Sự hưởng lợi của nền kinh tế Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ giảm bớt vào năm 2020, các nhà kinh tế đã cảnh báo, trong bối cảnh các nhân tố gây ra suy giảm tăng trưởng vẫn đang hiện hữu.
"Động lực gia tăng sản xuất từ việc các công ty chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam vẫn sẽ còn đó, cũng như lo ngại về phản ứng dữ dội có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ Hoa Kỳ", theo một ghi chú của hai nhà phân tích Citibank - Ang Kai Wei và Johanna Chua.
Việt Nam đã phải trấn áp rất nhiều vi phạm về việc dán nhãn giả hàng Made in Vietnam. Trong khi đó, cả hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, chiếm tới 40% xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019, dự kiến sẽ tăng trưởng yếu hơn trong năm tới.
Gian lận xuất xứ hàng hóa (Phantom trade), hàm ý các doanh nghiệp chuyển hàng hóa sang nước thứ ba trước khi xuất khẩu sang điểm đến cuối cùng để tránh rào cản thuế thương mại, đang diễn ra tại Việt Nam. Trong khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng 33% so với cùng kỳ thì thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng tăng trên tới 40%.
Ngay cả khi Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đối với nhiều loại hàng hóa - như đồ chơi, linh kiện điện tử và đồ nội thất - các mặt hàng đã bị áp thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng Trung Quốc, thì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam cũng được dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% vào năm 2020, so với mức 7,02% năm 2019 - các nhà phân tích cho biết thêm.
Các chuyên gia nayfnói: "Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh. Với các cam kết của nhiều công ty trong việc mở rộng công suất nhà máy, dự báo tăng trưởng lạc quan của thương mại bán dẫn toàn cầu trong những tháng gần đây, chúng tôi tin là Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng".
Tăng trưởng kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ tốt với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tầng lớp trung lưu đang phát triển, ứng dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến và ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển không ngừng.
Bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác thương mại, ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, khu vực tư nhân tại Việt Nam cũng đang chủ động đầu tư nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
"Việt Nam đang bước vào "thời kỳ hoàng kim" của họ" - ông Marco Breu, Đối tác quản lý của McKinsey Vietnam nói với The Business Times - hãng tin có trụ sở Singapore. Ông cho rằng Việt Nam có thể sẽ vươn lên dẫn đầu trong vài năm tới ở lĩnh vực tự động hóa và nâng cao năng suất. Ông thấy rằng công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo đang thay đổi mọi ngành công nghiệp, từ giáo dục và tài chính, đến chăm sóc sức khỏe và bán lẻ. Trong đó, tiêu dùng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng chính cho nền kinh tế.