Buffett có một câu nói đầy triết lý sống và trí tuệ trong làm giàu vô cùng nổi tiếng: “Đời người giống như đẩy lăn một quả bóng tuyết vậy, quan trọng là phải tìm thấy một đống tuyết thật ẩm, và một con dốc thật dài.” Trên thực tế, cái gọi là “quả bóng tuyết” mà Buffett nhắc đến, chính là sự tích lũy tiền tài lâu dài thông qua sức mạnh to lớn của lãi kép. Trong đó, “tuyết ẩm” tượng trưng cho tỷ suất hoàn vốn hằng năm cao; còn “con dốc dài” tức là phải kéo dài khoảng thời gian tăng lãi suất kép.
Đọc xong hai câu chuyện này, bạn sẽ nhận ra một chân lý: Trong đầu tư tài chính, bạn phải duy trì tư duy lãi suất kép, có vậy thì giấc mơ làm giàu sẽ không còn xa nữa. Điều cần phải nói rõ là hai câu chuyện này đều từng do chính Warren Buffett kể lại để chứng minh cho sức mạnh của "lãi kép":
Câu chuyện thứ nhất: Từ 20.000 USD thành 1.000 tỷ USD
Warren Buffett (Nguồn ảnh: Paul Morigi/ for Fortune/Time Inc)
Vì việc nhắc về tư duy lãi suất kép trong đầu tư quá nhiều lần có thể khiến các bạn cảm thấy nhàm chán, nên vào năm 1963, Buffett đã kể một ví dụ về câu chuyện trong giới nghệ thuật để ta hình dung sức mạnh của lãi suất kép.
Năm 1540, Francis Đệ Nhất – khi đó là vua nước Pháp, đã mua một bức tranh nổi tiếng với giá 4.000 Écu (tiền tệ nước Pháp lúc bấy giờ). Vào thời điểm đó, 4.000 Écu khoảng 20.000 USD bây giờ.
Nếu Francis Đệ Nhất có thể dựa vào phương án mua tranh để đầu tư thực tế trong tương lai, nói một cách cụ thể: nếu ông ấy và những người được ủy thác của mình có thể tìm được một dự án đầu tư mà lãi suất kép sau thuế hàng năm chỉ cần đạt 6%, thì tính đến năm 1963, bạn nghĩ xem lợi tức tích lũy của khoản đầu tư 20.000 USD này sẽ thành bao nhiêu? Câu trả lời là một con số đáng kinh ngạc: 1.000 tỷ USD! Và 1.000 tỷ có được này đều được sinh ra từ sự tăng trưởng lãi kép hằng năm 6% (Sử dụng số tiền gốc là 20.000 USD nhân với 1,06% cho lũy thừa của 423, trong đó 423 là số năm từ 1540 đến 1963).
Ngoài việc giúp ta hình dung sức mạnh của tư duy lãi kép, câu chuyện của Buffett cũng đặt dấu chấm hết cho câu hỏi: Liệu mua các tác phẩm nghệ thuật có phải là một khoản đầu tư tốt hay không.
Câu chuyện thứ hai: Từ 24 USD thành 42 tỷ USD
Năm 1626, có một nhóm người da đỏ ở Manhattan đã bán hòn đảo này cho Peter Minuit – vị Thống đốc nổi tiếng sống phung phí ở Hà Lan. Dựa vào sự hiểu biết của Buffett, qua cuộc mua bán này, những người da đỏ tội nghiệp đó chỉ nhận được 24 USD, còn Minuit đã sở hữu toàn bộ hòn đảo Manhattan rộng 22.3 dặm vuông Anh.
Buffett kể câu chuyện này vào năm 1964, theo ước tính dựa trên giá nhà đất tương đương vào thời điểm đó, giá đất mỗi feet vuông trên đảo Manhattan đáng giá 20 USD, và tổng giá trị đất của đảo Manhattan là khoảng 12,5 tỷ USD. Thoạt nhìn, ta sẽ nghĩ người da đỏ đã lỗ số tiền rất lớn, còn Minuit lại được lợi quá nhiều. Tuy nghiên, Buffett đã đưa ra một giả định: Nếu người da đỏ trong tương lai có thể thu lợi tức đầu tư 6.5% mỗi năm, thì cuối cùng người được lợi lại chính là những người da đỏ này.
Nếu tính theo lãi suất kép hàng năm là 6.5%, 24 USD mà họ thu được từ việc bán hòn đảo vào thời điểm đó đã được định giá xấp xỉ 42 tỷ USD sau 338 năm tích lũy. Và chỉ cần họ cố gắng kiếm thêm hơn 0.5 điểm phần trăm còn lại mỗi năm để làm cho tỷ suất sinh lợi hàng năm đạt tròn 7%, thì vào năm 1964, tức 338 năm sau, 24 đô của họ có thể tăng lên thành 205 tỷ đô. Một con số không thể tin được!
Nhiều người sẽ nghĩ hai câu chuyện trên là lý tưởng hóa và có phần viển vông. Tuy nhiên, hai câu chuyện trên được kể từ chính miệng của “Vua chứng khoán” Warren Buffett. Hơn nữa những câu chuyện đã được kể từ hơn 30 năm trước này kết hợp với những kì tích trên sàn chứng khoán mà ông đã tạo ra trong suốt 30 năm qua, kết quả thật khiến người ta phải thán phục và suy ngẫm.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh qua hai câu chuyện trên là: Nếu bạn muốn kiếm tiền bằng cách đầu tư, bạn cần dựa trên sự tích lũy kinh nghiệm lâu năm và sự tích lũy tài chính, bạn cần phát huy tối đa sức mạnh của lãi suất kép. Điều này cũng đòi hỏi bạn phải lập một kế hoạch và chiến lược đầu tư tốt, tuyệt đối không được nóng lòng và có tư tưởng làm giàu vội vàng.
Trên thực tế, nhiều nhà quản lý đầu tư tài chính chưa từng học qua lớp đào tạo hay lớp hướng dẫn có hệ thống và chính thức nào thường chỉ xem xét thị trường một cách chủ quan, họ chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền mà không phân biệt tính xác thực của tin tức, không nắm rõ mô hình lợi nhuận. Kết quả, họ bị thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Đối với vấn đề này, chúng ta phải hết sức cảnh giác, phải biết rằng: Sức mạnh vô song của “hầm rượu” mang tên “lãi kép”, cũng cần có thời gian để “lên men”.