Khổng Tử từng nói rằng, trong cuộc đời, con người thường trải qua 6 giai đoạn, đó là: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ".
Ý của câu nói trên là: Mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi tự lập, bốn mươi tuổi biết phân biệt thị phi, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi tu hành thành thục, những việc làm ra đều chuẩn mực hợp lý, không khiến người khác chướng tai gai mắt, bảy mươi tuổi có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp lý và đạo lý.
Có thể thấy, tuổi 40 là độ tuổi mà con người đã đủ trưởng thành, có thể điều chỉnh được các mối quan hệ của bản thân, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, cải thiện nâng cấp chính mình…
Ở độ tuổi này, trong các mối quan hệ giữa người với người cũng đòi hỏi mỗi người cần phải dùng cái đầu để hành xử, ứng xử.
Trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày cũng vậy, người đã bước sang tuổi 40 cần phải biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì, nên nói gì và điều gì tuyệt đối không nên nói ra.
Tục ngữ có câu: Cơm có thể ăn nhiều một chút nhưng lời nói thì không thể nói bừa. Câu nói này muốn nhấn mạnh đến việc cần phải chú ý đến lời ăn tiếng nói, có những lời nói nhất định không được nói ra. Những người mồm mép hoạt động nhanh hơn não bộ thường dễ rước họa vào thân.
Tuổi 40 cũng là thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn trung niên, học được cách kiểm soát lời ăn tiếng nói có thể sẽ giúp mỗi chúng ta đón nhận thêm phúc khí, tài vận rộng mở.
Vì thế, từ 40 tuổi trở đi, mỗi người hãy thực sự chú ý, cần loại bỏ 2 kiểu nói dưới đây để không gây tổn hại cho người khác và cho chính bản thân mình.
1. Nói khoác
Đến tuổi 40 mà bạn vẫn còn khoác lác, chém gió, đó là một dấu hiệu cho thấy cuộc đời bạn chẳng còn mấy hy vọng.
Người ở tuổi 40 lẽ hiển nhiên sẽ sở hữu kinh nghiệm nhiều hơn những người trẻ tuổi, họ đã kinh qua không ít việc, đã hiểu được những phép tắc trong xã hội này, đã biết phải thế nào mới có thể khiến bản thân tiến gần đến thành công.
Đã trải qua 20 năm lăn lộn phấn đấu trên đời trước khi chạm đến tuổi 40 mà vẫn chỉ biết nói mà không làm, vẫn có thể khoác lác để khoe mẽ bản thân, vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng, sự nỗ lực luôn thực tế hơn những lời khua môi múa mép.
Dù rằng con người ai cũng ham hư vinh, nhưng có một số người để thỏa mãn ham muốn hư vinh mà thường xuyên khoác lác, phóng đại sự thật thì về lâu về dài sẽ khiến những người xung quanh ngán ngẩm và nhanh chóng nhận ra rằng, bạn là kẻ kém cỏi, không có năng lực.
Khoác lác không đem lại lợi ích gì mà chỉ khiến bản thân bị hạ thấp trong mắt người khác mà thôi.
Vì thế, khi đã chững chạc, trưởng thành, hãy biết nói những gì nên nói và kiểm soát những gì không nên nói ra. Hãy từng bước theo đuổi lý tưởng của mình, như thế cuộc đời mới có thể tiến lên những nấc thang mới, phúc khí mới đến, đường tài lộc mới thênh thang rộng mở.
2. Nói những lời hạ thấp người khác đề cao bản thân
Có những người cho rằng khi mình lớn tuổi, mình có quyền đánh giá nhận xét phê phán người khác, nhất là những người ít tuổi hơn mình.
Họ thường cho rằng trong cơ quan, ở nơi mình làm, vì mình là "lão làng", tuổi cũng lớn hơn nhiều người khác nên tự nhận mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn người, từ đó nảy sinh hành động chèn ép hậu bối, thậm chí thích dùng lời nói để hạ thấp người khác để đề cao bản thân.
Đây thực sự là một hành vi ngu xuẩn.
Một người nếu thực sự có năng lực, bất luận là họ 40 tuổi hay 20, 30 tuổi, chỉ cần có khả năng hơn người, anh ta sẽ được người khác đánh giá cao, được người khác mến mộ.
Ngược lại, người không có năng lực thường thích dùng cách hạ thấp người khác để đạt được mục đích đề cao bản thân mình.
Kiểu người này thường luôn tự cảm thấy mình tốt đẹp, hơn người mà coi thường người khác mà không biết rằng, chính họ mới đang bị xem thường.
Vì thế, nói năng nhất định cần suy nghĩ, đừng để người khác phải buông lời chế giễu "già rồi còn dại".
Đừng tùy tiện nghĩ gì nói đấy, bởi có những lời nếu nói ra, sẽ chỉ khiến bản thân bạn gặp rắc rối, thậm chí là tai họa mà thôi.
Cách ăn nói cũng là yếu tố phản ánh nhân cách của một con người. Hãy nói ít, làm nhiều.
Chỉ có chuẩn mực hóa hành vi của bản thân, chúng ta mới có thể hạn chế được việc làm sai.
Chỉ có suy nghĩ nhiều lên, chúng ta mới có thể tránh được việc nói sai, từ đó tránh được những tổn thất không đáng có.
Thiết nghĩ, ngoài những người đã bước sang tuổi 40, những người trẻ tuổi cũng nên lưu ý tránh hai cách nói này nếu muốn được mọi người yêu mến, tin cậy.