Truyền thông quốc tế: Kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng "đầy ấn tượng"

Hồng Anh |

GDP của Việt Nam trong năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu 6,8% do chính phủ đề ra, theo số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê công bố hôm thứ 6 (27/12).

Kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được mức tăng trưởng hơn 7% "đầy ấn tượng", vượt mục tiêu do chính phủ Việt Nam đề ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ-Trung Quốc có tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, hãng thông tấn AFP đưa tin.

Cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã kéo dài hơn 18 tháng; và trong quá trình này, cả hai nước đã nhiều lần tung đòn "ăn miếng, trả miếng" thuế quan nhằm vào hàng trăm tỉ USD hàng nhập khẩu của đối phương.

Truyền thông quốc tế: Kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng đầy ấn tượng - Ảnh 1.

Bài viết của AFP.

Trước bối cảnh này, Việt Nam đã trở thành một nhà cung cấp hấp dẫn hơn; và trong năm 2019, số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt.

Nhiều công ty sản xuất cũng đã quyết định rời khỏi Trung Quốc và lựa chọn Việt Nam làm "vịnh tránh bão" - bởi hai yếu tố an toàn và chi phí thấp hơn - trong cuộc thương chiến của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Trước đó, giới phân tích từng cảnh báo rằng những lợi ích ngắn hạn đến từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ không kéo dài đối với các quốc gia như Việt Nam.

Tuy nhiên, số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố hôm thứ 6 (27/12) vừa qua lại cho thấy điều ngược lại: GDP của Việt Nam trong năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu 6,8% do chính phủ đề ra. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 cũng đạt 517 tỉ USD.

Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á trong thập kỷ qua, động cơ tăng trưởng của Việt Nam đã chuyển từ việc xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép giá rẻ sang các sản phẩm công nghệ cao hơn như điện thoại Samsung và bộ xử lý máy tính Intel.

Đầu năm nay, Việt Nam cũng đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu (EU), trong đó hứa hẹn việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các loại hàng hóa.

Ông Michael McAdoo, một chuyên gia của Tập đoàn Boston Consulting cho biết, khi Việt Nam bước sang thập kỷ mới, thỏa thuận thương mại được mong đợi nói trên sẽ tạo ra "một môi trường tốt cho các hoạt động thương mại và đầu tư", theo AFP.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cũng thừa nhận rằng, mặc dù mức tăng trưởng năm 2019 cho thấy nhiều con số lạc quan, "nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn còn tiếp diễn".

Được biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới của Việt Nam vẫn được đặt ở mức 6,8%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại