là có nhiệt độ 37 độ C , từ cơ thể chúng ta sẽ luôn phát ra các tia nhiệt, hay còn gọi là các tia hồng ngoại.
Người ta dùng một tế bào điện để chuyển đổi tia nhiệt này thành dạng tín hiệu điện. Từ đó có thể chế tạo ra được cảm biến phát hiện các vật thể nóng đang chuyển động.
Đây là 3 chân kết nối của cảm biến chuyển động này. Theo thứ tự từ trái qua phải là : Chân VCC, Chân OUT, Chân GND. Chân OUT là chân xuất tín hiệu ra, còn chân VCC và GND là hai chân cấp nguồn cho cảm biến hoạt động.
Trên cảm biến có 2 chiết áp. Chiết áp số 1 dùng để điều chỉnh độ nhạy của cảm biến. Chiết áp số 2 là chiết áp thời gian, với thời gian trễ: điều chỉnh trong khoảng 0.5-200 giây . Chúng ta sẽ điều chỉnh hai chiết áp này sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu mong muốn.
Trên cảm biến chuyển động có còn thêm thanh kẹp này. Nó cho ta tùy chọn lặp lại kích hoạt hoặc không lặp lại kích hoạt.
Module Relay sẽ có 6 chân, DC+ DC- là chân 2 cấp nguồn điện cho relay hoạt động, IN là chân tín hiệu vào.
COM và NC NO là các chân để chúng ta sử dụng đóng ngắt các thiết bị điện. COM là chân ở giữa. NC là viết tắt của Normal Close nghĩa là thường đóng. NO là Normal Open nghĩa là thường mở.
Ngoài ra trên module Relay này các bạn còn thấy ở đây có 1 cái kẹp nối mạch. Trên đây thì có 3 chân. Kí hiệu L là viết tắt của Low còn H là viết tắt của High.
Đây là tùy chọn cho phép bạn chọn cảm biến chuyển động gửi tín hiệu LOW sẽ kích Rơ-le hay gửi tín hiệu High thì mới kích rơ-le. (Low và High là 2 trạng thái điện được gửi từ cảm biến chuyển động sang).
Bước 2: Kết nối cảm biến chuyển động với module relay 5v.
Các bạn nối dây OUT của cảm biến chuyển động vào dây IN của Relay 5v
Tiếp theo các bạn nối chân VCC (chân Dương) của cảm biến chuyển động vào chân D+ của Relay 5v
Và nối chân còn lại trên cảm biến chuyển động là chân GND vào chân D- trên module Relay 5v
Giờ chúng ta phải nối thêm 2 dây vào chân D+ và D- của Relay 5V để cấp nguồn cho Relay và cảm biến chuyển động hoạt động.
Bước 3: Nối đèn cần bật tắt tự động vào relay 5v.
Các bạn nối đèn vào sơ đồ như trên là chúng ta đã hoàn thành rồi thiết bị này rồi, thật đơn giản phải không nào!
Đây là thiết bị thực tế đã nối với đèn trong phòng tắm.
Ở đây chúng tôi gắn cảm biến chuyển động gần cửa để bạn đọc có thể thấy rõ hoạt động của thiết bị này. Các bạn nên gắn ở trên trần nhà tắm hay hành lang để cảm biến hoạt động được hiệu và chính xác quả nhất.
Xin cảm ơn cửa hàng Linh kiện Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!