'Kho báu khổng lồ' chưa khai phá
Theo hãng tin RT, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) diễn ra ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về 'kho báu' tài nguyên khổng lồ chưa được khai phá ở Viễn Đông.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, hầu hết vùng Viễn Đông của Nga chưa được thăm dò hết tài nguyên, và đây là một cơ hội lớn cho ngành khai thác mỏ của nước này.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, khai phá tài nguyên ở Viễn Đông có thể cho phép Nga đảm bảo "chủ quyền tài nguyên", đồng thời thiết lập nền tảng để phát triển các vật liệu mới, vi mạch điện tử và các nguồn năng lượng đầy hứa hẹn.
Bên cạnh đó, việc này có thể thúc đẩy Nga phát triển hơn nữa các công nghệ thân thiện với môi trường, tiến bộ khoa học và tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao.
Tập đoàn VSMPO-Avisma của Nga là nhà xuất khẩu Titan lớn nhất thế giới.
"Tỷ lệ thăm dò tầng đất cái ở Viễn Đông hiện nay là 35%. Các ngài hiểu ý tôi không? Mới chỉ có 35% tầng đất cái được thăm dò. Điều này cho thấy chúng ta đang có mọi cơ hội để phát triển vượt bậc trong các ngành công nghiệp khai thác, bao gồm cả khai thác các loại nguyên liệu thô chiến lược, khan hiếm đang có nhu cầu lớn trong nền kinh tế tương lai " - Ông Putin nói.
Đề cập cụ thể hơn tới các tài nguyên ở Viễn Đông, nhà lãnh đạo Nga cho hay: "Tại đây có gần một nửa diện tích rừng và trữ lượng vàng của chúng tôi, hơn 70% tài nguyên cá, kim cương, hơn 30% titan và đồng. Các doanh nghiệp chiến lược quan trọng nhất, cảng biến và đường sắt cũng ở đây. Nói một cách dễ hiểu, Viễn Đông có vai trò đặc biệt to lớn đối với nước Nga hiện nay và tương lai sau này, trong một thế giới đa cực".
Theo tờ Newsweek, titan là kim loại nhẹ nhưng quý và bền, là thành phần quan trọng trong nhiều loại vũ khí như máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu hải quân, xe tăng, tên lửa tầm xa...
Bộ Nội vụ Mỹ đã phân loại titan là 1 trong 35 khoáng sản quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, Washington không còn bọt titan trong Kho dự trữ quốc phòng quốc gia nữa. Nhà sản xuất bọt titan cuối cùng ở Mỹ đã đóng cửa vào năm 2020.
Hiện trên thế giới chỉ có 7 quốc gia sản xuất bọt titan, trong đó có Trung Quốc và Nga. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay, trong năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất hơn 231.000 tấn bọt titan, chiếm 57% sản lượng toàn cầu. Theo sau là Nhật Bản (17%) và Nga (13%).
Tờ Wall Street Journal cho biết, tập đoàn VSMPO-Avisma của Nga hiện là nhà xuất khẩu titan lớn nhất thế giới. Do vậy, bối cảnh hiện nay khiến Mỹ và NATO lo ngại rằng một ngày nào đó, Moscow có thể đóng băng xuất khẩu titan, điều này sẽ khiến các công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng của họ đối mặt nhiều khó khăn. Hiện tại, Mỹ và các nước đồng minh đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn titan thay thế.
Tổng thống Putin nói rằng hầu hết vùng Viễn Đông của Nga chưa được thăm dò hết tài nguyên, và đây là một cơ hội lớn cho ngành khai thác mỏ của nước này. Ảnh: Daily Sabah
Khởi động dự án tham vọng
Để đẩy mạnh công tác thăm dò địa chất ở Viễn Đông, một chiến dịch mang tên trực diện "Địa chất" đã được tiến hành. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin chỉ thị cho các thành viên Chính phủ Liên bang dành một phần hỗ trợ riêng cho việc nghiên cứu tầng đất cái ở Viễn Đông, đồng thời chuẩn bị một phần hỗ trợ tương tự cho Siberia.
"Cơ sở nguyên liệu thô mạnh mẽ để phát triển kinh tế sẽ cho phép chúng ta tiến lên phía trước, tăng giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp trong nước. Để làm được điều đó, chúng ta cần không ngừng cải thiện điều kiện kinh doanh trong khu vực vĩ mô" - Ông Putin cho hay.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, một nền tảng đầu tư theo cụm đã được triển khai tại Nga, ở cấp độ liên bang. Cơ chế này nhằm tài trợ cho các dự án quy mô lớn, chủ yếu chuyên về sản xuất vật liệu, linh kiện và thành phẩm trong ngành sản xuất.
Trong năm nay, ông Putin đề nghị chính phủ Nga đẩy áp dụng cơ chế này để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Viễn Đông, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phức tạp hơn có thể hình thành, đồng thời tạo ra thêm nhiều công việc có thu nhập cao.