Khi nhờ ông bà trông cháu, đây là việc bố mẹ nên làm để trẻ không bị "chiều quá hóa hư"

Trần Quỳnh |

Gửi con cho ông bà trông đã trở thành phương pháp "cứu cánh" cho những cặp vợ chồng bận rộn. Nhưng có một thực tế là, việc ông bà nuông chiều cháu khiến con trẻ trở nên khó bảo.

Mâu thuẫn trong quan điểm nuôi dạy con cái là một vấn đề thường gặp tại những gia đình có từ 3 thế hệ trở lên cùng chung sống. 

Không thể phủ nhận được rằng, các vị trưởng bối của chúng ta đều là những người vô cùng yêu thương trẻ nhỏ. Nhưng người xưa có câu "cháu hư tại bà", nếu cách yêu chiều của ông bà không có chừng mực, sự hình thành nhân cách của trẻ sẽ dễ dàng đi chệch hướng.

Để minh chứng cho điều này, chúng tôi xin mời các bậc phụ huynh tham khảo một vài câu chuyện dường như đã quá quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta nhưng lại không được mấy ai để ý.

Phía sau những câu chuyện "chiều cháu" của các bậc ông bà

1. Câu chuyện trên xe buýt

Xe buýt vào giờ cao điểm phải rất hiếm hoi mới có một chỗ ngồi còn trống. 

Ngày hôm ấy, khi vừa có một vị khách đứng lên, bà cụ trên xe đã để cháu trai của mình ngồi ngay vào chiếc ghế ấy để không phải chịu cảnh chen chúc, còn bà thì bám tay vào thành ghế tựa như "một vị thần bảo vệ".

Những người ngoài nhìn vào cảnh tượng ấy đều cảm thấy lo lắng, bởi chỉ cần tài xế phanh gấp một cái, thì bà cụ với dáng đứng chênh vênh ấy có thể ngã nhào xuống sàn xe.

Bà cụ dường như cũng ý thức được điều này, nhỏ nhẹ hỏi cháu mình:

"Cháu yêu, cho bà ngồi cùng có được không?"

Không ngờ rằng cậu bé kia nghe vậy liền bĩu môi mà nói:

"Không được! Cái ghế này nhỏ ơi là nhỏ, bà ngồi vào thì chật lắm!"

"Được được! Vậy con cứ ngồi đi. Dù sao cũng chỉ còn 8 trạm nữa là tới bến rồi, bà sẽ cố đứng vững!" – Bà cụ vội vàng nói như thể sợ cháu giận, đôi tay run run lại cố bấu víu vào thành ghế…

2. Câu chuyện thứ hai: Trên bàn cơm

Khi nhờ ông bà trông cháu, đây là việc bố mẹ nên làm để trẻ không bị chiều quá hóa hư - Ảnh 1.

Câu chuyện ông bà kèm cặp đút từng miếng cơm cho cháu dường như đã trở thành cảnh tượng quen thuộc trên bàn ăn nhiều gia đình. (Ảnh minh họa).

"Cháu gái ngoan! Cho bà xin một miếng thịt kho ngon ơi là ngon trong bát của con được không nào?"

"Không cho đâu! Thịt này là của con! Con không cho bà đâu! Không cho là không cho!" – Đứa trẻ dùng tay che chiếc bát nhỏ, quyết không cho bà nội đụng đũa vào.

Thấy vậy, người bà càng thêm hớn hở mà cất giọng: "Được rồi! Bà không ăn của con đâu! Vậy để bà nội đút cho con  miếng này nhé!"

Vừa nghe xong câu ấy, đứa trẻ lập tức chạy ra khỏi bàn cơm, chơi đùa nghịch ngợm hết chỗ này đến chỗ khác, còn bà thì vất vả chạy theo bón cho cháu từng miếng, ngụm nước…

3. Câu chuyện nơi phòng khách

"Mẹ ơi, mẹ cho con 20 nghìn để con đi mua 1 hộp bút chì nhé!" – Đứa bé nài nỉ mẹ.

"Sao lại phải mua nữa? Con vẫn còn tới 4 chiếc mà! Nhiều như vậy chưa cần mua thêm đâu!" – Người mẹ từ tốn nói.

Đúng lúc ấy, bà nội đang đứng ở bên cạnh liền xua tay với con dâu vào bảo:

"Con đừng nghiêm khắc với nó thế! Nó vẫn còn nhỏ mà! Hơn nữa số tiền cũng có đáng bao nhiêu đâu. Lúc mấy đứa con bé chắc gì đã ngoan được như nó mà…"

Nói đến đây, cụ bà rút trong túi ra 50 nghìn rồi đưa cho cháu:

"Đây! Bà cho con tiền, con đi mua đi!"

Cậu bé vui mừng cầm lấy tiền, chẳng buồn nói lại một lời cảm ơn đã mất hút khỏi cửa nhà…

Khi nhờ ông bà trông cháu, đây là việc bố mẹ nên làm để trẻ không bị chiều quá hóa hư - Ảnh 2.

Tình thương của ông bà dành cho cháu ở một chừng mực vừa phải mới có thể trở thành tài sản quý báu được các em trân trọng suốt đời. (Ảnh minh họa).

Kinh nghiệm với các bậc phụ huynh gửi con cho ông bà

Đọc xong 3 câu chuyện trên, sẽ có không ít người lắc đầu ngán ngẩm. Thế nhưng trong những câu chuyện ấy, liệu bạn có nhận ra những cảnh tượng quen thuộc nào thường xuất hiện trong gia đình mình hay không?

Con trẻ thích cái gì, ông bà liền cho cái đó. Dường như đây đã trở thành cách quen thuộc của các bậc trưởng bối dành cho cháu cưng của mình. 

Điều này cũng vô tình khiến các bậc ông bà trở thành "ô dù bảo vệ" cho đứa trẻ, khiến các em ngày càng trở nên ương ngạnh, khó bảo và không nghe lời cha mẹ.

Gửi con nhờ ông bà trông nom là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ bận rộn hiện nay. Vậy thì, các bậc phụ huynh nên làm thế nào để cân bằng hài hòa quan điểm giáo dục trẻ giữa hai thế hệ để trẻ nhỏ được chỉ bảo, dạy dỗ đúng cách nhất?

Hãy tham khảo 3 giải pháp sau đây:

1. Học hỏi lẫn nhau

Thường xuyên trao đổi, thảo luận với ông bà để tìm ra tiếng nói chung trong việc giáo dục thế hệ sau là một cách làm tiến bộ và có nhiều ưu điểm. Dù là ông bà cưng chiều vô tội vạ hay bố mẹ nghiêm khắc một cách thái quá thì cũng đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Trong khi đó, việc tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề nuôi dạy con cái của hai thế hệ, lấy ưu bù khuyết, lấy thừa bù thiếu hoàn toàn có thể giải quyết triệt để vấn đề này.

2. Giữ vững quan điểm

Mặc dù con trẻ còn nhỏ, nhưng bạn cũng nên vạch rõ cho ông bà biết rằng thế nào là yêu thương đúng cách, thế nào là chiều quá sinh hư.

Nếu các bậc ông bà không thể thấu hiểu điều này, thì bạn không nên vì chiều lòng người lớn mà "nhắm mắt làm ngơ". Có như vậy, con cái mới không coi ông bà thành "ô dù bảo vệ", mà sự uy nghiêm trong việc dạy dỗ của con trẻ cũng không bị giảm sút.

Khi nhờ ông bà trông cháu, đây là việc bố mẹ nên làm để trẻ không bị chiều quá hóa hư - Ảnh 3.

Việc thống nhất về phương pháp giáo dục giữa các thế hệ cho gia đình sẽ giúp ích cho sự phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa).

3. Chia sẻ cùng con

Dù có dùng bất cứ lý do gì thì không thể phủ nhận được sự thật rằng, việc giao con cho ông bà dạy dỗ chính là thiếu sót của các bậc làm cha làm mẹ.

Bởi sinh thành và nuôi dạy con cái vốn là trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ. Mà việc giao con cho ông bà lại vừa tăng thêm gánh nặng cho người cao tuổi, vừa không làm tròn bổn phận của cha mẹ.

Nếu ban ngày bạn bận bịu làm việc, thì sau khi tan làm bạn có thể dành thời gian bầu bạn với con cái, cùng con tâm sự và giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. 

Một khi làm được điều này, bạn sẽ không phải lo lắng con cái bị ông bà "chiều hư", càng không phải bận tâm đến việc tình cảm gia đình bị sứt mẻ.

Mỗi bậc ông bà, cha mẹ đều mong muốn con cháu của mình trở thành người tốt. Thế nhưng dù bạn ở cương vị nào trong gia đình thì cũng không nên quên rằng, sự cưng chiều một cách thái quá khó có thể đào tạo nên một đứa trẻ có đức hạnh ưu tú.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại