Tình hình Algeria căng thẳng, các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp cả nước
Ngày 16/2/2019, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Thủ đô Alger và các thành phố khác của Algeria. Các cuộc biểu tình này ngày càng lan rộng và thu hút đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia.
Ngày 1/3/2019, phong trào phản đối lên đến đỉnh cao, một loạt các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra rộng khắp trên cả nước với sự tham gia của hơn 800 ngàn người. Đây là đợt biểu tình lớn nhất trong lịch sử Algeria cũng như kể từ khi bùng nổ phong trào "Mùa Xuân Ả Rập" năm 2010 đến nay.
Sinh viên Algeria biểu tình vì ông Bouteflika tuyên bố ứng cử nhiệm kỳ lần thứ 5. Ảnh: Reuters
Mặc dù những người tổ chức tuyên bố các cuộc biểu tình này hoàn toàn mang tính chất hoà bình, nhưng trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ đụng độ với cảnh sát làm nhiều người chết và bị thương, hàng chục người bị bắt giữ.
Những cuộc biểu tình này không chỉ xảy ra trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Tại Paris, hàng trăm kiều dân Algeria đã tập trung tại quảng trường Cộng hoà để bày tỏ tình đoàn kết với phong trào biểu tình trong nước.
Trước đó, ngày 10/2/2019, ông Abdelaziz Bouteflika đã tuyên bố ra ứng cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 5 liên tiếp. Tuyên bố này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Algeria.
Nguyên nhân của làn sóng phản đối này là gỉ?
Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc biểu tình phản đối này là việc ông A. Bouteflika tuyên bố ứng cử cho nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 5 liên tiếp. Ông A. Bouteflika đã bước sang tuổi 82, lại giữ cương vị Tổng thống đã 20 năm kể từ 1999.
Tình trạng sức khoẻ của ông quá yếu, năm 2013 ông bị đột quỵ và hiện nay đang điều trị tại một bệnh viện ở Thuỵ Sỹ. Ông nói rất khó, phần lớn các ý kiến chỉ đạo xử lý công việc ông phải viết ra giấy.
Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. Ảnh: AP
Ngoài ra, ông còn phải dùng xe lăn để đi và bản thân ông không tự nộp được đơn xin ứng cử cho Uỷ ban bầu cử quốc gia theo luật định. Từ mấy năm trở lại đây ông A. Bouteflika rất ít khi xuất hiện trước công chúng.
Về lãnh thổ, Algeria là nước lớn nhất châu Phi, xếp thứ mười trên thế giới, về dân số là nước lớn thứ chín trong lục địa đen với hơn 42 triệu người.
Algeria có vị trí và vai trò rất quan trọng trong chính sách của Châu Phi nói chung cũng như các nước vùng Ả Rập Maghreb nói riêng. Algeria là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba cho Liên minh châu Âu (EU). Do đó, vấn đề ổn định là rất quan trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới đang tới gần.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2013 Algeria đã thu được hơn một ngàn tỷ đô la từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, nạn tham nhũng tràn lan và các chính sách kinh tế yếu kém của chính phủ đã không cho phép nước này đứng vững được trước sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ở Algeria, người dân nói đảng Mặt trận Dân tộc Giải phóng (FNL) cầm quyền là "đảng xe hơi và biệt thự". Thu ngân sách giảm mạnh, dự trữ ngoại tệ chỉ còn chưa đến 80 tỷ đô la làm cho nền kinh tế vốn đã hết sức khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn.
Có thể nói, kinh tế Algeria đang đứng trước những khó khăn chưa từng có, đời sống của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay có khoảng 30% thanh niên Algeria đến tuổi lao động không có công ăn việc làm. Trong khi đó, những người dưới 30 tuổi chiếm tới 54% dân số cả nước.
Và trong tình hình rối ren như vậy, không loại trừ có bàn tay của các thế lực bên ngoài kích động nhằm lật đổ chế độ của Algeria. Những phần tử chống đối đã dùng mạng xã hội để kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chính phủ.
Trong số các biểu ngữ của người biểu tình không chỉ có các khẩu hiệu "Hãy nói không với nhiệm kỳ thứ 5", "Nói không với tham nhũng" mà còn có rất nhiều băng rôn đòi dân chủ, đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Nhiều nhà quan sát tình hình Algeria cho rằng A. Bouteflika chỉ là "mặt tiền", đứng phía sau là các nhóm lợi ích gồm các tướng lĩnh và cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lộc của chế độ.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy một bộ phận không nhỏ dân chúng sẽ bỏ phiếu cho ông A. Bouteflika vì họ lo ngại việc thay đổi lãnh đạo ở cấp cao có thể sẽ dẫn đến mất ổn định và những hậu quả tiêu cực cho đất nước.
Tình hình Algeria đang diễn biến hết sức phức tạp, không loại trừ khả năng bùng nổ. Đến nay đã có hơn 100 ứng cử viên ra tranh cử chức Tổng thống vào ngày 24/4 tới. Cuộc tranh giành quyền lực tại Algeria sẽ hết sức gay gắt.
Theo hãng RT, Tổng thống A. Bouteflica đang điều trị tại một bệnh viện ở Geneva, Thuỵ Sỹ và tình hình đang hết sức nguy kịch. Trong tình hình như vậy, vấn đề hiện nay của Tổng thống A. Bouteflika là cuộc chiến giành sự sống chứ không phải quyền lực trong nhiệm kỳ thứ 5.
Tên nước: Cộng hoà Dân chủ và Nhân dân Algeria
Thủ đô: Alger
Diện tich: 2,371,741 km2
Dân số: 42,200,000 người
Trữ lượng dầu mỏ: 12,2 tỷ thùng, xếp thứ 17 thế giới
Xuất khẩu dầu mỏ: 632 ngàn thùng/ngày, xếp thứ 11 thế giới
Trữ lượng khíđốt: 4,499 tỷ m3, xếp thứ 10 thế giới
Xuất khẩu khí đốt: 55 tỷ m3, xếp thứ 5 thề giới
Thu nhập quốc nội (GDP) danh nghĩa dự tính năm 2019: 200,171 tỷ USD
Thu nhập tính theo đầu người: 4,645 USD
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại