Hãng thông tấn nhà nước Algeria APS hôm 1.4 cho biết, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika sẽ từ chức trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 28.4 trước áp lực của nhiều tuần biểu tình rầm rộ và sức ép của quân đội để chấm dứt 20 năm cầm quyền.
Theo APS, ông Bouteflika, nay đã 82 tuổi và có sức khỏe yếu, sẽ đưa ra “quyết định quan trọng” để đảm bảo “tính liên tục của các cơ quan nhà nước” trước khi từ chức. Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức về ngày tổng thống Bouteflika đưa ra tuyên bố trên.
Theo Hiến pháp Algeria, chủ tịch Thượng viện Abdelkader Bensalah sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống lâm thời trong vòng 90 ngày cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức.
Đương kim Tổng thống Algeria, vốn hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị đột quỵ vào năm 2013. Để muốn xoa dịu các cuộc biểu tình, vào hôm 11.3, ông Bouteflika đã tuyên bố từ bỏ kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ 5 đồng thời hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 18.4 sắp tới.
Nhưng ông không đưa ra thời gian biểu để ra đi mà chỉ ủng hộ cho một hội nghị quốc gia về cải cách để giải quyết sự bất mãn lan rộng về tham nhũng, tình trạng “con ông cháu cha”, quản lý kinh tế sai lầm và sự tham quyền cố vị kéo dài của các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ Pháp trong giai đoạn 1954-1962.
Sự do dự của ông Bouteflika càng khiến cho những người biểu tình phẫn nộ và khiến tổng mưu trưởng quân đội nhân dân quốc gia Algeria (ANP), đồng thời là Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Ahmed Gaïd Salah - một nhân vật rất quyền lực, phải can thiệp bằng việc tuyên bố vào tuần trước rằng sẽ viện dẫn điều 102 trong hiến pháp nhằm giải quyết bế tắc chính trị.
Theo đó, hội đồng hiến pháp sẽ xác định liệu ông Bouteflika có còn phù hợp để lãnh đạo nữa không hay để ông từ chức.
Trước áp lực ngày càng lớn của dư luận, hôm 31.3, Tổng thống Bouteflika đã báo hiệu ông sắp sửa ra đi khi ông chỉ định chính phủ lâm thời do Bộ trưởng nội vụ Noureddine Bedoui giữ cương vị Thủ tướng. Tuy nhiên, theo hiến pháp, thủ tướng lâm thời không thể chỉ định các bộ trưởng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mohamed Loukal được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính, trong khi cựu giám đốc của cơ quan năng lượng và khí đốt nhà nước, Mohamed Arkab, sẽ đảm nhận danh mục đầu tư năng lượng.
Hầu hết các đảng phái đối lập đã không công nhận nội các lâm thời này bởi vì họ xem ông Bedoui là người quá gần gũi với giới cầm quyền. Họ cũng cáo buộc các cuộc bầu cử trước đây do ông Bedoui, khi còn là Bộ trưởng nội vụ, giám sát đã diễn ra không công bằng và minh bạch.