Trước sự kìm kẹp tứ bề, ông Abe quyết phá vòng vây cho Nhật Bản bằng nước cờ mạo hiểm

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ngay từ lần đầu tiên đảm trách cương vị Thủ tướng, ông Abe đã không hề giấu diếm ý định đưa Nhật Bản trở nên "hoàn toàn bình thường như mọi quốc gia khác trên thế giới".

Ngày 20.9 tới này, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), theo định kỳ 3 năm một lần, tiến hành bầu lại Chủ tịch đảng. Vì đảng này hiện đang là đảng cầm quyền ở Nhật Bản nên Chủ tịch đảng đương nhiên đảm trách cương vị Thủ tướng Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe nắm giữ cả hai trọng trách ấy từ năm 2012, cho tới nay chưa lập được kỷ lục mới về thời gian cầm quyền liên tục ở Nhật Bản, nhưng nếu tái đắc cử Chủ tịch đảng LDP lần này nữa thì sẽ có thể tiến được tới rất gần kỷ lục mới ấy.

Nước cờ lớn của Thủ tướng Abe

Ngay từ lần đầu tiên đảm trách cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã không hề giấu diếm ý định sửa đổi hiến pháp hiện hành của Nhật Bản để Nhật Bản "hoàn toàn bình thường như mọi quốc gia khác trên thế giới".

Điều khoản trong hiến pháp hiện hành của Nhật Bản mà ông Abe muốn sửa là Điều 9 với nội dung không cho phép quân đội Nhật Bản hoạt động quân sự ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ và lãnh hải Nhật Bản, tức là chỉ bó hẹp trong phạm vi việc phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Trước sự kìm kẹp tứ bề, ông Abe quyết phá vòng vây cho Nhật Bản bằng nước cờ mạo hiểm - Ảnh 1.

Nhật Bản hiện chưa có quân đội hiện diện ở nước ngoài do quy định của Điều 9 trong hiến pháp. Ảnh: Reuters

Hiến pháp này do Mỹ soạn thảo và bị Mỹ áp đặt sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước.

Thời cuộc đến nay đã thay đổi rất cơ bản. Nếu chấp nhận an phận thủ thường thì hiến pháp này vẫn rất ổn đối với Nhật Bản và Mỹ vẫn triển khai lực lượng quân sự lớn, vẫn duy trì căn cứ quân sự lớn trên lãnh thổ Nhật Bản.

Nhưng nếu muốn trở thành và được công nhận là cường quốc khu vực hay châu lục, muốn có được và được công nhận vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới thì Nhật Bản không thể không tham gia hoặc chủ động tiến hành những chiến dịch hay hoạt động quân sự ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Nhật Bản.

Con đường dẫn dắt Nhật Bản đi tới cái đích ấy phải vượt qua trở ngại đầu tiên là sự hạn chế quy định ở Điều 9 kia trong hiến pháp hiện hành. Tất cả những người tiền nhiệm của ông Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản không phải không hề có tham vọng này mà đều không có đủ điều kiện thực tế và bản lĩnh cầm quyền để thực hiện.

Trước sự kìm kẹp tứ bề, ông Abe quyết phá vòng vây cho Nhật Bản bằng nước cờ mạo hiểm - Ảnh 2.

Họ cầm quyền không đủ lâu dài hoặc ngại về đối nội cũng như về phản ứng của Mỹ và các nước láng giềng bởi chuyện sửa đổi hiến pháp hiện hành này vô cùng tế nhị và nhạy cảm đối với Nhật Bản về đối nội cũng như về đối ngoại và chính trị an ninh khu vực, châu lục.

Trong thời gian cầm quyền đến nay kể từ sau khi trở lại cầm quyền ở Nhật Bản, ông Abe đã tiến hành thành công một số thay đổi liên quan đến vai trò và nhiệm vụ của quân đội Nhật Bản, nhưng đi vòng tránh chứ không phải đi thẳng vào việc sửa đổi hiến pháp hiện hành.

Bây giờ, ông dường như cho rằng đã hội tụ được đủ cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hoà để thực hiện thành công tham vọng lớn ấy.

Môi trường chính trị an ninh ở xung quanh Nhật Bản với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà Nhật Bản coi là mối đe doạ an ninh lớn nhất, Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực Đông Bắc Á cũng như Biển Đông khiến Nhật Bản không thể không cảm nhận thấy là bị thách thức an ninh nghiêm trọng, Mỹ thúc ép Nhật Bản tự bảo vệ an ninh cho mình hoặc phải chấp nhận trả giá đắt hơn cho Mỹ để được Mỹ tiếp tục bảo hộ về an ninh buộc Nhật Bản phải tự thân vận động nhiều hơn nữa để tự đảm bảo an ninh.

Trong nội bộ đảng LDP hiện ông Abe không có kỳ phùng địch thủ về chính trị. Abenomics của ông Abe vẫn là sự lựa chọn chính sách kinh tế duy nhất đối với Nhật Bản. Sự chống đối việc sửa đổi hiến pháp vân còn ở Nhật Bản, nhưng đã suy yếu đi nhiều và không mạnh hơn sự ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp.

Ông Abe biết rằng chỉ khi nào tiếp tục cầm quyền thì mới có thể tiếp tục công cuộc thực thi tham vọng kia. Vì thế, điều quyết định là phải tái đắc cử Chủ tịch đảng LDP trong cuộc bầu ngày 20.9 tới.

Những phát biểu của ông Abe trong mấy ngày vừa qua, hướng tới cuộc bầu kia trong đảng, thể hiện cách thức chơi bài ngửa của ông Abe.

Ông biết rằng cơ hội tái đắc cử Chủ tịch đảng cầm quyền của mình hiện khá thực tế nên chủ ý công cụ hoá việc sửa đổi hiến pháp, biến cuộc bầu cử chủ tịch đảng lần này thành cuộc trưng cầu ý kiến trong đảng về sửa đổi hiến pháp hiện hành.

Cho nên có thể trù liệu được là nếu tiếp tục tại vị thì kỷ lục cầm quyền của ông Abe ở Nhật Bản sẽ bị lu mờ bởi tác động của việc ông biến tham vọng lớn kia thành sự thật.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại