Ngày 24/6/2018 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước thời hạn. Theo quy định, kết quả bầu cử sẽ được Ủy ban bầu cử Quốc gia chính thức công bố vào ngày 5/7/2018.
Tuy nhiên, đến nay có thể khẳng định được Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã giành được thắng lợi.
Đảng của Erdogan không giành được đa số trong Quốc hội
Kết quả kiểm phiếu cho biết, ông Erdogan đã giành được hơn 52,6%, đảng AKP của ông giành được 42,5% số phiếu.
Đối thủ chính của ông Erdogan, ứng viên của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), Muharrem Ince đã thất bại với số phiếu ủng hộ 30,6%. Các đảng còn lại gồm đảng Phong trào Dân tộc (MHP) giành được 11%, đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) 23% và đảng Dân chủ nhân dân Kurdistan (HAED) 11%.
Cuộc bầu cử năm 2018 hoàn toàn khác với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014. Cuộc bầu cử lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức trước thời hạn một năm rưỡi sau cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi Hiến pháp, tăng thêm quyền lực cho Tổng thống.
Trước đây, chức vụ Tổng thống chỉ mang tính chất nghi lễ, còn bây giờ theo Hiến pháp mới sửa đổi, hầu hết quyền lực đều nằm trong tay Tổng thống, kể cả quyền hành pháp, tức là ông Erdogan sẽ kiêm luôn cả chức vụ Thủ tướng.
Trước đó, năm 2016, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra cuộc đảo chính hụt nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Sau đảo chính thất bại, Tổng thống Erdogan đã tìm cách tập trung mọi quyền lực vào tay mình. Từ đó đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp.
Theo con số chính thức, sau âm mưu đảo chính bất thành, 107 ngàn quan chức nhà nước và quân đội đã bị sa thải, và hơn 50 ngàn người khác bị bắt giam.
Trái với dự đoán của nhiều người cho rằng với tương quan lực lượng hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, phải bầu lại vòng hai mới quyết định được thắng bại, ông Erdogan đã thắng ngay tại vòng đầu. Tuy nhiên, qua hình ảnh ông Erdogan trong ngày chiến thắng tôi thấy ông ấy vui, nhưng trên nét mặt ông lại đầy vẻ lo âu.
Chính bản thân ông Erdogan cũng không coi kết quả cuộc bầu cử là một "chiến thắng", mà chỉ là một "kết quả tốt".
Trong 15 năm qua, ông Erdogan chưa lần nào thất cử. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thắng lợi của ông Erdogan là hoàn hảo, và mọi việc sẽ tốt đẹp.
Theo Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cần quá bán đơn giản 50%+1 số phiếu bầu là đã thắng cử. Khi ông Erdogan chỉ giành được số phiếu quá bán 2,6%, điều đó có nghĩa là ông chỉ được một nửa số cử tri ủng hộ. Điều đó cũng có nghĩa là một nửa số cử tri còn lại, tức là khoảng 30 triệu người không ủng hộ hoặc chống lại ông.
Trong khi đó, đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền từ năm 2002 đến nay đã thất bại, chỉ giành được 42,5% số phiếu, tức là mất 7 điểm so với 49,49% kết quả bầu cử tháng 11/2014.
Phát biểu trên lan can ban công tòa nhà trụ sở đảng Công lý và Phát triển (AKP) trước cuộc mít tình của hàng ngàn người ủng hộ ông, Tổng thống đắc cử Erdogan hứa sẽ "tiếp tục cải cách và củng cố vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục đấu tranh với kẻ thù bên trong và bên ngoài và tăng cường chiến dịch chống lại các chiến binh người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ".
Nhiều nhà phân tích chính trị thì cho rằng ưu tiên số một của ông Erdogan là sử dụng quyền lực không hạn chế của mình để thanh lọc các phần tử chống đối, đặc biệt là những phần tử đã từng tham gia vào cuộc đảo chính hụt nhằm lật đổ ông năm 2016.
Ảnh: AP
Nan giải về đối nội và đối ngoại
Trong nước, vấn đề khó khăn nhất đối với ông Erdogan là làm sao dung hòa được mối quan hệ với các lực lượng đối lập. Các lực lượng này chắc chắn sẽ là lực cản trong việc triển khai chính sách của ông Erdogan.
Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý đã đồng ý sửa đổi Hiến pháp từ thể chế nghị viện sang chế độ Tổng thống, nhưng sắp tới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải sửa đổi một loạt luật pháp để phù hợp với thể chế mới. Các lực lượng đối lập không dễ gì chấp nhận sửa đổi các bộ luật hiện hành.
Do không giành được đa số phiếu, đảng AKP buộc phải liên minh với đảng Phong trào Dân tộc (MHP) có quan điểm bảo thủ cực đoan để chiếm được đa số trong Quốc hội mới đủ quyền đứng ra thành lập chính phủ. Liên minh này sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ đi theo đường lối cực đoan.
Vấn đề người Kurd là vấn đề đau đầu của Ankara từ hàng chục năm nay. Cuộc tấn công chống người Kurd ở miền Bắc Syria và miền Bắc Iraq có thể gây ra phản ứng đáp trả của đảng Công nhân người Kurd (PKK) bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bên bở khủng hoảng, lạm phát 10,2%, đồng Lire mất giá 35%, thất nghiệp 19,8%, nợ công 438 tỷ đô la chiếm gần 60% tổng sàn phẩm quốc nội (GDP)... là những vấn đề đang chờ đợi giải pháp của ông Erdogan.
Về đối ngoại, liệu Ankara có thể đưa được mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và châu Âu ra khỏi tình trạng khủng hoảng, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các thành viên của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trước hết là với Nga và Iran?
Ngay sau khi ông Erdogan thắng cử, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã công bố một bức thư ngỏ phê phán ông "bất chấp nghĩa vụ của mình đối với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành chính sách chống lại lợi ích của Mỹ. Quyền con người và dân chủ dưới thời Erdogan bị sa sút nghiêm trọng và xu hướng tăng cường quan hệ với Nga đang làm tổn thương quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ".
Các nước châu Âu cho rằng, tăng cường hợp tác với Nga không phải là nguồn gốc duy nhất làm cho phương Tây lo ngại. Châu Âu đã nhiều lần phê phán quan điểm của Erdogan về quyền con người và các chiến dịch quân sự chống lại người Kurd.
Bởi vậy, một số nhà hoạt động chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, kết quả bầu cử vừa qua có thể sẽ làm phức tạp hơn quan hệ của Ankara với phương Tây.
Tại Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố, giải pháp Syria, vấn đề người tị nạn Syria, cải thiện quan hệ căng thẳng với Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai cập, Israel... sẽ là những vấn đề nóng đối với ông Erdogan.
Thắng lợi của Tổng thống Erdogan sẽ tạo cơ hội để tổ chức lại cơ cấu chính trị, đặt dấu ấn mới trong quan hệ khu vực và quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu ông Erdogan có thực hiện được tham vọng của mình trong việc khôi phục lại vai trò cường quốc của đế chế Ottoman trước đây hay không còn là một dấu hỏi lớn trong nhiệm kỳ mới đầy quyền lực của ông.
Những quyền lực mới của Tổng thống Erdogan:
- Người đứng đầu chính quyền hành pháp được giữ mối quan hệ với đảng chính trị của mình.
- Có quyền ra sắc lệnh Tổng thống về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền hành pháp.
- Tổng thống bổ nhiệm và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước, kể cả Bộ trưởng.
- Có quyền chỉ định một hoặc các Phó Tổng thống.
- Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước để Quốc hội thông qua.
- Đưa các bộ luật về thay đổi Hiến pháp ra trưng cầu ý dân.
- Tổng thống có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước khi có một "cuộc nổi dậy chống lại Tổ quốc" hoặc "các hành động bạo lực đe dọa nguy cơ chia rẽ quốc gia"
- Tổng thống có quyền bãi bỏ chức vụ Thủ tướng.
Tổng thống Erdogan tái đắc cử
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.