Đảo Prince Edward, Kazakhstan cũng sẽ chỉ như bao hòn đảo khác trên thế giới nếu nó không giữ trong một bí mật lớn mà đến nay chưa ai có thể giải đáp.
Bí mật này nằm trong cồn cát cao khoảng 150m, trải dài 3km ở Vườn quốc gia Altyn-Emel, đảo Prince Edward (Kazakhstan). Nó được biết đến với khả năng "ca hát", tạo ra những âm thanh như tiếng nhạc, ám ảnh những ai đã từng đến đây và chứng kiến tất cả những gì đã diễn ra.
Video: Bí mật chưa có lời giải về cồn cát huyền bí "biết hát" ở Vườn quốc gia Altyn-Emel (Kazakhstan).
Cồn cát biết hát và tạo ra âm thanh này được thế giới biết đến sau khi một đoạn video được đăng tải trên kênh một tài khoản Youtube. Trong video này, một gia đình trượt trên đỉnh cồn cát xuống và họ bị bất ngờ khi nghe thấy những âm thanh ồn ào phát ra.
Khi thời tiết khô ráo và có gió thì bản nhạc bắt đầu nhưng nó không kéo dài lâu, chỉ được vài phút.
Trước đây, người ta đã từng phát hiện ra những cồn cát có thể phát ra âm thanh ở Qatar, Nhật Bản, Ai Cập hay như bãi biển "biết ca hát" ở Canada. Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được câu trả lời thích đáng cho những hiện tượng kỳ lạ này.
Họ chỉ khẳng định được rằng, cát ở trong những cồn cát "biết hát" này có đặc điểm rất riêng biệt, do đó chúng vô cùng hiếm trên Trái đất.
Các nhà khoa học ước tính rằng, số cồn cát có thể phát ra âm thanh trên hành tinh xanh của chúng ta là từ khoảng 25 đến 35, nhưng không ai biết chính xác cấu trúc của chúng như thế nào.
Dagois-Bohy, một trong những nhà nghiên cứu hiện tượng kì lạ này cho biết: "Hiện nay giữa các nhà khoa học đang nảy ra tranh luận gay gắt về việc định nghĩa hiện tượng này.
Một số cho rằng nên gọi chúng là những cồn cát "biết hát", số khác lại phản bác và đưa ra quan điểm rằng chỉ nên định nghĩa chúng như những cồn cát có thể phát ra âm thanh du dương như bản nhạc".
Âm thanh phát ra khá giống tiếng đàn cello.
Theo ý kiến của riêng Dagois-Bohy, ông cho rằng những tiếng động phát ra từ những cồn cát là do sự ma sát giữa các hạt cát.
"Khi có tác động từ bên ngoài như gió hay con người hay động vật, những hạt cát chảy xuống, chúng trượt với tốc độ khác nhau và cọ sát vào nhau tạo ra những âm thanh khác nhau, tưởng như một bản nhạc hay tiếng ồn ào với cao độ khác nhau", ông Dagois-Bohy nói tiếp.
Tuy nhiên, Tom A.J. Patitsas, giáo sư vật lý danh dự tại Đại học Laurentian Ontario lại cho rằng ma sát chỉ giải thích một phần cho hiện tượng kỳ bí này. Theo ông, độ rung của các hạt cát là một phần nguyên nhân khác.
Nếu bạn muốn nghe "tiếng nhạc huyền bí" của cồn cát thì bạn hãy trèo lên đỉnh và trượt xuống, cát sẽ trôi xuống và âm thanh lạ lùng cũng vang lên.
Trong khi các nhà khoa học vẫn tiếp tục những nghiên cứu của mình để tìm ra bí mật ẩn sau trong những cồn cát biết hát này thì số lượng của chúng trên Trái đất hiện nay đang giảm đi.
Những năm gần đây, những hạt cát ở Công viên quốc gia Bruce Peninsula, Ontario (Canada) hay ở Nhật Bản bỗng dưng im lặng, chúng không còn phát ra những âm thanh như trước đây nữa.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến điều tồi tệ này là ô nhiễm môi trường, nó làm mất đi sự ma sát và độ rung của các tinh thể cát, hai trong những yếu tố chính giúp những cồn cát có thể phát ra âm thanh.
Sau khi một số video về những cồn cát "biết hát" được đăng tải lên mạng, những địa điểm có giữ điều bí mật này bỗng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và hiếu kỳ của rất nhiều người.
Điều gì ẩn sâu trong những hạt cát khiến chúng có thể phát ra âm thanh như vậy? Bí mật này vẫn đang là một câu hỏi khổng lồ và một thách thức lớn cho các nhà khoa học.
(Nguồn: Insider, National Post)