Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với "fake news"

Nguyễn Mai |

Nếu điện thoại của một người bật chế độ theo dõi các hãng truyền thông lớn trên thế giới những ngày này, nó rất có thể sẽ hết pin vì thông báo mới.

Vòng tranh luận đầu tiên lu mờ trước thông tin Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19

Khi các hãng truyền thông và giới phân tích chưa kịp ngừng mổ xẻ những điểm mạnh và yếu của hai ứng viên thì sự quan tâm nhanh chóng bị dập tắt.

Thay vào đó, mạng xã hội và truyền thông đổ xô vào một tin tức nóng bỏng hơn: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 1.

Khoảng 41% các trạng thái cập nhật trên Twitter của ông Trump được đăng tải trong khoảng thời gian từ 5 - 9 giờ sáng

Thế giới phẳng hơn, vậy nên ông Trump cũng chỉ cần một dòng tweet để thông báo như cách ông vẫn dùng: "Tối nay, Đệ nhất phu nhân và tôi đã có kết quả dương tính, mắc COVID-19. Chúng tôi sẽ bắt đầu cách ly và bắt đầu quá trình phục hồi ngay. Chúng tôi sẽ vượt qua CÙNG NHAU!".

Theo Axios, dòng trạng thái này đã lập kỷ lục về số lượt thích và chia sẻ dù được đăng tải bất chấp thời điểm dòng tweet "lên sóng" vào lúc nửa đêm, khi người dân Mỹ đang chìm vào giấc ngủ. Các chuyên gia cho rằng lượng người tương tác sẽ còn tăng lên.

Truyền thông "viết mãi không hết bài"

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 2.

Mạng xã hội liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về hai ứng cử viên tổng thống Mỹ

Ngay sau dòng tweet từ phía chính chủ, hàng loạt các hãng truyền thông lớn như Reuters, CNN, Fox News…bắt đầu phủ sóng thông tin về việc đương kim tổng thống Mỹ và phu nhân điều trị COVID-19 thế nào cùng loạt câu hỏi đặt ra như ông Trump có kịp tham gia cuộc tranh luận thứ hai diễn ra vào ngày 15/10 theo giờ địa phương tại Miami nếu phải thực hiện cách ly hay không? Một số tờ báo còn thể hiện sự hoài nghi đối với những thông tin chính thức về tình hình sức khỏe của ông Trump. Thậm chí, CNN đã thực hiện loạt phỏng vấn nhanh với người dân Mỹ và không ít người cho rằng việc ông Trump mắc "virus giả" là thông tin giả mạo.

Cây bút Adam Gabbatt của tờ The Guardian thể hiện sự hoài nghi ngay trên tiêu đề bài viết: "Ông Trump khỏe đến đâu? Sau nhiều năm tiếp xúc với tin giả, chúng ta hoàn toàn không biết".

Có thể nói trong thời điểm hiện nay, hai tờ báo uy tín là The Washington Post và New York Times đang sa đà vào chỉ trích ông Trump, nhấn mạnh sự chậm trễ của Nhà Trắng trong xử lý đại dịch COVID-19 hay thông tin sai lệch về việc dùng thuốc điều trị sốt rét Hydrochloroquine, xoáy vào câu chuyện khai thuế hay đời tư của Tổng thống.

Ngược lại, những thành tựu mà ông chủ Nhà Trắng đạt được trong 4 năm qua, dù là kinh tế hay chính trị, lại không được nhắc đến nhiều. Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến tính khách quan, toàn cảnh của truyền thông Mỹ về lâu dài.

Trên hầu hết các trang nhất của các báo, từ khóa "Trump" và "COVID-19" xuất hiện với tần suất dày đặc.

Ngày 6/10, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định quay trở lại Nhà Trắng để tiếp tục điều trị và lãnh đạo đất nước, có lẽ bức ảnh ông Trump đứng ngoài ban công, từ từ tháo chiếc khẩu trang là khoảnh khắc mà tất cả hãng tin không muốn bỏ lỡ.

Những động thái tiếp theo của cả hai ứng cử viên tiếp tục được báo giới cập nhật, chính xác là từng phút.

Thông tin tiếp theo được truyền thông "nhiệt tình khai thác" chính là việc Ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump cho biết ông chủ Nhà Trắng có kế hoạch tham gia cuộc tranh luận tiếp theo với ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới tại Miami, bang Florida. Ông Biden cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc tranh luận trực tiếp vào tuần tới với Tổng thống Trump miễn là các chuyên gia y tế xác nhận an toàn.

Có lẽ câu hỏi mà giới truyền thông nên đặt lúc này chính là liệu "Ủy ban tranh cử của Tổng thống có ý định sắp đặt tấm chắn giữa hai ứng cử viên trong cuộc tranh luận sắp tới hay không?" kể cả trong trường hợp sức khỏe của hai ứng viên sẽ được các nhân viên y tế kiểm tra trước "màn đấu".

Thông tin nhiễu loạn, hàng loạt mạng xã hội kiểm soát quảng cáo chính trị

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 3.

Hồi năm 2018, hơn 350 tờ báo lớn nhỏ đã tham gia vào Cuộc chiến truyền thông với tổng thống Mỹ

Càng đến gần ngày bầu cử thì các nền tảng mạng xã hội càng bận bịu khi họ phải "ba đầu sáu tay" tung hết các biện pháp lọc tin rác, tin giả, tin mang tính kích động trong những ngày gần đây.

Reuters đưa tin Facebook sẽ chặn tất cả các quảng cáo chính trị ở tuần cuối cùng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Tuyên bố được chính CEO Mark Zuckerberg đưa ra sau khi mạng xã hội này bị chỉ trích vì từ chối kiểm soát rộng hơn đối với các quảng cáo về chính trị.

"Chúng tôi sẽ chặn các quảng cáo chính trị mới và quảng cáo kết quả cuộc bầu cử trong suốt tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử," người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg thông báo.

Động thái này là nỗ lực của Facebook nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch trước thêm bầu cử dự kiến vẫn diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Facebook cam kết phối hợp với Ủy ban Bầu cử Mỹ để xác định và xóa bỏ những phát biểu sai lệch về điều kiện bầu cử trong vòng 72 giờ cuối cùng của chiến dịch, song do cuộc bầu cử này sẽ tiếp nhận một lượng lớn phiếu bầu sớm, nên Facebook lên kế hoạch mở rộng thời gian ngay từ đầu tháng 10 và tiếp tục xuyên suốt cuộc bầu cử cho đến khi có kết quả rõ ràng.

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 4.

Twitter tuyên bố bất cứ bình luận nào ác ý đối với bất cứ ai sẽ đều bị xóa.

Google cũng có động thái tương tự khi đưa ra thông báo sẽ chặn các quảng cáo liên quan đến bầu cử trên mọi nền tảng của hãng sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Điều này đồng nghĩa là các công ty quảng cáo trên Google sẽ không thể triển khai các đoạn quảng cáo liên quan đến những ứng cử viên, cuộc bầu cử hay kết quả bỏ phiếu.

Quyết định này được đưa ra sau khi các chuyên gia cảnh báo kết quả bỏ phiếu có thể bị trì hoãn do sự gia tăng của hoạt động bỏ phiếu qua đường bưu điện. Google cũng thông báo sẽ cấm các đoạn quảng cáo về bầu cử, bao gồm việc đề cập tới các ứng cử viên, các đảng. Lệnh cấm mới sẽ được kéo dài trong ít nhất 1 tuần và hiện Google chưa thông báo thời điểm rút lại lệnh cấm này.

Twitter cũng không đứng ngoài cuộc. Chính sách mới của "Con chim xanh" có hiệu lực kể từ trung tuần tháng 9 cảnh báo về việc hãng này sẽ dán nhãn hoặc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm nhằm làm suy giảm sự tin cậy của công chúng trong cuộc bầu cử hoặc các tiến trình dân sự khác.

Chính sách mới của Twitter còn cấm những tuyên bố gây hiểu lầm về kết quả bầu cử hoặc tác động đến tiến trình bầu cử như tuyên bố chiến thắng trong khi kết quả chính thức chưa được công bố, kích động hành vi phạm pháp nhằm ngăn cản một tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Nỗ lực tạo nên môi trường truyền thông công bằng trong bầu cử Mỹ

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 5.

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang gần đến hồi gay cấn

"It’s pay to not play" – Trả tiền để khỏi "lướt" mạng xã hội

Đó là lời "mặc cả" của Facebook dành cho người dùng của mình, rằng họ sẽ trả tiền để hạn chế người dùng "lên phây" và Instagram trong những tuần cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng này.

Để đánh giá tác động của mạng xã hội đối với việc bỏ phiếu, công ty sẽ trả cho những người tham gia một số tiền lên đến 120 đô la Mỹ để tạm khóa tài khoản Facebook cá nhân của họ bắt đầu từ tháng Mười.

"Bất kỳ ai đã tham gia thử thách này, dù họ chỉ tạm khóa Facebook và Instagram trong một khoảng thời gian ngắn hoặc đến tận khi có kết quả bầu cử, đều nhận được tiền từ chúng tôi", người phát ngôn của Facebook, bà Liz Bourgeois đã trả lời CNN như vậy.

Gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon cho biết họ dự đoán ​​sẽ có khoảng 200.000 đến 400.000 người tham gia.

Ngoài những người tự nguyện đăng ký, Facebook sẽ lựa chọn người tham gia dựa trên đại diện của những cộng đồng người dân Mỹ. Họ sẽ thấy thông báo trên Facebook hoặc Instagram mời họ tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ được thiết kế để đảm bảo rằng những người tham gia phản ánh sự đa dạng của dân số trưởng thành ở Mỹ, cũng như đa dạng đối tượng người dùng Facebook và Instagram. Kết quả của nghiên cứu dự kiến ​​sẽ được công bố vào khoảng năm sau.

Nhưng dường như các trang mạng xã hội chưa khi nào "ngồi yên" dù chỉ một phút.

Quay trở lại câu chuyện ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng mắc COVID-19, các công ty truyền thông đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng: "Bất kỳ nội dung nào mong muốn ai đó qua đời vì dịch bệnh, kể cả tổng thống, sẽ bị xóa".

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 6.

Không chỉ trên mạng xã hội, thông tin về ông Trump cũng được báo giới khai thác triệt để

Tờ CBS chia sẻ quan điểm cùng CNN, rằng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiều người, bao gồm cả các đối thủ chính trị của ông, đã chúc họ khỏe mạnh.

Nhưng tinh thần "fairplay" đó lại chẳng được nhiều người dùng mạng xã hội tuân thủ. Vậy nên mới có chuyện cả Facebook, Twitter và TikTok đều đã thông báo rằng các bài đăng bày tỏ mong muốn ai đó qua đời đều sẽ bị xóa vì vi phạm nguyên tắc người dùng của mỗi nền tảng.

Twitter thậm chí còn yêu cầu người dùng báo cáo bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc quấy rối nào trên nền tảng của họ. Rõ ràng động thái mạnh tay này đã khiến những người dùng mạng xã hội phải tự xem xét lại những phát ngôn của họ một cách cẩn trọng mà không thể đổ lỗi tại "cảm xúc bộc phát". Thông điệp mà các nền tảng truyền thông xã hội gửi đến người dân Mỹ nói riêng và người dùng toàn cầu nói chung, chính là đảm bảo sự công bằng nhất có thể đối với cả hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Truyền thông rút được bài học gì từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016?

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 7.

Những lá phiếu bầu qua đường bưu điện đã được gửi đi

Nhà báo James Fallows của tờ The Atlantic đã có bài phân tích sâu về vấn đề này. Ông nhận định rằng giới quan sát đã nhận thấy một lỗi lớn và một thảm kịch tiềm ẩn sắp xảy ra đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Điều mà nhà báo Fallows nhắc đến là sự thất bại gần như không thể tin được của phần lớn báo chí trong việc phản ứng với thực tế của thời đại Tổng thống Trump.

Ông thẳng thắn thừa nhận nhiều biên tập viên và phóng viên có ảnh hưởng nhất của The Atlantic đang hành động như thể các quy tắc phổ biến dưới thời các tổng thống Mỹ trước đây vẫn còn hiệu lực. Nhưng vị tổng thống này thì khác; các cây bút dường như đã không bắt kịp những quyết định thay đổi liên tục của ông Trump.

Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hầu hết các hãng tin đã bị bất ngờ trước chiến thắng của tỉ phú Donald Trump, vì thế họ đã không nhìn thấy sự gia tăng của nhóm cử tri có thể đưa ông Trump vào Nhà Trắng, và những phóng viên ngày thường vô cùng nhanh nhạy đã bị dẫn dắt bởi những dòng tweet của ông Trump. Sau đó là một loạt các thông tin liên quan đến bê bối dùng email của bà Hillary Clinton. Đó là chưa kể đến việc họ quá tin tưởng vào những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng xuất hiện trên mạng xã hội và giả thuyết về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.

Truyền thông trong bầu cử Mỹ: Xoay như chong chóng, viết mãi không hết bài và cuộc chiến với fake news - Ảnh 8.

Cử tri sẽ quyết định ai là ông chủ nhiệm kỳ tiếp theo của Nhà Trắng

Lần này báo chí cam kết sẽ làm tốt hơn. Tuy nhiên chỉ riêng việc tờ New York Times lên một loạt bài về những hoài nghi liệu ông Trump có trốn thuế hay không, dường như đã trở thành đòn công kích nhắm vào vị ứng cử viên này. Nội dung này thậm chí đã được đưa vào phiên tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ hôm 30/9 vừa qua.

Vào thời điểm này, có lẽ nước Mỹ rất cần những thông tin tích cực như việc kênh truyền hình Fox News sáng ngày 5/10 (theo giờ địa phương) đưa tin tình trạng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cải thiện và Nhà Trắng lạc quan về việc nhà lãnh đạo này có thể ra viện vào chiều cùng ngày.

Một cuộc đua vào Nhà Trắng chưa từng có tiền lệ, xảy ra trong bối cảnh cũng chưa từng có tiền lệ đã khiến các hãng truyền thông cũng phải xoay như chong chóng. Tuy vậy, để dòng chảy tin tức được khách quan và công bằng nhất, truyền thông thế giới đang nỗ lực tạo rào chắn để những "lời đồn" không ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại