Theo Sputnik, sau rất nhiều lời chỉ trích "vỗ mặt" của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý tưởng thành lập quân đội riêng của châu Âu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất, hôm thứ 4 (14/11) vừa qua, ông Macron đã có phản ứng chính thức về vấn đề này.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên đài TF1 trên tàu sân bay Charles de Gaulle, vị Tổng thống Pháp đã tuyên bố:
"Tại mọi thời điểm quan trọng trong lịch sử, chúng tôi [Mỹ và Pháp] là đồng minh của nhau. Những người đồng minh thì nên tôn trọng lẫn nhau...
Thực lòng mà nói, tôi không bàn chuyện chính sách hay ngoại giao trên Twitter... Tôi tin rằng người dân Pháp không muốn thấy tôi dành thời gian đáp trả những dòng tweet [của ông Trump], mà thay vào đó là nỗ lực duy trì mối quan hệ đồng minh này.
Nước Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục là đồng minh của Pháp. Tuy nhiên, việc Pháp là đồng minh của Mỹ không có nghĩa là Pháp phải trở thành chư hầu của Mỹ, chúng ta không được lệ thuộc vào họ".
Ngoài ra, ông Macron còn nhấn mạnh rằng những phát biểu trên Twitter của ông Trump chủ yếu nhắm đến đối tượng cử tri Mỹ, và đó là cách ông Trump "làm chính trị" tại Mỹ.
Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, cũng nhắc đến vấn đề "chư hầu" khi Tổng thống Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận kiềm chế hạt nhân Iran được kí kết giữa 6 cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức.
"Chúng ta có muốn trở thành các nước chư hầu, tuân theo những quyết định của Mỹ và bám lấy gấu quần họ hay không? Hay chúng ta muốn nói rằng chúng ta có lợi ích kinh tế của riêng mình, do đó chúng ta sẽ cân nhắc tiếp tục giao dịch với Iran?" - ông Le Maire phát biểu trên đài phát thanh Europe-1.
Kể từ cuối tháng trước, Tổng thống Macron đã tích cực kêu gọi các quốc gia châu Âu tìm ra con đường độc lập hơn với Mỹ, với lí do các chính sách của Mỹ đang ngày càng bất ổn và không phù hợp với châu Âu, đặc biệt là trong vấn đề quốc phòng.
"Chúng ta phải tự bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga, và thậm chí cả Mỹ", ông Macron phát biểu trên đài Europe-1 tuần trước. "Khi tôi thấy Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi [Hiệp ước hạt nhân INF], thì ai là nạn nhân chính? Đó chính là châu Âu và an ninh của toàn châu Âu", ông Macron nói.
Trong bài phát biểu hôm 13/11 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ý đồng tình với đề xuất của Tổng thống Pháp, và cho rằng châu Âu cần "tự nắm lấy số phận của mình" bằng cách thành lập một đội quân thực sự của riêng châu Âu.
Nỗ lực làm lành của ông Macron và cử chỉ có phần lạnh nhạt của ông Trump trong cuộc gặp tại Điện Élysée tuần trước. Ảnh: NYT.
Cơn thịnh nộ của ông Trump
Căng thẳng giữa các ông Trump và Macron về đề xuất trên càng leo thang hơn vào cuối tuần qua, khi ông Trump tới Paris dự lễ kỉ niệm 100 năm ngày kết thúc cuộc Thế Chiến I. Hôm 9/11, ngay khi vừa đặt chân lên đất Pháp, ông Trump đã có lời chỉ trích "phủ đầu" người đồng cấp trên Twitter:
"Tổng thống Macron của nước Pháp vừa đề xuất rằng châu Âu nên xây dựng lực lượng quân đội riêng để tự bảo vệ họ trước Mỹ, Trung Quốc và Nga. [Điều đó] rất xúc phạm, nhưng có lẽ châu Âu nên đóng góp cho đủ phần mình trong NATO trước đã, thay vì để Mỹ phải gồng gánh một khoản lớn đến vậy."
Sau đó, cơn thịnh nộ của ông Trump đối với ông Macron vẫn còn tiếp tục khi ông trở về Mỹ, khi ông trút giận vào dòng tweet ngày thứ Hai vừa qua:
"Ông Emmanuel Macron đã đề nghị xây dựng lực lượng quân đội riêng để bảo vệ châu Âu trước Mỹ, Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên [kẻ tấn công Pháp] trong Thế chiến I và II là Đức - và Pháp đã đối phó với điều đó ra sao? Ở Paris khi ấy, người Pháp đã bắt đầu học tiếng Đức trước khi Mỹ xuất hiện. Hãy trả tiền cho NATO, hoặc không có gì hết!"