Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Phong Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh là có lý"

Hoàng Đan |

"Cần khống chế theo tiêu chí và theo tổng số cấp tướng mà lực lượng công an được phong để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với Luật CAND ban hành ở nhiệm kỳ trước", ông Chính nói.

Có thể phong cấp hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh

Chiều 7/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu tại đây, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông tán thành đề xuất phong cấp hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh, nhưng cần theo hướng chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự.

"Cần khống chế theo tiêu chí và khống chế theo tổng số cấp tướng mà lực lượng công an được phong để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với Luật Công an nhân dân ban hành ở nhiệm kỳ trước", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.

Ông Chính cũng nêu ra sự khác nhau giữa quân đội và công an. Cụ thể, với quân đội thì dưới Bộ Quốc phòng có các Quân khu, Quân đoàn. Còn với công an, lực lượng ở một tỉnh hiện nay thì quân số đông và trong thời bình, tình hình về an ninh trật tự rất phức tạp, đặc biệt các vùng sâu vùng xa, địa bàn khó khăn.

Theo đó, ông cho rằng Dự thảo Luật đề xuất phong hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh, nhưng không phong quân hàm Thiếu tướng đối với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh "là có lý và có thể giải thích được".

Cục đặc biệt sẽ có bao nhiêu Trung tướng?

Với quy định Cục đặc biệt của Bộ Công an, ông Chính nhấn mạnh, Cục này phải có tiêu chí đặc biệt.

Cụ thể, lực lượng công an có các Tổng Cục, nhưng theo nguyên tắc hiện nay không thành lập các Tổng Cục nên có Cục đặc biệt và việc này trên thực tế có tính phổ biến, đặc thù.

"Cục đặc biệt là thế nào, Dự Luật cần định hướng cụ thể và do Chính phủ quy định. Ví dụ như Cục đó là đơn vị chống tội phạm ma túy, hay chống tội phạm tham nhũng…", ông Chính nêu.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người đứng đầu Cục đặc biệt có thể phong trần cấp hàm Trung tướng, nhưng phong bao nhiêu cấp hàm Trung tướng cho người đứng đầu Cục này thì cố gắng cân đối để đảm bảo sự hợp lý.

"Cần cân nhắc phân tích thêm việc Thủ tướng bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt. Bởi hiện nay theo tinh thần phân cấp, chúng ta tập trung giao cho cấp dưới một cách tối đa và tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát", ông Chính nêu rõ.

Cũng góp ý liên quan đến Cục đặc biệt tại buổi thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đặt vấn đề, Cục đặc biệt này trên Tổng cục, dưới Bộ Công an hay ngang Bộ và chức năng, vị trí, vai trò của Cục này thế nào, trong luật chưa thấy "bóng dáng".

Ông Hồng cho biết, đã cố gắng đọc báo cáo đánh giá tác động để tìm vị trí của Cục này mà chưa thấy.

"Tôi không phải không ủng hộ có Cục đặc biệt, nhưng ít nhất cho tôi thông tin nó là cái gì, vị trí của nó đến đâu. Tại sao trước đây Chính phủ chỉ quy định đến Bộ Công an, giờ phải quy định Cục Đặc biệt?", ông Hồng nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Bộ Công an làm rõ để tránh hiểu nhầm "Cục đặc biệt có phải là biến tướng của Tổng cục. Xóa được 6 Tổng cục thì lại mọc lên mấy Cục đặc biệt".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại