Một gia đình nuôi dạy con thành công không phải là có bao nhiêu tiền tiết kiệm, bao nhiêu ngôi nhà để lại cho con cái, mà là rèn giũa được cho con bao nhiêu kỹ năng, thói quen tốt.
Thời thơ ấu là thời gian tốt nhất để rèn luyện thói quen. Đặc biệt, giai đoạn trước khi con vào cấp 2. Trước những thay đổi về môi trường học tập cũng như những xáo trộn về tâm sinh lý tuổi mới lớn, học sinh chuẩn bị vào cấp 2 rất cần được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết.
Có 8 kỹ năng sau đây, cha mẹ càng dạy sớm con càng hưởng lợi:
1. Tự làm việc của riêng mình
Đừng dựa dẫm vào người khác về mọi thứ, hãy làm những việc của mình và chịu trách nhiệm với nó. Cha mẹ sẽ già đi, bạn bè sẽ rời xa, không ai có thể để con dựa dẫm cả đời. Cha mẹ nên dạy con học cách tự lập, học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề từ sớm.
2. Làm mọi việc từ đầu đến cuối
Ngoài sự chăm chỉ, mọi thành công đều đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ. Hãy nói với trẻ rằng làm việc gì cũng có bắt đầu và kết thúc, thay vì để trẻ nóng nảy muốn làm gì thì làm, giữa chừng lại bỏ ngang. Nếu không lâu ngày sẽ trở thành một thói quen xấu, rất khó thay đổi.
Khi đang làm gì đó, trẻ sẽ bị cuốn vào cuộc trò chuyện của người khác, âm thanh bên ngoài cửa, những khó khăn khiến trẻ chán nản... Đây sẽ là những yếu tố ảnh hưởng làm gián đoạn quá trình liên tục của trẻ, cha mẹ hãy động viên, hỗ trợ con vượt qua khó khăn để trẻ hình thành thói quen làm mọi việc đâu ra đó.
3. Dám bước ra khỏi vùng an toàn
Hiểu một cách đơn giản thì vùng an toàn giống như một vòng tròn khép kín, nơi mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, tất cả mọi thứ đều quen thuộc, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Tuy nhiên, cứ sống mãi trong những ngày thoải mái nhưng trì trệ không phải là con đường dẫn đến sự trưởng thành và thành công.
Cha mẹ cần khuyến khích con thay đổi. Ví dụ, nếu con sợ tiếp xúc với người lạ, cha mẹ nên đăng ký cho con tham gia các hoạt động tập thể như đá banh, tập múa…Thời gian đầu, có thể con sẽ cảm thấy khó chịu nhưng dần dà, con sẽ vượt qua được cảm xúc đó và trở nên dạn dĩ hơn. Dù ý kiến của con có thể sai, cha mẹ nên lắng nghe, tìm hiểu lý do mà con đưa ra; sau đó, yêu cầu con lắng nghe ý kiến của người đối diện. Thường xuyên cùng con thảo luận một vấn đề là một trong những cách tốt nhất để giúp con thoát khỏi “vùng an toàn” và những “sự sắp đặt có sẵn”.
4. Biết nhìn vấn đề từ nhiều góc độ
Trên con đường trưởng thành, có muôn vàn khó khăn, chông gai. Cha mẹ nên cho trẻ biết cái gì cũng có hai mặt, hướng trẻ nhìn vấn đề ở một góc độ khác, để trẻ nhìn ra mặt tốt trong những điều chưa tốt, từ đó trẻ sẽ dần lạc quan hơn.
Không phải là không có vẻ đẹp trong cuộc sống, mà là thiếu đôi mắt để khám phá. Hãy để con bạn nghĩ về những điều tốt nhất trong mọi việc, điều này có thể làm giảm những mâu thuẫn cũng như tăng khả năng thành công.
5. Học cách nói không
Hãy nói với trẻ điều gì đó mà trẻ không thể làm hoặc khi yêu cầu của người khác khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, trẻ cần học cách từ chối. Bản chất trẻ em là tốt bụng và hay giúp đỡ, và không có gì sai với điều đó. Nhưng trước tiên là làm tốt bổn phận của mình, khi còn dư sức và năng lực thì giúp đỡ người khác, nếu không sẽ tự chuốc họa vào thân.
6. Học cách biết ơn
Một người sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết ơn, và một người không biết ơn sẽ không biết hạnh phúc và sự hài lòng thực sự là gì. Khi người khác giúp đỡ bạn lúc gặp khó khăn, phải biết cảm ơn họ. Bất kể đó là ai, lòng biết ơn là điều cần thiết. Một trái tim biết ơn có thể làm cho cuộc sống ấm áp và hạnh phúc hơn.
7. Duy trì việc tập thể dục
Ngày nay, bạn dễ dàng bắt gặp nhìn thấy những trẻ “bám dính” các thiết bị công nghệ như ti vi, iPad, smartphone… ở bất cứ đâu. Hình ảnh những đứa trẻ chạy nhảy chơi đùa cùng chúng bạn hiếm dần.
Hoạt động thể chất rất quan trọng với sức khỏe và cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ. Để giúp con có lối sống tích cực, cân bằng và lành mạnh, bạn nên khuyến khích trẻ tham gia các hình thức vận động thể chất nhiều hơn. Chỉ có sức khỏe tốt, chúng ta mới có thể làm được nhiều điều mình muốn hơn và trải nghiệm nhiều vẻ đẹp hơn trong cuộc sống.
Nếu có thể, bạn hãy cố gắng dành thời gian tập luyện cùng con hoặc đơn giản là đến xem con tập luyện và cổ động bé. Hãy kịp thời khuyến khích, động viên khi con đạt được một cột mốc nào đó trong tập luyện.
8. Học cách lắng nghe
Biết lắng nghe là một đức tính tốt, hãy để trẻ học cách tôn trọng người khác bằng cách dạy con đừng ngắt lời người khác khi họ đang nói, ngay cả khi họ có ý kiến khác với con, đây là hành vi rất bất lịch sự.
Nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn có thể rút ngắn khoảng cách giữa con người với nhau. Trong lớp, những đứa trẻ biết lắng nghe thường đạt điểm xuất sắc. Trong công việc, người biết lắng nghe thường được nhiều người yêu mến và có nhiều cơ hội. Vì vậy, cha mẹ không nên cắt ngang khi trẻ đang trình bày sự việc, chỉ làm gương tốt thì mới có thể quản lý tốt con cái.