Khó khăn trong việc bắt giữ nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài

Đức Nguyên |

Hiện nay Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Các nước nào đã ký hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam?

Theo thông tin mới nhất, vào tối 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đồng thời ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với ông Thanh.

Trước đó đã xuất hiện nhiều đồn đoán ông Trịnh Xuân Thanh không còn ở Việt Nam khi cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vắng nhà nhiều ngày, và không trở lại nhiệm sở sau kỳ nghỉ phép.

Trả lời báo chí trong nước vào ngày hôm nay (17/9), Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bế tắc trong việc bắt giữ và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.

Theo Thiếu tướng Quân, trong trường hợp này 2 quốc gia vẫn có thể áp dụng các điều ước quốc tế liên quan mà cả 2 quốc gia là thành viên.

Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966 tại Hà Nội, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ngoài ra, C46 cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 thuộc cấp khác của ông Thanh gồm: Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC.

Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo thoả thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Trả lời câu hỏi, giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn sang một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa kí kết hiệp định tương trợ về tư pháp và hình sự thì việc bắt giữ, dẫn độ sẽ như thế nào?

Thiếu tướng Quân cho rằng: Việc bắt giữ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều song không hẳn là bế tắc.Trong trường hợp đó sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể.

Khó khăn trong việc bắt giữ nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài - Ảnh 2.

Thiếu tướng Trần Thế Quân. Ảnh: Tiền Phong

Theo luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư Hà Nội), đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định Tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm như: Hàn Quốc, LB Nga, Ba Lan, Lào… thì Việt Nam sẽ phối hợp để dẫn độ ông Thanh về nước.

Còn với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc, phần lớn các nước Mỹ La Tinh, châu Phi, Tây Á, chúng ta chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm, việc chuyển giao ông Thanh về nước sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên nếu xác định được hành vi phạm tội của ông Thanh thì nhiều khả năng hành vi đó thuộc về nhóm tội phạm về tham nhũng. Nếu thuộc loại này thì đây là loại tội phạm mà không được bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào dung thứ.

Hiện ông Thanh đang ở đâu?

Trả lời báo Tiền Phong ngày 8/9, thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cho biết chưa nắm được thông tin ông Thanh đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Việc ông Thanh có xuất cảnh hay không thuộc thẩm quyền của Cục An ninh Cửa khẩu. Hiện cục này đã tách khỏi Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Cùng ngày 8/9, thiếu tướng Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an), nói việc cấm xuất cảnh là do cơ quan chức năng. Ông Dũng chưa nhận được chỉ đạo nào liên quan đến việc ông Trịnh Xuân Thanh.

Về thông tin cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang điều trị bệnh gout ở Bệnh viện Thống Nhất, GS.TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện đã phủ nhận việc này.

Khẳng định với PV báo Tiền Phong, ông Công nói trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây không có ai tên Trịnh Xuân Thanh.

Còn đại diện Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (nơi ông Thanh sinh sống) cũng nói đây là cán bộ cấp Trung ương, do Trung ương quản lý. Vì thế, việc ông này đi đâu, ở đâu, làm gì, địa phương không nắm được.

Còn theo ghi nhận của PV báo Trí Thức Trẻ, vào các ngày 10, 11, 12/9 thì cánh cổng của ngôi biệt thự 3 tầng của gia đình ông Thanh luôn trong tình trạng đóng "im ỉm".

Một số bảo vệ làm nhiệm vụ tại khu vực đối diện nhà ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, hiện tại người nhà của ông Thanh vẫn ở trong ngôi nhà.

Tuy nhiên, từ cả tháng nay họ đã không thấy nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xuất hiện cùng với chiếc ôtô thường hay sử dụng.

"Hiện người nhà vẫn ở đây, còn trước ông ấy thường về căn biệt thự này. Nhưng cả tháng nay rồi không thấy ông ấy về, xe ôtô hay sử dụng cũng không thấy đâu...", một bảo vệ cho hay.

Khi PV bấm chuông cửa ngôi biệt thự thì một người tự nhận là người trong gia đình ông Thanh mở cổng và cho biết ngay là nhiều ngày nay, ông Thanh không có ở nhà.

Khi được hỏi hiện ông Thanh đang ở đâu? thì người này trả lời không biết ông đi đâu, làm gì (!?) và đề nghị đóng cổng, không tiếp được vì trong nhà đang có việc bận.

Trước đó Tỉnh ủy Hậu Giang đã cử cán bộ ra Hà Nội tìm ông Thanh vì không gọi điện thoại được. Những người đi tìm đến tận nhà riêng nhưng gia đình nói không biết ông Thanh đi đâu.

Khó khăn trong việc bắt giữ nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài - Ảnh 4.

Có thu hồi được tài sản bất chính của Trịnh Xuân Thanh?

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời trên VNN, trong trường hợp nếu ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì Nhà nước Việt Nam vẫn có thể thu hồi.

Trước tiên, cần xem xét giữa Việt Nam và quốc gia nơi ông Thanh hợp thức hóa tài sản bằng tiền phạm pháp đã có chế tương trợ tư pháp, nếu có hiệp định Tương trợ tư pháp đã ký kết thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn.

Trường hợp Việt Nam và quốc gia có tài sản ông Thanh tẩu tán chưa ký hiệp định này, chúng ta vẫn có thể thực hiện. Bởi lẽ, chúng ta và các nước trên thế giới đã gia nhập Công ước LHQ về chống tham nhũng 2003 (Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này tháng 7/2009).

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại