Tổ chức bầu cử TT Thổ Nhĩ Kỳ sớm: Canh bạc "được ăn cả, ngã về không" của ông Erdogan

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ông Erdogan đang phải đối đầu với một ứng viên nặng ký - người có khả năng chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm.

Ngày mai 24/6/2018, 56 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 600 đại biểu Quốc hội và Tổng thống trong cuộc bầu cử trước thời hạn. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2017 về sửa đổi Hiến pháp nhằm trao quyền lực tuyệt đối cho người đứng đầu nhà nước.

Theo Hiến pháp mới, nếu thắng cử Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan có thể nắm quyền đến năm 2030. Tiếp theo, nếu sức khỏe cho phép và lại tiến hành bầu cử trước hạn nữa thì ông Erdogan có thể ở lại chính quyền đến năm 2036. Đây là thử thách chính trị lớn nhất trong 15 năm cầm quyền của ông Erdogan.

Vì sao TT Erdogan quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn?

Cuộc trưng cầu ý dân tháng 4/2017 đã chấp nhận thay đổi Hiến pháp, chuyển từ thể chế nghị viện sang chế độ Tổng thống. Hiến pháp mới cho phép tập trung hầu hết quyền lực vào tay Tổng thống.

Lẽ ra, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống và Quốc hội vào tháng 11/2019. Ông Erdogan cho rằng một khi Hiến pháp mới cho phép thay đổi cơ cấu quyền lực thì cần phải triển khai thực hiện ngay càng sớm càng tốt.

Chiến dịch quân sự "Nhành Ô liu" đầu năm 2018 đang nâng cao uy tín của Tổng thống Erdogan và đảng AKP cầm quyền của ông. Ông Erdogan cho rằng, việc tổ chức bầu cử vào thời điểm này sẽ đảm bảo thắng lợi thuộc về ông và đảng AKP.

Tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gần đây không mấy sáng sủa. Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,4%, tổng thu nhập quốc nội GDP đạt 774 tỷ đô la, nhưng đồng lira lại mất giá nghiêm trọng lên tới 35% so với đồng đô la, lạm phát 10,2%, thất nghiệp 19,8%, nợ công chạm ngưỡng 438 tỷ đô la, cán cân thanh toán thiếu hụt lớn buộc chính phủ phải cơ cấu lại lịch trả nợ.

Các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc quyết định bầu cử sớm là "mưu kế" của ông Erdogan nhằm giành thắng lợi trước khi tình hình kinh tế trở nên xấu hơn.

Tổ chức bầu cử TT Thổ Nhĩ Kỳ sớm:  Canh bạc được ăn cả, ngã về không của ông Erdogan - Ảnh 1.

Ông Erdogan trong cuộc vận động bầu cử.

Cuộc chạy đua khó khăn giữa đương kim TT Erdogan với các đối thủ

Không ai có thể dự đoán chính xác được kết quả của các cuộc bầu cử này. Trung tâm thăm dò dư luận xã hội Gezici của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết uy tín của ông Erdogan mười ngày trước bầu cử đã giảm 1,6% xuống còn 47,1%. Với tỷ lệ này, ông Erdogan không thể giành chiến thắng ngay từ vòng đầu.

Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Erdogan chỉ giành được thắng lợi với tỷ số quá bán sít sao với 51,79% cử tri bỏ phiếu cho ông và tại cuộc trưng cầu ý dân năm ngoái, ông cũng chỉ giành được 51,41%. Tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015, mặc dù về đầu, nhưng đảng AKP của ông Erdogan vẫn không giành được đủ số phiếu cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ của AKP.

Trong khi đó, phe đối lập trở nên mạnh hơn rất nhiều. Uy tín của ông Muharrem Ince, ứng cử viên của đảng Nhân dân Cộng hoà (CHP), đối thủ chính của Tổng thống Erdogan đang được 27,8% cử tri ủng hộ, tăng thêm 2% so với một tuần trước đây.

CHP là đảng của Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập ra nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ năm 1919 sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đế chế Ottoman tan rã. Sau khi đế chế Ottoman thất bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Mustafa Kemal Ataturk đã lãnh đạo phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đấu tranh giành độc lập.

Cuộc kháng chiến thành công và nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Sau khi lập quốc, Mustafa Kemal Ataturk đã tiến hành một loạt cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa nhằm biến cựu đế chế Ottoman thành một quốc gia phát triển hiện đại. Đảng CHP được những người theo chủ nghĩa dân tộc và người Kurd ở miền Trung và miền Nam Anatolia ủng hộ.

Trong cuộc bầu cử lần này, đảng AKP cầm quyền phải chạy đua với đảng Phong trào Dân tộc (MHP), đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), đảng Tổ quốc (VATAN), đảng Nhân dân Cộng hoà (CNP), đảng Tốt (GP) và đảng Thịnh vượng Hồi giáo (RP).

Ông Erdogan sẽ phải cạnh tranh với năm ứng cử viên khác, đứng đầu là ông Muharrem Ince của đảng CHP, cựu Bộ trưởng Nội vụ Akshiner Meral, ứng cử viên đảng Dân chủ Nhân dân HDP của người Kurd Selahattin Demirtas.

Các đảng đối lập sẽ tập trung khai thác các điểm yếu của Erdogan như can thiệp quân sự và chính trị vào Syria và Iraq, cuộc chiến chống người Kurd, quan hệ căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ... để giành điểm trong bầu cử.

Tổ chức bầu cử TT Thổ Nhĩ Kỳ sớm:  Canh bạc được ăn cả, ngã về không của ông Erdogan - Ảnh 2.

Đối thủ nặng ký của TT Erdogan - Muharrem Ince. Ảnh: Kamu Personeli

Trong trường hợp phải bầu lại vòng hai, ông Muharrem Ince có thể giành thêm số phiếu ủng hộ của người Kurd do chính sách chống người Kurd của ông Erdogan, đặc biệt sau chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrate" 2016 và "Nhành Ô liu" đầu 2018. Ngoài ra, một bộ phận người Hồi giáo có thể chuyển sang ủng hộ ứng cử viên của phe đối lập, cụ thể là ông Muharrem Ince.

Kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy số cử tri ủng hộ các đối thủ cạnh tranh chính trong bầu cử khá cao: Muharrem Ince 27,8%, Meral Akshiner 14,1% và Salahattin Dermitas khoảng 10%.

Mặt khác, rút kinh nghiêm cuộc bầu cử năm 2014, phe đối lập lúc đó chỉ đưa ra một ứng viên duy nhất nên đã thua Erdogan. Lần này, mỗi đảng đã đề cử ứng cử viên của mình để phân tán số phiếu, tránh dồn phiếu cho Erdogan ngay từ vòng đầu.

Racep Tayyip Erdogan hay Muhammer Ince?

Các nhà phân tích chính trị đưa ra dự báo một số khả năng có thể xảy ra. Ông Erdogan đắc cử Tổng thống ngay tại vòng đầu hoặc vòng hai. Trong cả hai trường hợp thì vai trò và vị thế của ông Erdogan cũng không còn được mạnh như mong muốn.

Tổ chức bầu cử TT Thổ Nhĩ Kỳ sớm:  Canh bạc được ăn cả, ngã về không của ông Erdogan - Ảnh 3.

Không loại trừ khả năng ông Muharrem Ince, ứng viên của đảng Nhân dân Cộng hoà (CNP) giành thắng lợi ở vòng hai do các cử tri ủng hộ người Kurd và Meral Akshiner sẽ dồn phiếu cho ông, phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội, chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền của ông Erdogan. Tình hình này sẽ dẫn đến một loạt thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong quan hệ đang rất căng thẳng với phương Tây.

Tổng thống Erdogan, người đứng đầu đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn với hy vọng tập trung mọi quyền lực vào tay mình.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại cho rằng, ông Erdogan có thể không thực hiện được tham vọng này và canh bạc lớn nhất trong cuộc đời chính trị của ông có thể sẽ cho kết quả ngược lại dẫn đến chấm dứt kỷ nguyên Erdogan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại