TS. Lê Xuân Nghĩa: "Một nhân viên ngân hàng tráo trở biến tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm thì nhân viên và ngân hàng đó phải trả giá rất đắt"

Tùng Lâm |

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường tài chính Việt Nam nếu được xây dựng bài bản sẽ đứng đầu Đông Nam Á bởi quy mô dân số lớn và sức chịu đựng rủi ro của người dân cao.

Chia sẻ tại Talkshow "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam" do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức mới đây, bàn về câu chuyện xây dựng thị trường tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa kể lại, một lần ông hỏi chuyên gia nước ngoài: "Vì sao thị trường tài chính Việt Nam tăng trưởng chậm". Vị chuyên gia này trả lời rõ rằng: "Do không có tính kỷ luật".

Thừa nhận quan điểm này, ông Nghĩa nhấn mạnh: "Thị trường tài chính phải là một thị trường minh bạch nhất, phải có tính kỷ luật cao nhất". Trong khi đó tại Việt Nam, một nữ nhân viên ngân hàng có thể tráo trở biến tài khoản tiết kiệm của khách hàng thành tiền bảo hiểm. Có thể khách hàng không biết nhưng chuyện đó không được phép làm. Nếu làm thì nhân viên và ngân hàng đó phải trả một cái giá rất đắt. Từ câu chuyện đó, ông Nghĩa khẳng định: "Trước hết, phải xây dựng thị trường tài chính minh bạch, tạo được niềm tin cho người dân".

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Một nhân viên ngân hàng tráo trở biến tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm thì nhân viên và ngân hàng đó phải trả giá rất đắt"- Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa.

Bàn về các sản phẩm đầu tư, ông Nghĩa cho biết, bây giờ người ta quan tâm nhiều đến vàng nhưng chúng ta cần hiểu rõ từng thứ một. Tốc độ tăng trưởng sản lượng vàng trên thế giới mỗi năm chỉ khoảng 1,5%. Vàng trên thế giới không nhiều. Nếu đúc toàn bộ vàng trên thế giới thành một khối thì bằng một tòa nhà mà mỗi chiều dài, chiều rộng, chiều cao 20m.

Trong khi đó, tốc độ tăng của tiền mỗi năm ít nhất 3,5% và nhiều nhất 5%. Tức là tốc độ tăng của in tiền sẽ gấp 3 lần so với vàng. Thế nên, về dài hạn, vàng luôn tăng giá. Đó là mặt hàng tăng giá tự nhiên. Có những lúc đột biến, nó tăng mạnh hơn và có khi vàng sẽ giảm giá.

Còn về thị trường bất động sản, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, giá bất động sản tăng khá cao. Vì đất đai hữu hạn và đất đai gắn liền với cơ sở hạ tầng trong đó có cơ sở hạ tầng mềm như trường học, bệnh viện. Không phải lúc nào việc phát triển cơ sở hạ tầng không phải dễ dàng. Ví dụ Mỹ muốn đầu tư cơ sở hạ tầng như Trung Quốc thì sẽ phải cần thêm 3400 tỷ đô. Nên bất động sản là mặt hàng có tốc độ tăng giá khá cao.

Về thị trường chứng khoán, nó đứng thứ 2 sau bất động sản và trên vàng. Thị trường này hay ở điểm là vô cùng đa dạng và nhiều lựa chọn, đòi hỏi nhà đầu tư có kiến thức, tư duy, kiến thức tốt. Người ta cứ bảo đầu tư chứng khoán như đánh bạc, không phải mà thực tế đây là đầu tư trí tuệ nhất, đòi hỏi người ta có kiến thức vi mô và vĩ mô. Thế nên rất cần trung gian tư vấn và các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trong trường hợp nếu muốn đầu tư nhàn hạ thì phải tìm đến chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ ghi rất rõ, lợi nhuận qua từng giai đoạn 5, 10 hay 20 năm là 14%, 15%, hay 17%. Tuy nhiên để đầu tư chứng chỉ quỹ vẫn cần nhà tư vấn am hiểu thế mạnh cả về tài chính và phi tài chính của từng quỹ.

Một sản phẩm có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam là trái phiếu. Chúng ta muốn đưa trái phiếu doanh nghiệp là thị trường hùng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là chủ trương rất đúng.

Về lâu dài, vốn trung và dài hạn của các ngân hàng càng thu hẹp. Trong khi kinh doanh phải dài hạn. Ở Mỹ, châu Âu, ngân hàng cuối cùng cũng quay ra cho vay tiêu dùng. Ở châu Âu, thống kê 2020 tại 16 nước, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm 71% tổng cho vay tín dụng của ngân hàng. Ở Mỹ, con số này thấp hơn chỉ xấp xỉ 50%.

Ông Nghĩa cũng cho hay, ngân hàng xoay sang cho vay tiêu dùng và ngắn hạn là chính. Vậy vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp lấy đâu ra? Ở các nước, doanh nghiệp phải có thời gian tích tụ vốn và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp. 

"Ở Việt Nam, chúng ta đang phát triển thị trường trái phiếu. Theo tôi, cần nhiều việc làm ở thị trường này. Trái phiếu doanh nghiệp tin cậy nhất là phải phát hành rộng rãi ra công chúng, phải qua kiểm soát của Uy ban chứng khoán và có tiêu chí đặc thù. 

Cũng theo ông Nghĩa, doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm, không thể bắt người dân đọc báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp để quyết định mua trái phiếu của họ mà kể cả có đọc cũng khó phát hiện ra được gì. Người dân phải căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm để đưa ra quyết định đầu tư.

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia này nhận định, lẽ ra, các cơ quan chức năng phải tập trung vào  việc lớn: thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm. Việc xếp hạng tín nhiệm thậm chí còn gay gắt hơn, chi tiết hơn kiểm toán tài chính. Xếp hạng tín nhiệm được hiểu là đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm như vậy thôi, không có tài sản đảm bảo. Theo ông Nghĩa, chỉ có Việt Nam mới hình thành trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Đó là chuyện hi hữu của thế giới.

"Nếu chúng ta ngồi xậy lại một cách bài bản thị trường tài chính từ kinh nghiệm của thế giới với sự hỗ trợ của truyền thông, các chuyên gia thì thị trường tài chính, tài sản của Việt Nam thì trong vòng 10 năm tới sẽ đứng đầu Đông Nam Á do số lượng dân cư lớn, và sức chịu đựng rủi ro cao của người Việt", 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại