Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim

Vũ Huế |

Mặc dù là một quốc gia đa văn hóa, có nhiều nhóm dân tộc, nhưng các cư dân của Iran vẫn có một sở thích chung là bói vận mệnh bằng thơ. Đặc biệt, họ có một cách rút quẻ hết sức đáng yêu là nhờ một chú chim hoàng yến bé xinh chọn giùm.

Iran là một quốc gia nằm trong khu vực Trung Đông nhiều tranh chấp, lắm biến động.

Nhưng hôm nay, chúng ta hãy gác các vấn đề xung đột kinh tế, chính trị lại, để khám phá một khía cạnh văn hóa tuy đời thường nhưng hết sức độc đáo của người dân sống ở vùng đất này. Đó là bói toán.

Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim - Ảnh 1.

Là một trong những quốc gia có nền văn minh sớm nhất

Nền văn minh khởi nguyên của Iran là Elam (2700-539 trước Công nguyên). Ngạc nhiên là ngay từ khoảng thời gian này, họ đã thực hành nghề tiên đoán vận mệnh.

Vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN, nhà tiên tri Zoroaster của Đế quốc Ba Tư đã sáng lập ra Hỏa giáo, một giáo phái thờ thần lửa. Nó cũng là một trong những hình thức tín ngưỡng cổ xưa nhất của nhân loại.

Đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng Hỏa giáo là nhìn vào ngọn lửa mà đoán tương lai. Cho đến tận thế kỷ thứ 7 sau CN, Hỏa giáo phát triển mạnh mẽ. Ước tính, thời cực thịnh của giáo phái này có tới 2,6 triệu tín đồ.

Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim - Ảnh 2.

Hafez, nhà thơ chiếm vị trí tối thượng trong tâm linh người Iran.

Nhưng cũng trong thế kỷ 7, Đế quốc Ba Tư bị Hồi giáo Ả Rập đánh bại. Hỏa giáo bị đàn áp dữ dội và thay thế bằng Hồi giáo. Rất nhanh, Hồi giáo thống trị Iran, tạo nên thời kỳ hoàng kim dài suốt từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII.

Hỏa giáo đã chết, nhưng bói vận mệnh thì không.

Trải qua thời gian, nó được biến tấu dưới đủ mọi hình thức, cuối cùng nở rộ với phong cách bói thơ, sử dụng từ Kinh Koran đến các tập thơ của các tác giả tiếng Ba Tư cổ đại nổi danh, sau đó là thơ của Hafez - một thi nhân sống ở thời trung đại.

Người Iran mê mẩn Divan, thi tập của Hafez, giống như cách người Việt xưa đam mê Truyện Kiều vậy. 

Họ cũng ưa đem thi tập này ra lần giở trước đèn, mở ngẫu nhiên một trang rồi đọc 2 dòng đầu tiên, xem chúng là tiên đoán cho sự việc sắp tới.

Cuồng bói vận mệnh với thơ Hafez

Mặc dù là một quốc gia đa văn hóa, có nhiều nhóm dân tộc và nhiều nhóm ngôn ngữ, trong đó có 4 nhóm lớn là Ba Tư, Azeri, Kurd, Lur, nhưng người Iran lại có chung một sở thích. Đó là bói vận mệnh bằng thơ.

Hafez (1321–1390) chào đời ở Shiraz, có danh xưng đầy đủ là Khwajeh Shams od-Din Muhammad Hafez-e Shirazi. Từ nhỏ, ông đã thuộc lòng Kinh Koran và nhiều thơ của các tác giả Ba Tư nổi tiếng như Rumi, Saadi, Attar, Nezami.

Thời thanh niên, Hafez còn là nhà thơ và người đọc thơ trong cung đình. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cảnh soán ngôi tàn nhẫn giữa cha con nhà vua, ông đã rời kinh đô, trở về cố hương, sống giữa tình yêu thương và sự ngưỡng mộ của làng xóm.

Thơ của Hafez rất bay bướm, mỹ lệ nhưng cũng rất dễ hiểu. Ông được xưng tụng là bậc thầy ngôn ngữ Ba Tư.

Chủ đề trong thơ của Hafez vô cùng rộng, bao gồm từ đạo đức thế nhân đến thiên nhiên xinh đẹp, tình yêu và rượu. Ông có hàng trăm tác phẩm. Tất cả chúng được tập hợp thành một thi tập, Divan.

Thực chất, họ sử dụng thơ của rất nhiều tác giả để bói. Chỉ có điều, thơ của Hafez là thịnh hành hơn cả. Thường thì mỗi gia đình Iran luôn có sẵn một tập Divan. 

Lúc nào muốn biết trước về một vấn đề gì đó, họ sẽ lấy nó ra, lẩm nhẩm lời cầu nguyện trong đầu rồi lật mở một trang.

Ngày nay, có lẽ là để tiện phục vụ khách bói, họ đã sáng tạo ra quẻ giấy. Mỗi tấm quẻ là một trang thơ của Hafez được gấp gọn gàng. Song cái thú vị là người Iran lại huấn luyện chim hoàng yến để chúng rút quẻ giúp khách.

Chỉ cần được chủ ra hiệu, con chim lập tức nhảy xuống hộp quẻ, rút ra một tấm trao cho người xem. Hay nói cách khác, vận mệnh của khách sẽ nằm trong tay một chú chim bé nhỏ.

Ngoài cánh đàn ông trung niên ôm hộp quẻ đi bói dạo, ở Iran còn có rất nhiều điểm bói toán bằng chim hoàng yến trong các cửa hàng. 

Hình thức xin quẻ cũng tương tự, đều là để cho chú nhóc lông vũ xinh xinh rút hộ.

Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim - Ảnh 4.

Chú chim rút quẻ của người Iran.

Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim - Ảnh 5.
Truyền thống bói toán kỳ lạ nhất của người Iran: Bói mọi lúc mọi nơi, vận mệnh đôi khi phụ thuộc vào một con chim - Ảnh 6.

Còn nếu bạn vẫn muốn làm theo cách bói truyền thống là lật mở tập Divan, họ cũng có sẵn những cuốn thơ này. 

Tất nhiên là cho dù chọn hình thức nào thì cũng vẫn phải trả tiền trước đã. Nhưng đừng lo, số tiền cần đưa chỉ là vài đồng lẻ mà thôi!

Và nếu đang vội, Iran cũng rất sẵn quẻ bói. Đến cả tại cột đèn giao thông, nơi các lái xe phải tạm dừng để chờ đèn xanh, cũng có đám con nít tận dụng vài chục giây ngắn ngủi, nhanh tay chìa hộp quẻ ra mời.

Thơ Hafez tuy tinh túy, đẹp đẽ nhưng không phải câu nào cũng đều hàm ý may mắn. Cơ hội bốc trúng "câu xấu" và "câu tốt" là bằng nhau. 

Dĩ nhiên, tin vào nội dung của chúng hay không đều là quyền của bạn cả.

Tham khảo: BBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại