TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đã có bước ngoặt rất cơ bản ở Biển Đông

Tuệ Minh |

Với phán quyết của Toà trọng tài, theo TS Nguyễn Ngọc Trường, từ đây cuộc đấu tranh pháp lý trong vấn đề Biển Đông đã có bước ngoặt rất cơ bản.

Liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc vừa được đưa ra, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD), nguyên đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia.

PV: Ông đánh giá như thế nào về phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Nó vượt qua dự kiến của các nhà quan sát quốc tế. Điều quan trọng là toà đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" và có phán quyết một cách rất rõ ràng, mạch lạc 5 vấn đề.

Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền lịch sử và đường chín đoạn không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ hai là căn cứ vào quy chế các thực thể tranh chấp ở Trường Sa, Trung Quốc không thể đòi hỏi các vùng này được hưởng các đặc quyền kinh tế.

Thứ ba là về tính hợp pháp của các hành động của Trung Quốc, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế: vi phạm quyền đánh cá, quyền thăm dò và xây dựng đảo nhân tạo.

Thứ tư là huỷ hoại nghiêm trọng môi trường biển. Thứ năm là trầm trọng thêm những tranh chấp quốc tế.

Như vậy, những phán quyết này đều có lợi cho phía Philippines. Có lợi cho cuộc đấu tranh của các nước khác.

PV: Có ý kiến cho rằng vụ kiện này sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam nếu chúng ta có ý định tương tự như Philippines. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Không. Philippines có những điều kiện khác Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã tham gia vào cuộc đấu tranh chung, ủng hộ việc tòa ra phán quyết. Vì vậy những phán quyết của toà là có lợi cho Việt Nam. Còn những điểm nào bất lợi thì chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu.

PV: Nhiều người lo rằng với những tuyên bố của Trung Quốc trước và trong khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết thì những phán quyết này sẽ không có giá trị thực tế nhiều?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Phán quyết này có ý nghĩa sâu xa và lâu dài đối với cuộc đấu tranh trong vấn đề Biển Đông. Nó hỗ trợ cho cuộc đấu tranh về bác bỏ những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc và hỗ trợ cho cuộc đấu tranh về thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.

Toà bác bỏ đường chín đoạn là quá chuẩn rồi. Phán quyết Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế về môi trường biển là có lợi cho các nước trong khu vực. Khẳng định Trung Quốc làm trầm trọng thêm các tranh chấp quốc tế là sự phê phán hành động của Trung Quốc.

Những phán quyết của toà nếu phù hợp với các lợi ích của Việt Nam thì Việt Nam sẽ ủng hộ. 

PV: Ngoài ra, thưa ông, phán quyết này có ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ và Nhật Bản - hai nước rất quan tâm đến vụ kiện này?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Tất nhiên, Mỹ và Nhật Bản sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông và thượng tôn pháp luật, hỗ trợ Philippines, hỗ trợ các nước ở Biển Đông, chống lại những yêu sách vô lý của Trung Quốc. Chính họ đang đợi phán quyết này để ứng xử với Trung Quốc.

Và từ đây cuộc đấu tranh pháp lý trong vấn đề Biển Đông đã có bước ngoặt rất cơ bản.

Xin cám ơn ông.

Hôm nay, ngày 12/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Rumani Lazar Comanescu trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Rumani Dacian Ciolos.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Lazar Comanescu khẳng định Rumani ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, mọi tranh chấp trên biển phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại