Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông cáo báo chí về dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Theo thông tin này, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và bà Phạm Chi Lan đánh giá việc lùi lại thời gian thông qua Luật đặc khu là một quyết định đúng đắn, một tín hiệu đáng mừng.
Luật có được thực sự sửa đổi hay không mới là điều dân chúng quan tâm
Hoan nghênh quyết định lùi Luật đặc khu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh coi đây là một bước đầu đầy hi vọng của việc cải cách, xem xét lại Dự luật lần này.
Ông Lê Đăng Doanh đánh giá, điều này thể hiện Đảng, Lãnh đạo và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến mang tính xây dựng chân thành của người dân, các hiệp hội và giới tri thức, chuyên gia.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, quan trọng hơn quyết định lùi Dự luật là những bước làm tiếp theo, Luật có được thực sự sửa đổi hay không mới là điều dân chúng quan tâm. Do vậy, Ban soạn thảo cần phải tập hợp tất cả ý kiến đã đóng góp, trình Quốc hội, xem xét cách sửa đổi, thay đổi lề lối làm việc, tăng cường sự tham gia của các Hiệp hội, chuyên gia trong quá trình bàn luận, sửa đổi Luật.
"Toàn bộ quá trình này phải công khai, minh bạch cho dân chúng. Nếu có thể, thông qua báo chí để thông tin đến người dân", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Lãnh đạo cần tỉnh táo, lắng nghe được tiếng nói thực sự vì lợi ích chung của đất nước
Trong khi đó, chia sẻ ý kiến của riêng mình, bà Chi Lan cho rằng điều này thể hiện rõ, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân, các chuyên gia, tổ chức xã hội khác nhau dù trong đó có rất nhiều phản hồi không đồng tình với các quy định và phụ lục trong Luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Chi Lan, đây chỉ là bước đầu tiên, quan trọng là sau lắng nghe sẽ tiếp tục sửa đổi, có thêm những kênh để tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, các tổ chức/hội kinh tế… về việc thiết kế lại Luật tốt hơn.
"Việc thống nhất xoá bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì theo quy định Luật Đất đai hiện hành là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề trong Luật cần phải xem xét thêm", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Mặc dù rất tin tưởng vào những bước đi đúng đắn tiếp theo trong việc xem xét, hoàn thiện Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, song trên kinh nghiệm nhiều năm được mời góp ý vào các dự thảo luật, chính sách của Việt Nam, bà Chi Lan cũng lo ngại, lợi ích nhóm trỗi dậy ở đặc khu, khiến cho việc sửa đổi, hoàn thiện dự án Luật không đơn giản, dễ dàng.
"Tôi luôn e sợ các nhóm lợi ích cài cắm lợi ích riêng của mình, nhiều khi chỉ vài từ trong văn bản pháp luật thôi là có thể làm lệch hoàn toàn ý tưởng của luật đó. Khi dừng dự Luật này, những người có lợi ích trong đó sẽ không dễ dàng buông hoặc chịu thua. Điều này càng đòi hỏi sự tỉnh táo của Lãnh đạo, Chính phủ và Thường vụ quốc hội, lắng nghe được tiếng nói thực sự vì lợi ích chung của đất nước.
Tinh thần này cần tiếp tục giữ vững trong suốt thời gian tới, để có thể hoàn thiện một bản Dự thảo tốt, trình Quốc hội vào kì họp sau", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Các chuyên gia và người dân hoan nghênh và phấn khởi trước đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu của Chính phủ.
Rút kinh nghiệm từ lần đưa Dự thảo Luật đặc khu, nữ chuyên gia cho rằng, các cơ quan xây dựng Luật cần tham vấn ý kiến người dân, đánh giá tác động của quyết định, chính sách đến nhiều đối tượng, đảm bảo quy định đúng đắn và hài hòa lợi ích.
"Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến người dân phải được làm công khai, minh bạch, rộng rãi, tránh tình trạng tham vấn không đúng, chỉ hỏi ý kiến những người đồng tình mà không lắng nghe ý kiến phản biện", chuyên gia Phạm Chi Lan kiến nghị.
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của dư luận, lắng nghe ý kiến Đại biểu quốc hội trình Quốc hội, cũng như hoan nghênh tinh thần đóng góp, xây dựng sôi nổi của người dân.
"Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6.
Dự Luật Đặc khu đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn.