Theo Spiegel, bên lề Hội nghị Lennart Meri về chính sách đối ngoại và an ninh, diễn ra ở thủ đô Estonia vào tuần trước, các nghị sĩ vùng Baltic đã cảnh báo đại diện chính phủ Đức về hậu quả của chính sách của Berlin đối với cuộc chiến Ukraine.
Đức từ chối cung cấp vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine và không đồng ý để Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.
Spiegel viết: "Họ cho rằng nếu người Nga tạo được bước đột phá chiến lược ở miền Đông Ukraine vì phương Tây chỉ giúp đỡ Kiev nửa vời thì tình hình có thể leo thang nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, các chính trị gia vùng Baltic cảnh báo rằng các nước Baltic và Ba Lan sẽ không chờ Nga triển khai quân đội ở biên giới của họ mà sẽ tự mình gửi quân tới Ukraine. Và rõ ràng điều này có nghĩa là: NATO sẽ trở thành một bên tham gia cuộc chiến”.
Như Spiegel giải thích thì đây chính xác là kịch bản mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại. Nhưng theo tờ báo, hạn chế chiến tranh bằng cách kìm nén quá mức sẽ dẫn tới nguy cơ khiến chiến tranh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Xem video hậu quả vụ tấn công ngày 25/5 vào trung tâm thương mại DIY ở Kharkov, Ukraine. Nguồn Kharkiv Regional Prosecutor's Office/Reuters
Xem video hậu quả vụ tấn công ngày 25/5 vào trung tâm thương mại DIY ở Kharkov, Ukraine. Nguồn Kharkiv Regional Prosecutor's Office/Reuters
Trong một bài viết liên quan tới khả năng NATO triển khai quân tới Ukraine đăng trên website của Trung tâm Nghiên cứu Chính sác và Khủng hoảng (ANKASAM) của Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sỹ Cenk Tamer cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đầu tiên nêu ra phương án triển khai lực lượng NATO tới Ukraine để chống lại Nga, tuyên bố rằng “không còn ranh giới đỏ, không còn biên giới” liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Pháp đang thành lập một liên minh bao gồm các quốc gia có khả năng sẵn sàng gửi lực lượng phương Tây tới Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Franz Stéphane Séjourné đã tới Litva để thảo luận về những vấn đề này. Tại Litva, ông Séjourné gặp những người đồng cấp vùng Baltic cũng như Ukraine và lên tiếng ủng hộ ý tưởng rằng các lực lượng nước ngoài có thể hỗ trợ Ukraine trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn.
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis chủ trì và có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, ông Séjourné đã chỉ trích Nga gay gắt, nói rằng: “Nga không có quyền nói với chúng ta rằng chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc năm tới. Công việc của Nga không phải là đứng ra tổ chức hoạt động cho chúng ta hay đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta sẽ tự mình quyết định việc này”.
Hầu hết các nước châu Âu, bao gồm Đức, Cộng hòa Séc và Ba Lan, đều tuyên bố rằng họ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, bất chấp sự nhất quyết của ông Macron rằng cần phải làm như vậy. Nhưng cũng có nước thay đổi. Ba Lan là nước ban đầu phản đối đề xuất của ông Macron, nhưng gần đây đã thay đổi lập trường. Trong khi đó, ba quốc gia vùng Baltic - những nước được cho là dễ bị Nga tấn công nhất nếu Moskva thành công trong cuộc chiến chống Ukraine - tỏ ra cởi mở hơn nhiều trước đề xuất của Tổng thống Pháp, nhất là Litva.
Từ hồi tháng 3/2024, Ngoại trưởng Litva, ông Gabrielius Landsbergis đã thẳng thừng nói rằng: “Chúng ta không nên vẽ những ranh giới đỏ cho chính mình, chúng ta cần vạch ra những ranh giới đỏ cho Nga và chúng ta không nên ngại vạch ra những ranh giới đó. Ukraine phải thắng, Nga phải thua”. Sau đó, vào ngày 8/5 vừa qua, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte đã nói với tờ Thời báo Tài chính (FT) rằng bất chấp các mối đe dọa hạt nhân của Nga, đất nước của bà sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.