TS. Lê Xuân Nghĩa: "Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông"

Đức Anh |

Giá vàng tăng liên tục và xác lập đỉnh tới 92,5 triệu đồng/lượng vàng SJC và hơn 77 triệu đồng/lượng vàng nhẫn đã gây nên cơn "sốt" trên thị trường những ngày qua.

Giá vàng SJC trong nước đã chứng kiến một tuần tăng mạnh, liên tục tạo ra những mốc đỉnh lịch sử. Ngày hôm qua 10/5, giá vàng SJC đã lên tới 92,5 triệu đồng/lượng. Trong ngày hôm nay, giá đã dịu đôi chút nhưng vẫn ở mức hơn 91 triệu đồng mỗi lượng.

Đà tăng dữ dội của giá vàng miếng SJC trong nước đang ngược với xu hướng giảm gần đây của giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng miếng trong nước tới 19 triệu đồng/lượng, thay vì mức 11-12 triệu đồng/lượng những ngày trước đó.

TS. Lê Xuân Nghĩa:

Diễn biến giá vàng SJC trong vòng 2 tuần qua. Chart: Cafef.

Trước đó, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tổ chức đấu thầu vàng miếng. Đến nay, NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu nhưng chỉ có 2 phiên đấu thầu thành công. Lần đấu thầu thành công gần nhất là ngày 8/5, NHNN tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC và kết quả có 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng, chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng vàng chào thầu. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng. Trong khi ở phiên trước đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Sau một loạt phiên đấu thầu, giá vàng SJC vẫn tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Đáng chú ý, thị trường thường chững lại tạm thời tại thời điểm đấu thầu vàng, sau khi có kết quả thầu thì giá biến động mạnh theo xu hướng tăng. Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi: Liệu đấu thầu vàng miếng liệu có phải giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Thông thường, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng. Song với các cuộc đấu thầu vàng trong thời gian vừa qua, tôi cho rằng, NHNN vừa là người đưa ra mức giá khởi điểm, vừa quyết định về số lượng là chưa hợp lý".

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giá khởi điểm trong các phiên đấu thầu cũng quá cao, không thể thực hiện mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước. Trong khi đó, giá cao cũng là tác nhân đẩy giá vàng SJC trên thị trường tăng mạnh như trong thời gian vừa qua. Mặt khác, các phiên đấu thầu bị hủy liên tục và kết quả trúng thầu với số lượng vàng ế nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng tăng mạnh.

Về kỳ vọng của các phiên đấu thầu khiến thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và ngoài nước nhưng thực tế giá vàng vẫn tăng liên tục, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Giải pháp đấu thầu vàng miếng như hiện nay không phải là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung và giải quyết bài toán chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước. 

Giải pháp tăng nguồn cung là cho phép doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Việt Nam cũng dễ dàng nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan…"

Trước lo ngại về việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, ông Nghĩa khẳng định: "Không cần lo lắng việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá. Bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. 

Chênh lệch giá vàng càng cao thực tế càng khuyến khích nhập lậu vàng. Việc cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ".

Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 213/TB-VPCP ngày 10/5/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Trong thông báo kết luận nêu rõ, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng quy định pháp luật, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại