"Cự tuyệt khách du lịch Trung Quốc là biện pháp tiêu cực"

Tuệ Minh |

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc cự tuyệt đối với khách du lịch Trung Quốc là biện pháp tiêu cực và ngành du lịch Việt Nam cũng phải nhìn thấy thiếu sót của mình.

Liên quan đến những phản ánh về hành vi thiếu văn hoá, xuyên tạc chủ quyền, văn hoá Việt Nam từ một số du khách Trung Quốc cũng như tình trạng hoạt động "chui" của các hướng dẫn viên người Trung Quốc ở Việt Nam đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Trên báo chí và mạng xã hội, TS Lương Hoài Nam cho rằng: "Bài xích khách Trung Quốc nói chung là điều cần tránh vì nó không những làm hại nhiều doanh nghiệp du lịch nước ta, mà còn thể hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thứ không văn minh...".

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến cho rằng: Cực đoan trong một giai đoạn nhất định là điều hết sức cần thiết. Và một dân tộc đánh mất tính tôn nghiêm của mình thì dân tộc đấy chẳng còn gì nữa cả.

"Ở nước khác, khách Trung Quốc cũng gây khó chịu như ồn ào, khạc nhổ..."

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: "Nguồn khách du lịch của Trung Quốc rất lớn. Những nước du lịch mạnh nhất trên thế giới như nước Pháp, Ý, Thuỵ Sỹ thì đều thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Khách Trung Quốc cũng gây ra rất nhiều điều khó chịu: ồn ào, khạc nhổ... Nhưng các nước đó có biện pháp để đối phó. Họ áp dụng các biện pháp với những thông báo bằng tiếng Hoa, đến thì họ nhắc nhở nếu không thực hiện theo thì họ phạt.

Ngoài ra, họ cũng có các biện pháp nghiêm khắc để tạo ra các khu du lịch riêng cho người Trung Quốc và ở đó họ giám sát một cách chặt chẽ".

Cự tuyệt khách du lịch Trung Quốc là biện pháp tiêu cực - Ảnh 1.

Một khách du lịch Trung Quốc bị tố có hành vi vô văn hóa với người bán hàng rong ở Đà Nẵng (Ảnh cắt từ clip)

Với điều kiện của Việt Nam - nước láng giềng của Trung Quốc, khách Trung Quốc đến, theo TS Lê Đăng Doanh, đó là nguồn lợi của Việt Nam. Về lâu về dài, đó cũng là nguồn giao thương để tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

"Hiện nay có các vấn đề về khách du lịch gây ra, tôi nghĩ chúng ta phải xây dựng pháp luật, có cảnh sát du lịch, giám sát", ông Doanh chia sẻ.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng vừa qua, có những hiện tượng du khách Trung Quốc có những hành vi vi phạm pháp luật (hướng dẫn du lịch "chui" xuyên tạc chủ quyền, văn hoá Việt Nam) là bởi có sự tiếp tay của người Việt Nam.

Có những công ty của Việt Nam lẳng lặng làm tay trong cho họ, có những cơ quan nhà nước đã không làm tròn nhiệm vụ của mình.

TS Lê Đăng Doanh nói thêm: "Tôi nghĩ là cần có sự tổng kết và xem xét nghiêm túc về tất cả các phía: từ các cơ quan du lịch lẫn cơ quan an ninh, trung ương và địa phương.

Phải giáo dục và nhìn thấy thiếu sót của mình, không nên bàn đến phương án vì khách Trung Quốc có những vấn đề như vậy mà chúng ta cự tuyệt với khách Trung Quốc. Đó là một biện pháp tiêu cực".

Trước thông tin có những nhà hàng mở ra với tấm biển "chỉ phục vụ khách Trung Quốc" ở Nha Trang và Đà Nẵng như báo chí đã phản ánh, ông Doanh cho rằng: "Chúng ta phải nói rõ, nhà hàng ở nước Việt Nam thì phải phục vụ tất cả mọi người chứ không thể có nhà hàng riêng.

Đối với việc có những nhà hàng như vậy, cơ quan chức năng phải vào giám sát và xem xét. Chúng ta phải tìm nhiều cách để giám sát vì đó là chủ quyền đất nước, là vấn đề an ninh của chúng ta. Nếu chúng ta không làm được thì đó là thiếu sót của chúng ta chứ không phải vì thế mà từ chối khách du lịch Trung Quốc".

"Chúng ta cự tuyệt khách du lịch Trung Quốc là điều rất không nên vì trong quan hệ hai nước có đi có lại, tôi đi thăm nước anh, anh đi thăm nước tôi thì rất dễ hiểu", một lần nữa, ông Doanh nhấn mạnh.

Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân bao che 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Công văn số 2583 /BVHTTDL-TCDL về việc chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại các địa phương.

Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn khách du lịch tại một số địa phương: Đà Nẵng, Khánh Hòa…, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, đặc biệt là hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật, thậm chí xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Cự tuyệt khách du lịch Trung Quốc là biện pháp tiêu cực - Ảnh 2.

Một hướng dẫn viên người Trung Quốc (đứng sau cùng) đang thuyết trình cho một đoàn khách Trung Quốc tại bến tàu Cầu Đá, TP Nha Trang (Khánh Hòa). (Ảnh chụp sáng 29/6) (Ảnh: Tấn Lộc/Pháp luật TPHCM)

Theo vị Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Tổng cục Du lịch phối hợp với các đơn vị chức năng của các địa phương thực hiện các đợt thanh, kiểm tra hoạt động du lịch tại một số địa phương.

Tuy nhiên, do đặc thù của thị trường khách và sự tiếp tay của một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam, nên việc xử lý các hiện tượng, hành vi trên chưa triệt để, gây bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam.

Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép của người nước ngoài tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành triển khai ngay 5 biện pháp trong đó có việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp người nước ngoài.

Đồng thời Bộ này cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp trên, kiên quyết xử lý nghiêm túc, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện và kiến nghị về Bộ (qua Tổng cục Du lịch) trước ngày 30/8/2016 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


5 biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép của người nước ngoài

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Thứ hai là chỉ đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch khai thác các thị trường du lịch trọng điểm kèm theo các giải pháp quản lý, phát triển sản phẩm phù hợp.

Với những địa phương chuẩn bị khai thác các thị trường lớn như thị trường Trung Quốc cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nơi đã đón thị trường khách du lịch này để có chính sách quản lý phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách du lịch.

Cần phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân người nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh, thẻ hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi tiếp tay bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp, người nước ngoài.

Thứ ba là đề nghị UBND các cấp chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn như công an, lao động, thương binh và xã hội, quản lý thị trường phối hợp với ngành du lịch tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý lao động nước ngoài hành nghề trái phép cũng như các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch bán hàng bằng ngoại tệ, không niêm yết giá, bán hàng kém chất lượng, lừa đảo khách du lịch.

Kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh đối với các trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép.

Thứ tư là tăng cường vai trò của các Hiệp hội, CLB doanh nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền việc thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát và có cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng, trục lợi bất chính.

Cuối cùng, Bộ hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép, có những hành vi xuyên tạc lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại