Cũng về chủ đề này, vào ngày 25/7 vừa qua tại buổi Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng đặt ra câu hỏi tương tự là “Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã ‘chết’ nhiều nhất bởi những cái gì ?”
Nói riêng về Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế này khác biệt so với những vị chuyên gia khác ở điểm ông tuy là một học giả nhưng cũng đồng thời là một doanh nhân. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP, hiện được niêm yết trên sàn giao dịch Hà Nội với mã NHP. Vì thế câu trả lời của ông không chỉ mang tính học thuật mà còn từ thực tế kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NHP - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa
“Cách đây 4 ngày, tôi ngồi cùng 6 đại gia tên tuổi nhất của Việt Nam nói chuyện về đúng đề tài này”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa mở đầu. Những người này được ông Nghĩa giấu tên, tuy nhiên những chia sẻ thì vẫn là ‘ruột gan’ từ những người đã xông pha nhiều năm trên thương trường ở Việt Nam.
Theo quan điểm của ông Nghĩa, với sự đồng thuận của 6 vị đại gia, yếu tố đầu tiên làm doanh nghiệp Việt Nam dễ ‘chết’ là đã quá ‘ham’ đi đầu tư vào đa ngành nghề.
Ông Nghĩa gọi điều này là vấn đề ‘bọn trẻ máu quá’. “Người trẻ thường rất máu nên muốn doanh nghiệp nhanh chóng kiếm được tiền để trở nên lớn mạnh, dẫn đến đi đầu tư vào chỗ nọ chỗ kia”, ông chia sẻ.
Cái sự "máu quá" mà đi mở mang kinh doanh một cách quá đáng sẽ mang lại rủi ro tài chính lớn cho các doanh nghiệp. Nhiều dự án tại nhiều ngành nghề lớn, ví dụ như bất động sản hay tài chính, sẽ yêu cầu nguồn vốn từ trung hạn cho đến dài hạn. Trong khi đó, doanh nghiệp do ngại rủi ro chính sách nên vốn sử dụng đa phần vẫn là ngắn hạn.
Một ví dụ điển hình của thất bại khi bỏ quên mảng kinh doanh truyền thống để đi đầu tư đa ngành các doanh nghiệp Việt được gợi lại là Taxi Mai Linh. Vốn có mảng kinh doanh truyền thống là taxi, tuy nhiên có một thời kỳ, công ty này đã lấn sân sang cả đào tạo, du lịch, bất động sản… Sau những thất bại thì đến năm 2013, Mai Linh đành phải cắt đi những 'ung nhọt' này.
Taxi Mai Linh là ví dụ điển hình cho cả 2 rủi ro này
Rủi ro thứ hai mà tất cả 6 đại gia và ông Nghĩa cùng đồng ý chính là đến từ bất động sản. “Từ trước đến nay ở Việt Nam, ngẫm lại các đại gia giàu lên từ bất động sản nhưng chết chủ yếu cũng là do bất động sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chết chủ yếu là do kinh doanh thêm mảng bất động sản” – Tiến sĩ Nghĩa nói.
Còn nhớ, hồi năm 2012, Taxi Mai Linh dự định bán hơn 1000 xe taxi để mang tiền về cũng là để trang trải nợ nần phát sinh từ bất động sản. Trong một buổi phỏng vấn về câu chuyện nợ nần của Mai Linh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng nhận xét rằng: “Chết vì bất động sản còn nhiều lắm, chứ không chỉ riêng Mai Linh”.
Cái chết ở mảng đầu tư bất động sản của Mai Linh là do một thời kỳ bất động sản đóng băng dài sau nhiều năm phát triển nóng. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lý giải thêm vì sao mình chọn bất động sản là rủi ro thứ hai:
“Ở Việt Nam chúng ta, bất động sản đang lên và còn tăng trưởng dài. Tuy nhiên, bất động sản cũng có tính chu kỳ của nó, mà những đợt đóng băng đôi khi rất ‘tàn bạo’. Chúng ta ném vốn ngắn hạn vào thị trường này là gặp rủi ro rất lớn, nghiêm trọng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng cho vay”.
Nói về các rủi ro, ngoài 2 nguyên nhân trên, ông Nghĩa còn bổ sung thêm một mối nguy nữa mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải. “Tôi xin nói thêm một rủi ro khác nữa là các doanh nghiệp ngoài nợ ngân hàng thì còn nợ lẫn nhau rất lớn, chiếm dụng vốn của nhau khủng khiếp”, ông nói.
“Doanh nghiệp của tôi cũng bị chiếm dụng vốn và chính tôi cũng đang chiếm dụng vốn công ty khác. Công ty này không trả nợ cho mình thì mình không có tiền để trả nợ cho công ty khác được. Nhìn lại toàn bộ thì thấy doanh nghiệp nào cũng đang phải chịu rủi ro này”, Tiến sĩ Nghĩa bộc bạch và cho rằng điều này thể hiện một nền tảng tài chính còn rất thấp của doanh nghiệp Việt.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Cuối cùng, nói về các rủi ro vĩ mô, vị chuyên gia kinh tế đề cập đến sự khác biệt về chuẩn mực kế toán, nợ công và những bất cập của luật pháp như những vấn đề nổi cộm nhất.
Đặc biệt, ở vấn đề nợ công, chuyện chi thường xuyên vẫn ở mức cao và những dự án đầu tư nhiều tiền bạc nhưng mang lại hiệu quả không cao được ông Nghĩa nhắc lại. Đây cũng là điều một chuyên gia tài chính người Ireland từng cảnh báo với ông cách đây 5 năm.