TS Lê Xuân Nghĩa nói gì về khủng hoảng nợ của Evergrande và bài học cho Vingroup cũng như các doanh nghiệp bất động sản khác?

Hồng Nhuận |

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong số 4 tập đoàn bất động sản được nghiên cứu về huy động nợ, Vingroup là tập đoàn có tình trạng tài chính tốt nhất và các hệ số đều an toàn. Tuy nhiên, tâp đoàn cũng cần rút kinh nghiệm từ "cú nổ" của Evergrande ở Trung Quốc.

Ngày 4/10, tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức buổi đối thoại chuyên đề “Evergrande: ‘Bom nợ’ bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”. Tại đây, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Thị trường tài chính của Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ vụ việc của Evergrande".

TS.Lê Xuân Nghĩa cho biết, nhìn lại cuộc khủng hoảng năm 2008, khi đó, cựu Tổng thống Mỹ tuyên bố, tổn thất chỉ khoảng 100 tỷ USD, 3 tuần sau con số đó lên 300 tỷ USD. Nhưng cuối cùng, khi cuộc khủng hoảng nổ ra thực sự, tổn thất lại lên đến 40.000 tỷ USD đối với nền kinh tế Mỹ.

Như vậy có thể thấy, tổn thất sổ sách chỉ là 100 tỷ USD, nhưng nếu chính phủ không có giải pháp kịp thời, làm mất lòng tin của người đầu tư thì sẽ gây ra thảm họa chứ không còn là khủng hoảng.

Có thể lần này, Chính phủ Trung Quốc đã rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của Mỹ, nên đang cố gắng xây dựng hệ thống thanh khoản ngân hàng vững chắc, tránh mất niềm tin với nhà đầu tư, đặc biệt là người gửi tiền. Vì khi hệ thống ngân hàng đứng vững, nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn và sẽ có hy vọng tái cấu trúc lại tài sản cho Evergrande hay cả khách hàng của Evergrande.

Với cách làm này của Trung Quốc, nước ta cần rút kinh nghiệm. Vì vấn đề số 1 cần giải quyết của bất kỳ rủi ro tài chính nào là phải ổn định hệ thống ngân hàng, giữ vững niềm tin của người gửi tiền.

Thực tế, khủng hoảng của Evergrande cũng chỉ là cuộc khủng hoảng nhỏ, trong không gian tài chính toàn cầu rộng lớn. Tổng tài sản của Evergrande thậm chí cũng không phải là lớn, nhất là xét về nghĩa vụ nợ. Đặc biệt, Trung Quốc còn chưa phái sinh sản phẩm này, nếu phái sinh từ tài sản cơ sở, có thể đẩy giá trị tài sản lên gấp hàng chục lần.

Ở khía cạnh khác, dù cho tổng số tiền các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ dành cho Evergrande cộng lại cũng chỉ đạt 110 triệu USD, chưa bằng 1/10 tổng số đầu tư của người nước ngoài vào trái phiếu Vingroup của Việt Nam.

Nên nếu Chính phủ Trung Quốc biết cách quản lý tài sản này, thì với khối tài sản khổng lồ và thanh khoản tài sản lớn như vậy, thậm chí vài năm sau, khi bán đi còn thu lại lợi nhuận.

Đặc biệt, khi tiến hành nghiên cứu Evergrande trong 10 năm qua, TS.Lê Xuân Nghĩa nhận thấy, tập đoàn này vẫn khá minh bạch, được kiểm toán từ những công ty kiểm toán lớn, có uy tín. Được cơ quan quản lý phát hành trái phiếu xem xét rất cẩn thận, khi phát hành đã được kiểm soát kỹ, đánh giá tài sản bảo đảm rất cẩn trọng.

Theo đó, ông Nghĩa cho rằng, Evergrande là bài học rất lớn với Việt Nam. Về mặt rút ra bài học kinh nghiệm, thì nước nên học hỏi nhất từ cuộc khủng hoảng của Evergrande chính là Việt Nam. Vì hiện tại, nhiều doanh nghiệp nước ta có cách đầu tư, huy động vốn còn "khủng khiếp hơn" cả Evergrande.

Nếu lãnh đạo, các cơ quan tài chính còn không quan tâm, có những biện pháp quản lý cụ thể, thì "khối u tài chính" tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

TS. Lê Xuân Nghĩa thông tin thêm, khi tiến hành nghiên cứu 4 tập đoàn bất động sản lớn, có khuynh hướng phát hành trái phiếu tại Việt Nam, thì chính tập đoàn nhiều người nghi ngờ nhất là Vingroup lại có tình trạng tài chính tốt nhất.

Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, Vingroup có tổng tài sản khoảng 420.000 tỷ đồng, bằng 6 – 7% GDP Việt Nam. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của Vingroup ước khoảng 144.000 tỷ đồng. Nghĩa vụ nợ của Vingroup khoảng 270.000 tỷ đồng.

Nhưng trong số đó, nợ ngân hàng, nợ từ phát hành trái phiếu chỉ có 133.000 tỷ đồng. Với tất cả các con số trên, tính ra đòn bẩy của Vingroup (nghĩa vụ nợ/tổng tài sản) chiếm khoảng 60 - 70%, vẫn khá lành mạnh. Nợ vay và vay trái phiếu /vốn chủ sở hữu là ngang nhau, và trên tổng tài sản chỉ chiếm khoảng 30%, nên cũng lành mạnh.

Vì vậy, xét về phương diện khả năng thanh toán tổng thể nợ dài hạn/tổng tài sản hay khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Vingroup vẫn tốt. Hay nói cách khác, Vingroup có đòn bẩy và thanh khoản đều đang ở trạng thái tốt.

Nhưng hiện nay, vấn đề lo lắng không phải ở Vingroup mà ở nhiều doanh nghiệp khác kiểu "tay không bắt giặc", trong 10 đồng kinh doanh thậm chí chỉ có 1 đồng của mình, nợ có thể gấp 4 – 5 lần vốn chủ sở hữu.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, "cái chết" của Evergrande chính là ở dòng tiền và đây chính là cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khủng hoảng Covid.

Hiện nay, dòng tiền tổng của Vingroup gồm 3 dòng chính: dòng bán hàng, đầu tư và dòng tiền tài chính. Cả 3 dòng tiền này đều dương vào năm 2020, nhưng đến năm 2021 lại bắt đầu có thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19, khiến dòng tiền bán hàng trở nên âm.

Tuy nhiên, nếu từ quý II/2022, Covid-19 không còn gây ảnh hưởng nặng nề như bây giờ, Việt Nam quay trở lại thời kỳ bình thường mới, thì dòng tiền từ bán hàng của Vingroup sẽ tăng trở lại và tổng thể dòng tiền sẽ dương, triển vọng này trong ngắn hạn đang là khá tốt.

Song, cũng cần nhìn nhận vào cái khiến Evergrande "chết" để rút ra bài học. Dù là nhà đầu tư uy tín, văn minh nhất Việt Nam và hiện có 7 dự án được mở bán, 13 dự án đang triển khai và được thị trường đánh giá rất cao, nhưng dòng tiền của Vingroup đang dựa chủ yếu vào dòng tiền dương của tài chính.

Nếu dòng đầu tư vẫn tiếp tục tăng và không làm cho nó chậm lại thì có thể gặp khó khăn trong tương lai. Vì vậy cần cân đối giữa dòng tiền kinh doanh, dòng đầu tư và dòng tài chính. "3 yếu tố đó phải hỗ trợ cho nhau 1 cách tích cực, để phòng ngừa những rủi ro trên thị trường", ông Nghĩa nói.

"Điều đáng lo ngại không phải Vingroup mà chính là những tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản khác. Nhất là những tập đoàn 'sân sau' của các ngân hàng, tình hình tài chính tại các doanh nghiệp này đang rất đáng báo động", TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Chuyên gia này tiết lộ, xét về 3 cụm chỉ tiêu: đòn bẩy, thanh khoản và dòng tiền, thì 3 tập đoàn bất động sản còn lại đều nằm trong tình trạng thậm chí còn đáng lo hơn cả Evergrande. Do đó, cần có cảnh báo với các cơ quan chức năng để học hỏi và rút ra bài học sâu sắc từ Evergrande cho Việt Nam.

"Nếu không cẩn thận, có thể sẽ gây ảnh hưởng ngay lập tức đến ngân hàng thương mại. Những tổn thất này đối với kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ còn nặng nề hơn cả Evergrande đối với Trung Quốc, vì các tập đoàn bất động sản đó gắn rất chặt với hệ thống ngân hàng nước ta", TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại