Giảm 55 phòng ban, 130 đơn vị sự nghiệp
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, hiện tổng số biên chế công chức, viên chức toàn thành phố khoảng trên 137.000 người (trong đó công chức khoảng trên 12.000 người), thấp hơn nhiều tổng số biên chế được trung ương giao.
Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW (về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức), Thành phố hiện đang sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị.
Với khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành rà soát, sắp xếp 12/50 đơn vị; sau sắp xếp giảm 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%), giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban, giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban.
Cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian bổ nhiệm.
Với khối các cơ quan trực thuộc UBND TP. Hà Nội, sau sắp xếp giảm 46 phòng ban (22,5%), giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng.
Thành phố thực hiện bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với trưởng, phó phòng sau sắp xếp, kết hợp xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp.
Như vậy, tính tổng thể, qua rà soát, sắp xếp, toàn TP Hà Nội giảm 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp, giảm 35 trưởng phòng, ban và 136 phó phòng, ban.
“Đối với việc tinh giản biên chế, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội không tăng tổng biên chế công chức. Dự kiến đến hết năm 2017, khối cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giảm 69 biên chế so với hiện nay; dự kiến đến năm 2020 giảm 413 người. Khối cơ quan chính quyền dự kiến năm 2016 giảm 1,5% biên chế công chức được giao và giai đoạn 2020 - 2021 dự kiến giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015” – Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Đối với khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội của thành phố, sau sắp xếp đến nay đã giảm được 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban, giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban.
Về khối các cơ quan trực thuộc UBND TP, sau sắp xếp đã giảm được 46 phòng ban (22,5%); giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp đã giảm từ 401 xuống còn 208 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%)...
Như vậy, đến nay, qua rà soát, sắp xếp, toàn thành phố đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 trưởng phòng, ban, 136 phó phòng, ban.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, dự kiến đến năm 2017, khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của thành phố sẽ giảm tiếp 69 biên chế so với hiện nay.
Khối cơ quan chính quyền sẽ giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm, tinh giản biên chế 115 cán bộ, công chức, viên chức, phấn đấu đến hết năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, thành phố kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.
Hà Nội mạnh dạn tinh giản biên chế
Qua kiểm tra thực tế tại 8 đơn vị quận, huyện, sở ngành trên địa bàn Thành phố, các đại biểu trong đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị cho rằng, hiện người dân vẫn còn rất bức xúc trước tình trạng bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, biên chế phình to; sự suy thoái và tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức nhà nước.
Vì thế, chỉ có tinh giản bộ máy mới giảm bớt được biên chế và chỉ có giải quyết tốt được công tác cán bộ, tinh giản biên chế mới khắc phục được những tồn tại kể trên.
Các đại biểu gợi ý một số lĩnh vực Hà Nội cần mạnh dạn tinh giản biên chế, thay đổi mô hình hoạt động để giảm chi cho ngân sách Nhà nước, trong đó có giáo dục và y tế hiện là 2 ngành chiếm chi phí nhiều nhất (riêng TP Hà Nội mỗi năm dành trên 30% tổng chi ngân sách cho 2 lĩnh vực này).
“Chẳng hạn, có những trạm y tế ở cạnh ngay bệnh viện huyện, vẫn được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị y tế, đủ nhân lực khám chữa bệnh như một trạm y tế cách bệnh viện đến 20-30km, như thế liệu có lãng phí?”, Trưởng đoàn kiểm tra Phạm Minh Chính đặt vấn đề.
Hay như Trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện có cùng chức năng là phòng bệnh và chữa bệnh; rồi trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, đài phát thanh… hoàn toàn có thể sáp nhập lại để giảm đầu mối.
Trong lĩnh vực giáo dục, các đại biểu cho rằng nên nghiên cứu để giảm số lượng những cán bộ không trực tiếp giảng dạy như văn thư, y tế, thư viện… theo hướng tăng cường kiêm nhiệm.
Giải trình một số ý kiến đoàn kiểm tra nêu ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã đưa ra 4 yêu cầu khi sắp xếp lại bộ máy là: phải đảm bảo ổn định tổ chức; đảm bảo bộ máy hoạt động bình thường, hiệu quả; thu gọn đầu mối “một việc chỉ một cơ quan, một cá nhân phụ trách”; cuối cùng là không gây xáo trong tâm lý cán bộ, đảm bảo thông suốt về mặt nhận thức, tinh thần.
Trên tinh thần đó, Hà Nội đã quyết liệt rà soát, sắp xếp lại để đảm bảo thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo.
Chẳng hạn trong lĩnh vực quản lý hệ thống quảng cáo, trước đây trên địa bàn thành phố có đến 5 đơn vị cùng phụ trách quản lý, nay thu về chỉ một đầu mối quản lý duy nhất.
Cùng đó, khi sắp xếp lại các phòng ban, đầu mối, Hà Nội cũng chủ động đối thoại trực tiếp với những đơn vị, cán bộ nằm trong diện sắp xếp để phổ biến, quán triệt nhận thức…
Trả lời băn khoăn của đoàn kiểm tra về việc số cán bộ, công chức trong khối sở, ngành tinh giản còn ít, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố chỉ đạo thực hiện theo 4 giai đoạn, trước tiên thực hiện sắp xếp, tinh giản Văn phòng UBND TP, sau đó đến 22 sở, ban, ngành và hiện đã hoàn thành.
Trong tháng 9 đến tháng 10, Thành phố tiếp tục sắp xếp, tinh giản khối ban quản lý dự án. Giai đoạn vừa rồi vẫn cơ bản giữ nguyên ổn định số lượng cán bộ, song sắp tới sẽ tinh giản theo đề án vị trí việc làm.
Cùng với đó, Thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Khi đó hiệu quả làm việc tăng lên sẽ là điều kiện để tinh giản bộ máy.
Về những bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu sắp xếp lại đầu mối ở tuyến quận/huyện theo hướng thu gọn đầu mối và tăng giao nhiệm vụ thì vẫn hoàn toàn có thể đảm đương, hoàn thành nhiệm vụ được.
Do đó thành phố sẽ tiếp tục làm mạnh vấn đề này, đồng thời cũng đang nghiên cứu áp dụng mô hình bác sĩ gia đình gắn với y tế cơ sở và phòng bệnh để tư nhân hóa các trạm y tế, tiết giảm cho ngân sách.
Ở các lĩnh vực khác như dịch vụ thủy lợi, quan trắc môi trường…, chủ trương của thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tư nhân hóa, hợp tác cung ứng dịch vụ, siết chặt quản lý tiền lương công chức, viên chức.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai Nghị quyết 39 một cách quyết liệt, bài bản, sáng tạo của TP Hà Nội.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Hà Nội tới đây khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế phải tiếp tục quan tâm, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều biên chế, chi tiêu nhiều ngân sách như y tế, giáo dục, hội đoàn.
“Hà Nội cần tăng cường xã hội hóa, nhất là trong giáo dục và y tế bởi Hà Nội có điều kiện thuận lợi để thu hút xã hội hóa trong các lĩnh vực này.
Cùng với đó là tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước để tiết giảm ngân sách, sắp xếp lại các ban quản lý dự án; nghiên cứu việc ký hợp đồng có thời hạn đối với viên chức và việc bổ nhiệm công chức cũng phải có thời hạn, qua đó mới có thể khắc phục được bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”, đồng thời tạo tính cạnh tranh trong công tác cán bộ” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.