Tham vọng của Trung Quốc khiến ông Trump muốn mua đảo lớn nhất thế giới Greenland?

Thi Anh |

"Vai trò của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ là mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, quyền lực mềm", Luke Coffey - chuyên gia của Heritage Foundation nhận định.

Vai trò của Trung Quốc ở Bắc Cực

Mong muốn mua Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã bị Đan Mạch khước từ nhưng nó cho thấy giá trị ngày càng gia tăng của hòn đảo phủ băng khổng lồ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tham vọng hiện diện tại Bắc Cực của Trung Quốc, SCMP nhận định.

Tình trạng tan băng ở vùng cực đã khiến hòn đảo thưa thớt dân cư Greenland, một vùng tự trị của Đan Mạch, nằm trên một tuyến vận tải đầy tiềm năng và rơi vào cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt giữa các cường quốc.

Greenland sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai phá như dầu mỏ, khoáng sản và các nguyên tố đất hiếm rất giá trị mà Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế công nghệ thèm muốn.

Năm 2018, một tổ chức được chính phủ Trung Quốc ủng hộ đã đề nghị xây dựng 3 sân bay quốc tế mới ở Greenland và điều này đã khiến Copenhagen, lẫn Washington phải để tâm. Đề nghị này về sau đã bị hủy bỏ bởi Greenland không lựa chọn Trung Quốc.

Không có yêu sách về địa lý trong khu vực nhưng ngành công nghiệp vận tải thương mại đồ sộ của Trung Quốc lại được lợi từ tuyến đường thủy mới khi băng tan. Trung Quốc là người mới ở khu vực và sự hiện diện của nước này có thể làm thay đổi cán cân.

Bắc Kinh bắt đầu triển khai các sứ mệnh khoa học vào năm 2004. Trong vài năm trở lại đây, một công ty Trung Quốc đã có được quyền khai thác đất hiếm, hợp tác cùng một công ty Australia trong dự án Kvanefjeld.

Tháng 1 năm 2018, Bắc Kinh đã ra mắt chiến lược "Con đường Tơ lụa vùng cực" để mở rộng dấu ấn kinh tế của mình qua Bắc Cực. Để có được sự ủng hộ ở Nuuk, người Trung Quốc đã chiêu đãi các quan chức chính quyền, Coffey cho hay.

"Vai trò của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ là mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, quyền lực mềm", Luke Coffey - chuyên gia của Heritage Foundation nhận định, "Băng tan là một phần của lợi ích, nó mở ra các cơ hội kinh tế mới nhưng nó cũng đem đến các thách thức. Nước Mỹ nhận thức được vấn đề này".

Đề nghị mua Greenland của ông Trump

Ý tưởng mua Greenland của ông Trump "không phải một đề xuất nghiêm túc", Heather Conley, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá. Tuy nhiên, "Chính quyền [Mỹ] đã nhận thức về Bắc Cực như một vấn đề địa chiến lược".

Ông Trump không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên cân nhắc tới một lời đề nghị như vậy - chính quyền của Tổng thống Truman được cho là đã đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD để mua lại Greenland từ sau Thế chiến II.

Năm 1918, Đan Mạch đã bán cho Mỹ quần đảo West Indies với giá 25 triệu USD, quần đảo này sau đổi tên thành quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Greenland vốn đã cần thiết với quốc phòng của Mỹ kể từ sau Thế chiến II, khi nó còn là căn cứ để theo dõi tàu chiến và tàu ngầm của Đức Quốc xã di chuyển qua "Đại lộ Bắc Cực", cửa ngõ đường thủy vào phía Bắc Đại Tây Dương.

Năm 1953, Không lực Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở Thule, Greenland - một nơi có vị trí trọng yếu trong chiến tranh Lạnh, tuyến đầu trong nỗ lực kiểm soát nhằm đối phó trong trường hợp Nga tấn công.

Với dân số 600 người, ngày nay, căn cứ ở Thule là một phần trong sứ mệnh của NATO, có nhiệm vụ vận hành các hệ thống theo dõi vệ tinh và phát hiện tên lửa chiến lược, đồng thời xử lý hàng nghìn chuyến bay mỗi năm.

"Hệ thống radar cảnh báo sớm ở Bắc Greenland giúp bảo vệ Bắc Mỹ và là một phần quan trọng trong bộ máy phòng thủ tên lửa của chúng tôi", Luke Coffey - chuyên gia của Heritage Foundation cho hay.

"May là Mỹ có thể đảm bảo và đáp ứng được lợi ích an ninh của mình bằng cách duy trì căn cứ không quân này ở Bắc Greenland. Không cần phải mua Greenland mới có thể giữ cho nước Mỹ được an toàn".

Conley cho biết, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990, Washington đã ngừng nghĩ tới Bắc Cực.

Tuy nhiên, khi băng ở vùng cực bắt đầu tan, người Nga hoạt động tích cực hơn, còn Trung Quốc thì bắt đầu có những động thái mang tính xác lập ở khu vực.

Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh tới lợi ích của Mỹ trong bài phát biểu của mình khi ông chỉ trích Nga và Trung Quốc về những hành động mà ông cho là "gây hấn" ở Bắc Cực.

"Khu vực này đã trở thành đấu trường của sự cạnh tranh và quyền lực toàn cầu" vì trữ lượng dầu khí, khoáng sản và sản lượng cá khổng lồ - ông Pompeo cảnh báo, "Chỉ vì Bắc Cực là một nơi hoang dã không có nghĩa là nó sẽ trở thành một địa điểm vô phép tắc".

Tuy nhiên, Washington không có nhiều hành động quyết liệt, Conley nhận định. Ông Pompeo chỉ đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ bổ nhiệm một nhà ngoại giao Mỹ tới thủ phủ Nuuk của Greenland 6 tháng trong năm.

"Lời nói và hành động - có một khoảng cách rất lớn", Conley nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Đan Mạch vào tháng 9, còn Phó Tổng thống Mike Pence sẽ công du Iceland, như một động thái thể hiện mối quan tâm của Washington. Tuy nhiên, chuyên gia của CSIS cho rằng cần có những bước đi quyết liệt hơn.

"Tôi nghĩ chúng ta [Mỹ] có một vị trí khá chắc chắn ở Greenland. Đan Mạch mà một đối tác quân sự rất mạnh đối với Mỹ", bà Conley nói, "Nhưng nếu Mỹ hứng thú với việc trở thành nhân tố thay thế khi Greenland trông sang Trung Quốc về vấn đề đầu tư thì liệu ta có đưa đầu tư của Mỹ tới đó? Tôi chưa thấy điều đó xảy ra".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại