TS Trần Bắc Hải: Nếu nồng độ cồn cho phép quá cao thì có thể nói mạng người đi đường quá rẻ

TS. Trần Bắc Hải từ Úc |

Nếu luật đưa ra mức cho phép quá cao, ví dụ như 0.15% như ở Guinea-Bissau và Guinea Xích đạo, thì nguy cơ tai nạn là quá cao hay có thể nói mạng người đi đường quá rẻ.

Thống kê cho thấy tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ rất cao. Ở Australia, cứ 5 người chết do tai nạn giao thông thì 1 người có độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép (0.05%, tức là 50mg cồn trong 100ml máu). Người ta đã ước tính khi nồng độ cồn trong máu là 0.15%, tài xế có nguy cơ gây tai nạn cao gấp 25 lần người trung bình, khi nồng độ cồn là 0.08%, nguy cơ tăng 7 lần, còn với mức 0.05%, nguy cơ tăng 2 lần.

Nếu đúng như vậy thì việc quy định hạn chế uống rượu bia trước khi lái xe, cộng với các biện pháp kiểm soát và tuyên truyền giáo dục, là rất cần thiết cho an toàn của tất cả mọi người trên đường, kể cả những người không bao giờ uống bia rượu và những người đi bộ.

Câu hỏi là mức quy định giới hạn như thế nào thì hợp lý. Nếu luật đưa ra mức cho phép quá cao, ví dụ như 0.15% như ở Guinea-Bissau và Guinea Xích đạo, thì nguy cơ tai nạn là quá cao hay có thể nói mạng người đi đường quá rẻ. Ngược lại, quy định hoàn toàn không có độ cồn nào trong máu thì có thể hợp lý cho các trường hợp đặc biệt như lái máy bay, xe bus, hay người mới biết lái xe; nhưng nếu áp dụng zero cồn cho tất cả các phương tiện giao thông thì có thể là biện pháp bất cập. Về lý thuyết, ngay cả sau khi ăn một số trái cây thì vẫn có thể đo thấy cồn trong máu hay hơi thở.

Cảnh sát giao thông nói họ có biện pháp nghiệp vụ phân biệt được cồn do ăn trái cây hay do rượu bia nhưng đã gọi là luật trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì từng câu từng chữ đều phải rõ ràng, chính xác. Người dân hay cảnh sát giao thông là bình đẳng trước pháp luật, họ đều phải hiểu được những câu, những chữ ấy như nhau, chứ không thể chờ vào những "biện pháp nghiệp vụ" mà người dân không được biết.

TS Trần Bắc Hải: Nếu nồng độ cồn cho phép quá cao thì có thể nói mạng người đi đường quá rẻ - Ảnh 1.

Sau đây tôi xin đưa một số ví dụ về nồng độ cồn cho phép trong máu lái xe theo luật ở các nước khác nhau. Đây là quy định cho lái xe thông thường, không kể xe bus, xe tải lớn, những người mới biết lái xe còn trong giai đoạn thử thách, hoặc lái xe dưới 21 tuổi.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nước Lào, Malaysia, Brunei và Singapore quy định ngưỡng cồn trong máu khi lái xe không được tới 0.08% (tức 80mg/100ml máu). Thông thường mức này tương đương với 35mg/100ml khí thở ra. Mức 0.08% là tương tự với các quốc gia như Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Philippines và Thái Lan (và Việt Nam theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ VN 2008) quy định 0.05%, tương tự như phần lớn các nước Tây Âu.

Campuchia đưa quy định 0.1%, Indonesia 0%.

Tại Trung Quốc, lái xe bị phát hiện mức cồn từ 0.02% trở lên nhưng không quá 0.08% bị phạt 1000-2000 tệ, treo bằng 6 tháng. Mức vi phạm >0.08% bị coi là tội hình sự, thu bằng lái, ít nhất sau 5 năm mới được cấp lại.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và India, mức quy định giới hạn là 0.03%.

Mức độ phạt tăng lên khi tái phạm. Chẳng hạn Singapore (giới hạn 0.08%) nếu là lần đầu tiên vi phạm sẽ phạt 1000-3000 đô, giam tối đa 6 tháng. Lần thứ hai vi phạm, mức phạt tăng lên 3000-10.000 đô và từ tối đa 12 tháng.

Khi lái xe rong ruổi tại châu Âu, bạn sẽ vượt qua các biên giới quốc gia quy định mức cho phép uống rượu khác nhau. Ở phần lớn Tây Âu và Trung Âu, cùng với Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Greece, Bulgaria, Thổ nhĩ kỳ, Malta bạn sẽ hợp pháp nếu giữ dưới giới hạn 0.05%. Sang đến Lituani mức này giảm xuống 0.04%.

Qua các nước Đông Âu như Nga, Georgia, Azerbaijan, Moldova, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, bạn phải giảm tiếp xuống 0.03%. Riêng Belarus lại quy định số lẻ là 0.29%. Lên Scandinavia (ngoại trừ Phần Lan và Đan Mạch), tại Norway, Thụy Điển, cũng như ở Estonia, Ba Lan và Serbia, chính quyền nghiêm khắc hơn, với mức quy định là 0.02%. Albania nghiêm hơn nữa, đưa ra con số 0.01%. Và sau cùng nhóm thiểu số các nước Đông Âu Ukraina, Romania, Hungary, Czeck, Slovakia, và Armenia đưa ra quy định là 0%!...

Tại châu Phi, tôi tìm được 31 nước có số liệu trên Wikipedia, trong đó 11 nước quy định mức 0.08%, 10 nước 0.05%, 5 nước từ 0.008 đến 0.03%. Nhóm nhỏ các nước quy định 0% bao gồm Comoros, Libya, và Morocco. Các nước chưa có quy định là Gambia, Niger và Togo. Riêng Guinea Xích đạo và Guinea-Bissau đưa định mức lên tới 0.15%!

TS Trần Bắc Hải: Nếu nồng độ cồn cho phép quá cao thì có thể nói mạng người đi đường quá rẻ - Ảnh 3.

 Tại Australia và New Zealand, mức cồn trong máu được coi là hợp pháp nếu dưới 0.05%. Nói chung để không bị phạm đến mức này, bạn không nên uống quá một ly chuẩn (standard drink), nghĩa là lượng rượu hay bia không chứa quá 10g cồn. Nếu lỡ uống quá thì phải nghỉ chờ cho cơ thể chuyển hóa bớt cồn trong máu. An toàn nhất thì nên gọi taxi.

Tóm lại, cồn trong máu làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông, độ cồn càng cao thì nguy cơ càng rõ. Vì vậy quy định con số giới hạn nồng độ cồn trong máu khi lái xe là rất cần thiết. Các quốc gia có thể quy định các giới hạn khác nhau, nhưng hiện tại, đa số đang áp dụng mức giới hạn là 0.05%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại