Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, 4 câu cha mẹ không được nói với con

THANH HƯƠNG |

Những câu nói vô ý của cha mẹ có thể khiến con bị áp lực tinh thần.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, đây là giai đoạn cực kỳ căng thẳng với các em học sinh cuối cấp. Lúc này, các em chịu rất nhiều áp lực và nhạy cảm hơn bình thường. Là cha mẹ, chúng ta cần phải hỗ trợ cho con hết mực, cả về mặt dinh dưỡng và tinh thần. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không nói 4 câu sau, tránh để con bị tổn thương:

- "Con không nghe giảng trên lớp à"

Khi con đang ôn luyện, làm lại các dạng đề, có thể sẽ có chỗ sai, hoặc không hiểu. Lúc này nhiều cha mẹ dễ buột miệng nói: "Sao dạng bài này không làm được? Con không nghe giảng trên lớp à?". Thậm chí nhiều phụ huynh còn trách con học kém thế thì kỳ thi sắp tới liệu có "thi ra hồn hay không?".

Trên thực tế, cha mẹ nhiều khi vì quá lo lắng cho con nên lỡ lời, chứ không phải cố ý khiến con tổn thương. Tuy nhiên khi nghe cha mẹ nói vậy, trẻ dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, cảm thấy nỗ lực của mình bị chối bỏ. Từ đó các em mất hứng thú học tập. Nếu trẻ là người hướng nội, có lòng tự trọng thấp thì việc cha mẹ chê bai như vậy càng khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, 4 câu cha mẹ không được nói với con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

- "Cố thi vượt đứa A/đứa B"

Nhiều cha mẹ hay có tâm lý so sánh, muốn con mình phải hơn "con nhà người ta". Họ hướng con tới mục tiêu phải thi vượt người này, người kia. Khi trẻ đang căng thẳng vì thi cử mà cha mẹ còn tạo ra cho trẻ một "kẻ thù cạnh tranh" thì trẻ làm sao có thể yên tâm ôn tập? Lúc nào trong lòng trẻ cũng lo lắng, sợ mình không vượt qua được người khác, khiến cha mẹ thất vọng.

Cha mẹ nên cho con biết rằng, việc học và thi không phải vì người khác mà vì chính bản thân con. Việc so sánh con mình với con người ta là cách giáo dục ngớ ngẩn nhất, gây hại vô cùng với trẻ. Một khi không thể bằng "con nhà người ta", trẻ dễ tổn thương lòng tự trọng, nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

Mỗi đứa trẻ đều có ưu nhược điểm riêng. Cha mẹ không nên so sánh mù quáng. Nếu muốn kích thích tinh thần cạnh tranh của trẻ, cha mẹ có thể so sánh trẻ của hôm qua và hôm nay. Miễn là có sự tiến bộ thì đều đáng được ghi nhận.

Đặc biệt trước kỳ thi, cha mẹ nên khen ngợi sự tiến bộ của trẻ, giúp trẻ hình thành sự tự tin để bước vào phòng thi với tâm trạng tốt nhất.

- "Con chỉ cần tập trung ôn thi cho tốt, những việc khác không cần quan tâm"

Đôi khi, cha mẹ coi trọng kỳ thi của con hơn chính bản thân con. Để con tập trung ôn bài, cha mẹ sẵn sàng làm "bảo mẫu", chăm sóc con từ A-Z. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ chỉ đặt tâm trí vào việc học mỗi ngày, liệu nó có học tốt được không?

Cách học tập đúng đắn là phải kết hợp với cả nghỉ ngơi, giải lao. Nếu trẻ chỉ ngồi đó, học liên tục hàng giờ đồng hồ thì liệu có hiệu quả cao không?

Bên cạnh đó, nếu cha mẹ hy sinh bản thân, tất cả đều tập trung hết cho việc học của trẻ thì trẻ dễ bị tâm lý tự cao, tự đại. Trẻ sẽ cảm thấy mình là "trung tâm" của gia đình, mọi người phải phục tùng mình. Lâu dần, đứa trẻ thậm chí sẽ lấy việc học làm cái cớ để đe dọa cha mẹ.

Khi cha mẹ yêu cầu làm một việc gì đó, trẻ sẽ lảng tránh, lấy việc học làm cái cớ để cha mẹ không dám quấy rầy. Khi điểm thi không như mong muốn, trách nhiệm sẽ được chuyển sang cha mẹ.

Cuộc sống của trẻ nên phong phú và nhiều màu sắc chứ không chỉ có học. Thi cử chỉ là thước đo chất lượng học tập của trẻ ở một giai đoạn, không thể hiện năng lực học tập và tương lai của trẻ, do đó cha mẹ không nên quá căng thẳng.

Hãy để trẻ làm những gì chúng có thể làm trong cuộc sống gia đình và gánh vác trách nhiệm gia đình. Điều này có lợi cho việc nuôi dưỡng tính tự lập của trẻ, đồng thời cũng có thể giúp trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng, đồng thời cảm nhận được sự ấm áp của gia đình.

- "Nếu con thi tốt, bố mẹ sẽ thưởng. Thi không tốt sẽ phạt"

Đây là phương pháp phổ biến được nhiều bậc cha mẹ áp dụng. Trước kỳ thi, họ thỏa thuận với con rằng: Nếu lần này con đạt điểm tốt, bố mẹ sẽ thưởng món quà con thích. Nhưng nếu thi không tốt, con sẽ bị cắt tiền tiêu vặt, không được đi chơi trong 1 tháng,...

Loại thỏa thuận này có vẻ là để khuyến khích trẻ, nhưng trên thực tế lại không hề tốt. Khi cha mẹ lấy phần thưởng làm miếng mồi ngon cho việc học thì con sẽ không còn lòng hiếu học mà chỉ chú tâm vào việc lấy phần thưởng và làm thế nào để cha mẹ hài lòng. Điều này sẽ khiến tâm hồn trẻ luôn lơ lửng giữa không trung, lo lắng được mất, phù phiếm và nóng nảy, khó tập trung và bị thực dụng trong học tập.

Ngay cả khi phần thưởng khiến trẻ có động lực học trong một thời gian thì nó cũng không thể kéo dài. Bởi việc học cần một thái độ kiên trì.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị phạt vì không đạt điểm tốt, trẻ sẽ bị lo lắng, sợ hãi, mất hứng thú học tập. Áp lực phải khiến cha mẹ vừa lòng khiến trẻ mất hứng thú học.

Cha mẹ cần nhớ rằng: Thành tựu chỉ là nhất thời, trưởng thành là cả đời. Nếu khả năng học tập của trẻ có thể phát triển trong mỗi kỳ thi, điều đó sẽ tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại