TS. Lương Hoài Nam: Áp giá trần sàn vé máy bay đã lạc hậu, hiếm có nước nào còn làm!

N.Dương |

Trao đổi vấn đề này với TS. Lương Hoài Nam, người có nhiều năm công tác trong ngành hàng không, ông cho rằng nếu việc áp giá sàn trở thành hiện thực sẽ khiến cho thị trường hàng không bị “hành chính hoá” thay vì được "thị trường hoá" nhiều hơn nữa theo xu thế chung.

Mới đây, một hãng hàng không đề xuất về việc áp giá sàn lên vé máy bay nội địa, theo ông, điều này có cần thiết hay không?

Phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần – giá sàn) trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp cho nước ta. Mỹ đã tự do hoá giá vé máy bay từ năm 1978. Từ đó đến nay, giá vé máy bay nội địa Mỹ do các hãng tự quyết định theo các quy luật cung - cầu và cạnh tranh.

Trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp. Quan điểm này đã được các nước châu Âu tiếp nhận từ thập kỷ 90 và sau đó cũng đã lan sang các nước châu Á. Cho đến nay, hiếm có nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn.

Tôi cho rằng cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, “thị trường hoá”, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan nhà nước.

Mặc dù Luật Hàng không (sửa đổi) có quy định tại điểm 2 Điều 116: "Hãng hàng không quyết định giá vận chuyển hàng không nội địa trong khung gía do Bộ Giao thông Vận tải quy định", không nên hiểu máy móc là Nhà nước cần phải quy định khung giá cho mọi tuyến bay nội địa.

Bản thân nội dung này đã được cụ thể hoá tại Luật Giá rồi. Mục (b) điểm 3 Điều 19 Luật Giá quy định nhà nước chỉ quy định khung giá đối với "dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền". 

Nghĩa là nhà nước vẫn quản lý giá vé máy bay nội địa bằng khung giá như quy định của Luật Hàng không, nhưng chỉ đối với các tuyến bay nội địa độc quyền. Nếu hiểu theo Luật Giá, nhà nước không có nhu cầu áp dụng khung giá đối với các tuyến bay nội địa đã có cạnh tranh, mà để thị trường điều tiết.

Theo tôi, nên hiểu Luật Hàng không như đã được cụ thể hoá tại Luật Giá: tuyến bay nội địa nào đã có cạnh tranh thì không có khung giá, tuyến bay nội địa nào còn độc quyền mới có khung giá.

Có ý kiến cho rằng việc một số hãng hàng không Việt Nam trong thời gian qua bán ra nhiều vé máy bay giá rẻ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đáng lo ngại cho môi trường kinh doanh và các cơ quan quản lý cần phải có công cụ như "giá sàn" để ngăn chặn hành vi này. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Đa dạng hoá giá vé theo các hạng giá (fare booking class) trong cùng một hạng dịch vụ (service class) là thực tiễn kinh doanh hàng không ở bất kỳ nơi nào thị trường hàng không có tính cạnh tranh. 

Tôi chưa thấy nước nào quy kết được hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các hãng hàng không thông qua việc bán vé giá rẻ, trừ khi trong tay cơ quan quản lý có bằng chứng xác thực rằng một chiến dịch bán vé giá rẻ nào đó có mục đích rõ ràng là tiêu diệt đối thủ cạnh tranh cụ thể nào đó.

Một chuyến bay của hãng hàng không có trên dưới 20 hạng giá khác nhau từ thấp đến cao, tuỳ theo thời điểm mua và các điều kiện áp dụng (về hoàn, huỷ, đổi vé...).

Giá vé máy bay rẻ của các hãng hàng không thực ra không phải là giá khuyến mại, mà là giá cơ bản và một chuyến bay có nhiều mức giá cơ bản. "Giá vé hoà vốn", "giá vé trung bình" chỉ là các khái niệm quản trị kinh doanh nội bộ doanh nghiệp, khách hàng và các cơ quan quản lý không cần phải quan tâm, chúng không có cơ sở, giá trị pháp lý nào.

"Thậm chí nếu hiểu giá vé rẻ là giá khuyến mại thì nó là đối tượng quản lý theo Luật Thương mại, không phải theo Luật Hàng không. Giá vé khuyến mại chỉ có hiệu lực ngắn hạn. Mọi giá vé có hiệu lực dài hạn là giá cơ bản và do hãng hàng không tự quyết định."

Vậy theo ông điều đáng lo ngại đối với thị trường giá vé máy bay Việt Nam là gì?

Điều đáng lo ngại ở nước ta không phải là các hãng hàng không bán nhiều vé máy bay giá rẻ, mà là việc một số hãng bán vé sát ngày bay rẻ hơn vé xa ngày bay.

Họ làm như vậy với mục đích giành giật hành khách của nhau. Cách làm này trái với mọi nguyên lý kinh doanh hàng không, gây bất bình cho những hành khách mua vé sớm với giá vé cao hơn những hành khách mua vé muộn hơn, lẽ ra phải ngược lại mới đúng. 

Các đại lý bán vé máy bay cũng gặp khó khăn vì cách làm này của các hãng hàng không. Khách hàng của họ nhiều khi phản ứng vì mua phải vé với giá đắt hơn các mức giá hãng hàng không tung ra sau khi họ đã mua vé ở đại lý.

Đồng thời nó gây ra tâm lý hành khách không muốn mua vé máy bay xa ngày bay nữa, mà chờ các hãng hàng không "xả hàng" sát ngày bay, làm cho hầu hết vé máy bay được bán rất sát ngày bay, thậm chí được bán tại sân bay ngay trước giờ bay. 

Nguy hiểm hơn, nó gây rối loạn, thậm chí là vô hiệu hoá các hệ thống tin học quản trị doanh thu hiện đại mà các hãng hàng không đầu tư hàng triệu USD. Tôi cho rằng các hãng hàng không cần chấm dứt cách làm lợi bất cập hại này. Đây cũng là vấn đề mà, theo tôi, các cơ quan quản lý hàng không nên xem xét và xác lập quan điểm quản lý của mình.

Cảm ơn ông!

Quan điểm trái ngược của các hãng hàng không:

Ngày 23/3, Jetstar Pacific đã có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa diễn ra hôm 17/3. Theo đó, công ty này đã đề xuất việc áp giá sàn bên cạnh khung giá trần.

Đưa ra 5 lập luận, trong đó, Jetstar nhấn mạnh đến việc nếu không có giá vé sàn, các hãng buộc phải đua nhau giảm giá vé để cạnh tranh trong bối cảnh tăng trưởng nóng của ngành hàng không sẽ khiến cho hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững ngành không được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc "thả trôi" sàn giá khiến cho vé máy bay rẻ hơn giá vé đường sắt, đường bộ sẽ làm mất cân đối giữa ngành hàng không với các ngành vận tải khác.

Trong văn bản gửi đi, Jetstar cũng kiến nghị giá sàn dự kiến cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29 – 34% giá trần.

Về phần Vietjet Air, đến ngày 29/3 cũng đã có văn bản phản hồi cho Bộ GTVT. Công ty này tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị Bộ không quy định giá sàn. Vietjet Air nhấn mạnh vào việc áp giá sàn sẽ đi ngược lại quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Trên thế giới hiện nay không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách. Vì vậy, nếu Việt Nam áp dụng quy định này thì sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khiến cho ngành hàng không của Việt nam khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế", văn bản của Vietjet Air viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại