Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật

Đạt Lê |

Từ xưa đến nay, loài dơi luôn bị gắn với hình dạng xấu xí, tâm địa đen tối. Nhưng các nhà khoa học cho biết họ đang có những khám phá mới, thú vị hơn về chúng.

Nền văn minh Maya ở Mexico vốn là một nơi tồn tại nhiều bí ẩn mà hậu thế chưa thể giải đáp hết. Họ cũng không thiếu những câu chuyện đáng sợ, khiến bạn hơi rùng mình vào đêm hè vắng lặng.

Một trong số đó có liên quan đến 2 người anh em sinh đôi anh hùng, sẵn sàng đi đến động dơi để tiêu diệt chúng. Bầy dơi quỷ ở đây có chiếc mũi như kiếm nhọn, có thể giết người và động vật nhanh như chớp.

Để thoát khỏi hang động, 2 người anh em khom mình trong một cái ống đồng. Suốt đêm bầy dơi không ngừng tấn công họ. Đến mờ sáng, khi thấy tình hình dịu bớt, 1 trong 2 người ló đầu ra để xem xét thì bị con dơi cắt phăng đầu đi.

Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật - Ảnh 1.

Một con dơi ở Nam Mỹ đi săn mồi vào đêm trăng

Câu chuyện trên vừa ca ngợi sự dũng cảm của con người, vừa cho thấy sự sợ hãi trước thiên nhiên còn nhiều bí ẩn của người xưa.

Dĩ nhiên, câu chuyện hầu hết là hư cấu. Nhưng khoa học cũng nhận ra rằng, người Maya đã sống rất gần gũi với thiên nhiên. Nhờ vậy họ có thể quan sát loài dơi ở địa phương một cách chi tiết, trước khi đem chúng vào truyện kể của mình.

Sự thật 1: Có đến 2 loài dơi ăn thịt ở Nam Mỹ

Trên thực tế, không có dơi nào ăn thịt người cả. Nhưng đúng là có 2 loài dơi săn lùng và ăn thịt những con vật nhỏ, bao gồm chim nhỏ, chuột, bò sát hay thậm chí các loài dơi nhỏ hơn.

Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật - Ảnh 2.

Một con dơi cánh lông ma cà rồng giả (woolly false vampire bat)

Đó là dơi bóng ma (spectral bat) và dơi cánh lông ma cà rồng giả (woolly false vampire bat). Có tên gọi dài ngoằng như vầy là để phân biệt với 1 số loài dơi khác chuyên hút máu động vật (chúng mới là những con ma cà rồng "chính hiệu")!

Cả dơi bóng ma lẫn dơi cánh lông đều chỉ sinh sống ở Trung và Nam Mỹ. Như sơ đồ dưới đây, bạn có thể thấy dơi bóng ma bao phủ từ Mexico đến Bolivia và Brazil. Trong khi đó, dơi cánh lông còn bay xa hơn tới một phần của Paraguay và Argentina.

Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật - Ảnh 3.

Chưa rõ vì sao 2 loài dơi ở Nam Mỹ lại thích ăn thịt. Chúng cũng chiếm chưa tới 1% trong tổng số cá thể nhà dơi mà thôi. Tuy nhiên, thiên nhiên đã ban tặng cho dơi ăn thịt những đặc điểm cơ thể rất hiệu quả cho việc săn mồi.

Sự thật 2: Cách thức săn mồi đáng sợ của loài dơi như mô tả của người Maya

Hai nhà động vật học Rodrigo Medellin và Ivar Vleut đã cất công đến di tích cổ của người Maya để khám phá thêm về loài dơi cánh lông (woolly false vampire bat).

Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật - Ảnh 4.

Khu di tích cổ của người Maya – nơi có những con dơi treo ngược và mắt sáng quắc vì phản chiếu ánh đèn pin.

Họ thấy chúng có răng nanh to, nhọn. Hai tai dài như tai thỏ và gần như trong suốt, rất khó nhìn thấy trong màn đêm. Mặt chúng nhăn nheo. Còn mõm thì như mõm sói. Sải cánh của chúng có thể rộng tới 90 cm, và là loài lớn nhất trong số họ hàng nhà dơi ở thế giới hiện đại.

Truyền thuyết về loài dơi “ma cà rồng” ăn thịt sống của người Maya có ít nhất 2 điều này là thật - Ảnh 5.

Nhưng thứ kỳ dị nhất vẫn là chiếc mũi - nó giống như một phần thịt thừa, có hình chiếc lá chếch lên trên. Bộ phận này giúp dơi định vị bằng cách phát và lắng nghe những tiếng vang dội trong không gian.

Ngón cái của nó cong vút và rất sắc bén – dùng để khóa mồi. Những đặc điểm này khiến chúng có thể săn bướm, chim, chuột,... rất hiệu quả.

Dơi bắt đầu chuyến săn bằng cách rình mồi, lắng nghe tiếng bước chân của chuột hay tiếng vỗ cánh của 1 con dơi khác nhỏ hơn.

Sau đó, dơi ăn thịt sà xuống con mồi trong tư thế cánh đang mở ra một nửa. Kế đến, khóa mồi bằng móng vuốt.

Đồng thời, cắn một cú chí mạng vào lưng hay cổ con vật nhỏ để kết liễu nó. Dù không phải cắn đứt đầu nhưng cách thức "hạ sát" nhanh gọn này cũng khá giống với mô tả của người Maya!

Và những sự thật thú vị khác

Khi đi quanh di tích cổ của người Maya nơi có dơi ăn thịt sinh sống, các nhà nghiên cứu tìm thấy phân và những mảnh mồi còn sót lại. Điều đó chứng tỏ dơi đã đem mồi về tổ.

Phát hiện này dẫn đến 2 câu hỏi. Thứ nhất – vì sao dơi lại đem mồi về, bởi trước đây loài dơi này luôn được ghi nhận là ăn tại chỗ, đến chừng nào no mới thôi?

Thứ hai - vì sao chúng để lại những mảnh xương vụn? Hiểu biết trước đây cho rằng dơi ăn thịt "đánh chén" tất cả, bao gồm xương, móng chân và đuôi cánh của con mồi!

Các hoạt động nghiên cứu: khoét lỗ nhìn trộm vào tổ dơi trong 1 thân cây rỗng, giăng lưới bẫy dơi, quan sát chúng, đặc biệt là phần xương trên cánh để xác định tuổi.

Sau đó, 2 nhà nghiên cứu Rodrigo và Ivar đã giăng lưới bắt được 6 con dơi (2 dơi đực trưởng thành, 2 dơi đực con, 1 dơi cái đang chăm con và 1 dơi cái mang bầu). Suy đoán chúng có thể là 1 "gia đình", 1 đàn dơi sinh sống trong tổ chung.

Điều này đã giúp giải đáp 2 câu hỏi trên. Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng 2 con dơi đực có nhiệm vụ săn mồi, ăn no nê, rồi đem mồi dư về cho những con còn lại trong đàn (bao gồm "bà bầu" và dơi con).

Hành vi sống thành đàn và chia sẻ thức ăn không phải hiếm trong thế giới động vật, và giờ đây nó được ghi nhận trên 2 loài dơi ăn thịt ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên, khoa học cho rằng hành vi này do mối quan hệ máu mủ, do bản năng quyết định chứ không phải biểu hiện của lòng vị tha. Vậy mà, đàn dơi 6 con của nhóm nghiên cứu bắt được đều ra sức bao bọc, bảo vệ cho nhau!

Điều này đưa đến một góc nhìn mới lạ, mềm mại hơn cho loài dơi vốn bị mang tiếng xấu muôn đời! Được biết, việc nghiên cứu dơi không chỉ nhằm mục đích giải mã bí ẩn của người Maya, mà còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hệ sinh thái phong phú của những cánh rừng mưa tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại