Vào năm 1871, khi doanh nhân người Mỹ có tên Horace Capron lần đầu tiên đến thăm hòn đảo Hokkaido, Nhật Bản, việc tìm kiếm dấu hiệu tồn tại của con người là vô cùng khó khăn.
Những đồi thảo nguyên trùng trùng điệp điệp, cánh rừng thưa thớt xen lẫn những rặng núi bao phủ lấy toàn bộ hòn đảo.
"Cảnh sắc tuyệt đẹp của nơi này bị bao phủ bởi một màu chết chóc tang thương. Chẳng có lấy một chiếc lá rụng, tiếng chim hót hay bất cứ dấu hiệu nào của sự sống".
"Thật kỳ lạ là giờ đây địa điểm một thời vắng vẻ tựa như sa mạc Sahara lại có thể phát triển và trở thành một đô thị sầm uất bậc nhất ở xứ sở kỳ diệu này".
Nằm ở phía cực Bắc của Nhật Bản, Hokkaido giống như vùng biên giới viễn Tây của nước Nhật, với địa hình xa xôi cùng vùng biển rộng dữ dội, phân cách giữa nó với hòn đảo Honshu trù phú.
Để có thể tiếp cận được vùng đất này, du khách sẽ phải liều mình vượt qua cái lạnh băng giá của mùa đông, những triền đồi núi lửa nhấp nhô hay cuộc sống hoang dã đầy khắc nghiệt.
Chính vì lý do này nên chính phủ Nhật quyết định để phần lớn lãnh thổ này nằm dưới sự trông coi của người dân tộc Ainu bản địa, vốn sinh sống bằng nghề săn bắt hái lượm.
Đến giữa thế kỷ thứ 19, một sự kiện diễn ra khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Lo sợ quân đội Nga, chính phủ Nhật Bản quyết định giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phương Bắc bằng cách tuyển mộ hàng loạt những samurai lên bảo vệ Hokkaido.
Và thế là mọi thứ sau đó xuất hiện như một lẽ tất yếu, những trang trại, bến cảng, đường bộ, đường sắt mọc lên khắp xung quanh hòn đảo. Kể cả những chuyên gia về nông nghiệp như Capron cũng được tuyển mộ để huấn luyện và chỉ bảo người dân cách canh tác hiệu quả.
Và chỉ sau 70 năm, dân số khu vực này bùng nổ từ vài nghìn dân trước khi lên đến hơn 2 triệu người. Bước sang thế kỷ mới, con số này sắp vượt ngưỡng gần 6 triệu người.
Trước khi Thiên hoàng Minh Trị đẩy mạnh quy mô dân số khu vực, toàn bộ người dân sinh sống tại Hokkaido đều đến từ tộc người Ainu bản địa
Không giống như tổ tiên của mình, cư dân sinh ra tại Hokkaido hiện nay gần như không phải chống chọi lại với sự khắc nghiệt từ thiên nhiên.
Và các nhà tâm lý học cũng đưa ra một phát hiện thú vị rằng, chính tác động từ việc sinh sống ở vùng biên giới ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, cảm xúc cũng như khả năng suy luận của con người nơi đây.
Nghiên cứu được tiến hành khi so sánh với dân cư sinh sống tại hòn đảo Honshu, chỉ cách đó có 54 km.
Phát hiện chỉ ra rằng, cư dân Hokkaido là những người đi theo chủ nghĩa cá nhân, có khát khao phát triển bản thân và ít có nhu cầu được sinh hoạt cộng đồng. Nói tóm lại, những đặc điểm kể trên về mặt nhận thức có xu hướng "Mỹ hóa" hơn so với phần đa dân số Nhật Bản.
Câu chuyện về Hokkaido chỉ là một trong số hàng ngàn những trường hợp chứng minh cách thức suy nghĩ của con người bị môi trường sống chi phối.
Càng ngày mọi thứ càng trở sáng tỏ, khi mà những yếu tố như lịch sử, văn hóa và địa lý có thể chi phối cách nghĩ của chúng ta theo cách không thể kinh ngạc hơn – ngay từ giây phút ta nhìn thấy sự vật, sự việc.
Chẳng hạn như việc canh tác mỗi loại hoa màu khác nhau cũng đủ để tổ tiên chúng ta suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau, hay đơn giản một con sông cũng có thể đánh dấu biên giới giữa 2 nền văn hóa.
Tư duy "Weird"
Trước đây, các nhà khoa học có xu hướng phản đối sự đa dạng về cách con người nhận thức và tư duy.
Đến năm 2010, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí "Khoa học hành vi và não bộ" thống kê rằng, phần lớn những đối tượng mà ngành tâm lý học hướng đến thường mang những đặc điểm liên quan đến những cụm từ như "phương Tây" (western), "giới trí thức" (educated), "công nghiệp hóa" (industrialised), "giàu có" (rich) và "dân chủ" (democratic).
Ta có thể gọi tắt là "weird". Trong số đó, gần 70% là người Mỹ và phần nhiều là sinh viên đại học mong muốn kiếm chút tiền tiêu vặt hoặc tích lũy điểm học phần tín chỉ thông qua việc tham gia những bài thử nghiệm tâm lý trên.
Giả thuyết ngầm cho vấn đề này đó là nhóm người kể trên chính là đại diện cho một sự thật hiển nhiên về bản chất của con người – rằng chúng ta là một thể thống nhất không trộn lẫn. Nếu điều đó là sự thật thì quan niệm chuộng phương Tây không còn quá quan trọng nữa.
Ấy vậy, số lượng các bài nghiên cứu về con người thuộc những nền văn hóa khác còn quá ít, khiến cho giả thuyết trên chưa thực sự thuyết phục.
Dân số Hokkaido bùng nổ từ vài nghìn dân lên gần 6 triệu người chỉ sau 70 năm
Sự khác biệt giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể có thể được tóm gọn ở một vài ý sau: bạn sẽ thích cảm giác độc lập, tự chủ, hay muốn được đồng hành và kết nối với nhiều người xung quanh.
Nhìn chung thì thường người phương Tây có xu hướng cá nhân hóa khá cao, trong khi nhắc đến tinh thần vì tập thể người ta thường nói đến một số quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Khi được hỏi về thái độ và cách hành xử, xã hội phương Tây thường chú trọng vào thành công cá nhân thay vì của tập thể, điều này dẫn đến cảm giác tất yếu muốn kiếm tìm sự tự tin cao độ cũng như theo đuổi hạnh phúc cá nhân.
Nhưng điều này không may cũng dẫn đến thái độ tự mãn, khi mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những ứng viên có tư duy "weird" thường đánh giá quá cao khả năng của mình.
Chẳng hạn, khi được hỏi về trình độ chuyên môn, 94% giáo sư ở Mỹ thừa nhận rằng trình độ của họ "trên mức trung bình".
Xu hướng này gần như mất hút ở những quốc gia thuộc khu vực Đông Á, thực tế thì những người được hỏi thường có xu hướng hạ thấp khả năng của mình để thêm tự tin về giá trị bản thân.
Sống trong xã hội thiên về chủ nghĩa cá nhân, không lạ khi con người thường có xu hướng đề cao cái tôi tự do cũng như những lựa chọn của riêng mình.
Tính toàn thể thấm nhầm vào văn hóa cũng như triết học phương Đông
Quan trọng hơn, việc định hướng xã hội như thế nào cũng ảnh hưởng đến khả năng suy luận của chúng ta trên nhiều phương diện. Cư dân đến từ những quốc gia thiên về chủ nghĩa tập thể thường có lối suy nghĩ "toàn cục" khi phải đương đầu một vấn đề nào đó.
Cụ thể, họ có xu hướng quan tâm đến mối quan hệ giữa các yếu tố với nhau, cũng như bối cảnh thực tế. Còn đối với xã hội nặng về chủ nghĩa cá nhân, người ta thường chỉ xét đến từng nhân tố cụ thể, đặt trong bối cảnh cố định không thay đổi.
Thậm chí nó còn có khả năng thay đổi cách bạn nhìn thế giới nữa. Một nghiên cứu theo dõi cử động mắt do Richard Nisbett thuộc trường Đại học Michigan tiến hành đã cho ra kết quả như sau: Đối với những đứa trẻ đến từ các quốc gia Đông Á, chúng dành thời gian xem xét cấu trúc xung quanh bức tranh – yếu tố bối cảnh – thay vì tập trung vào nội dung mà bức tranh truyền tải.
Trong khi đó, những đứa trẻ đến từ Mỹ lại làm điều ngược lại. Điều thú vị là ở chỗ nghiên cứu cũng cho ra kết quả tương tự đối với Nhật Bản và Canada, chỉ có điều đối tượng được sử dụng lại là những bức họa ngộ nghĩnh của con trẻ.
Điều này chứng tỏ mức độ đa dạng khả năng thị giác của con người có xu hướng phân tán ngay từ khi còn rất nhỏ. Và chỉ cần điều chỉnh mức độ tập trung, ta có thể quyết định được độ dài trí nhớ dài hạn của mình sau khi nhìn thấy một sự vật sự việc nào đó.
Mắc kẹt giữa hai ranh giới
Hãy thử lấy ví dụ về nước Mỹ, một trong những quốc gia tiêu biểu đại diện cho thế giới phương Tây.
Các nhà sử học như Frederick Jackson Turner đã từng tranh luận với nhau rằng, có thể chính sự bành trướng của văn hóa phương Tây đã tạo nên nếp sống tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đơn giản là bởi trong quá trình khám phá một đất nước mới, mỗi nhà thám hiểm đều phải tự mình vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt nhằm duy trì sự sống.
Kết quả từ những nghiên cứu tâm lý học gần đây có vẻ củng cố thêm sự chính xác của giả thuyết này. Người ta phát hiện ra rằng, tại những tiểu bang nằm gần biên giới nước Mỹ (như tiểu bang Montana chẳng hạn), xác suất những người theo chủ nghĩa cá nhân có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính khách quan của giả thuyết "định cư tự nguyện", các nhà khoa học cần tiến hành thêm 1 nghiên cứu độc lập khác nhằm đối chiếu so sánh.
William S Clark, một trong những nhà nông nghiệp học tiên phong của nước Mỹ, đã có công phát triển hòn đảo Hokkaido như ngày này.
Chính bởi lý do đó mà Hokkaido trở thành một ví dụ khá thú vị. Giống như hầu hết các quốc gia Đông Á khác, người dân Nhật Bản nhìn chung luôn sống hết mình vì tập thể và có cái nhìn toàn diện về mỗi sự vật sự việc.
Ấy vậy, việc di cư ồ ạt lên vùng lãnh thổ phía bắc quốc gia này khiến ta không khỏi liên tưởng đến thời kỳ người dân Mỹ chạy đua tìm đến vùng "Viễn Tây": Chính phủ Minh Trị thời này thậm chí còn tuyển mộ những chuyên gia nông học đến từ nước Mỹ xa xôi, tiêu biểu như Horace Capron, với mục đích cải tạo vùng đất cằn cỗi này.
Giả sử nếu như thuyết "định cư tự nguyện" là chính xác, những nhà thám hiểm ấy đáng ra phải biến Hokkaido trở thành một nơi tôn thờ chủ nghĩa cá nhân hơn bất cứ nơi nào khác trên đất nước Nhật Bản.
Nghiên cứu của Shinobu Kitayama đến từ Đại học Michigan cho thấy, người dân sống tại Hokkaido đặt nặng giá trị của tự chủ cũng như thành tựu cá nhân, đặc biệt là cảm giác tự hào về bản thân, hơn bất cứ người Nhật nào khác.
Thêm vào đó, họ cũng có xu hướng ít quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Những người tham gia cũng được yêu cầu làm một bài kiểm tra khả năng tư duy xã hội, thông qua chủ đề về quan điểm của họ khi bắt gặp 1 cầu thủ bóng chày có hành vi sử dụng doping.
Không giống như những người Nhật sinh sống tại các địa phương khác, khi họ cho rằng cần phải tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, như áp lực phải giành chiến thắng chẳng hạn, người dân Hokkaido lại một mực cho rằng, cầu thủ đó không xứng đáng về mặt tư cách đạo đức.
Xu hướng đổ lỗi này thực chất là một đặc điểm nổi bật của xã hội thiên về chủ nghĩa cá nhân và có điểm tương đồng với Mỹ.
Giả thuyết về vi khuẩn
Một giả thuyết khác (có phần thiếu trực quan) về sự khác biệt nhận thức có thể nằm ở phản ứng của mỗi người đối với vi khuẩn.
Vào năm 2008, Corey Fincher (hiện là giảng viên đang công tác tại Đại học Warwick) và cộng sự đã cùng nhau phân tích dữ liệu về dịch tễ học và đưa ra kết quả rằng: nếu bạn càng có nguy cơ lây nhiễm khuẩn, bạn sẽ càng có xu hướng sống theo tập thể hơn, cũng như hạn chế bớt chủ nghĩa cá nhân đi.
Lý do cơ bản đằng sau phát hiện này đó là việc trong một tập thể, thường đề cao sự lệ thuộc và tôn trọng lẫn nhau, người ta sẽ có xu hướng hạn chế những hành vi có khả năng lan truyền mầm bệnh đến cho người khác.
Tuy vậy, phát hiện có phần bất ngờ nhất lại đến từ những cánh đồng lúa.
Thomas Talhelm đến từ Đại học Chicago đã thống kê 28 tỉnh khác nhau ở Trung Quốc, qua đó rút ra kết luận rằng, nhận thức của con người được phản ánh thông qua truyền thống canh tác nông nghiệp ở địa phương đó.
Việc canh tác lúa nước đòi hỏi phải phối hợp nhóm nhiều hơn, do tính chất sử dụng lao động khối lượng lớn cũng như hệ thống tưới tiêu vô cùng phức tạp
Talhelm tò mò không rõ lý do thực sự đằng sau sự khác biệt trên. Và sự thật thì lý do không đến từ sự khác biệt về mức độ giàu nghèo hay đô thị hóa, mà thay vào đó nó đến từ loại hoa màu mà từng địa phương lựa chọn để canh tác chính.
Phần lớn các tỉnh phía bắc đều trồng lúa mạch, trong khi ở phía nam, lúa nước lại là loại lương thực được ưa chuộng hơn. Việc canh tác lúa nước đòi hỏi phải phối hợp nhóm nhiều hơn, do tính chất sử dụng lao động khối lượng lớn cũng như hệ thống tưới tiêu vô cùng phức tạp.
Trong khi đó, trồng lúa mạch chỉ tiêu tốn một nửa công sức bỏ ra so với lúa nước, và hoàn toàn dựa vào lượng mưa thay vì công tác thủy lợi.
Điều này đồng nghĩa với việc nông dân trồng lúa mạch không cần thiết phải phối hợp công việc với hàng xóm hay những người xung quanh, thay vào đó họ có thể tự mình làm chủ cánh đồng.
Nguồn: BBC