Chương trình tham vọng
Bắc Kinh mới đây đã công bố kế hoạch để biến Thâm Quyến - thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc - trở thành "động cơ cốt lõi" cho cho quá trình cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển ở Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area).
Thông tin này được đưa ra trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị có "bài phát biểu quan trọng" trong chuyến thăm tới Thâm Quyến vào ngày 14/10 trong lễ kỉ niệm 40 năm thành phố này trở thành đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
Kế hoạch phát triển trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2025 sẽ cho phép Thâm Quyến tự chủ hơn trong các lĩnh vực như sử dụng đất, công nghệ, nền kinh tế sử dụng công nghệ Big Data và thuê chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, Trung Quốc không hé lộ nhiều về việc làm thế nào Thâm Quyến sẽ vượt qua các chướng ngại vật, ví dụ như môi trường thương mại quốc tế ngày càng khắc nghiệt, chưa kể các biện pháp do Mỹ đề xướng và dẫn đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Thâm Quyến cũng được dự định sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong khu vực Greater Bay Area. Vùng phát triển kinh tế này có mục tiêu kết nối các thành phố Hồng Kông, Ma Cao, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác ở tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế, thương mại. Theo SCMP, khu vực này đã được so sánh với các cụm thành phố ở San Francisco và Tokyo.
Ảnh: Tân Hoa Xã
"Theo kế hoạch của ông Tập Cận Bình về việc xây dựng xã hội chủ nghĩa với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, chương trình này sẽ cho Thâm Quyến thêm nhiều quyền tự chủ để thực hiện cải cách trong các lĩnh vực và ngành then chốt mới".
"Thâm Quyến sẽ dẫn đầu trong cải cách và mở cửa với nhiều lợi thế hơn, ở mức độ cao hơn và với mục tiêu lớn hơn. Thâm Quyến sẽ củng cố hợp tác với Hồng Kông và tăng cường vai trò là động cơ then chốt trong việc phát triển vùng Greater Bay Area, trở thành hình mẫu của thành phố tiêu biểu và có thể đại diện cho một Trung Quốc trong thời kì hiện đại hóa".
Guo Wanda, phó chủ tịch của Viện Phát triển Trung Quốc ở Thâm Quyến, nói cuộc cải cách sẽ được thực hiện thí điểm tại thành phố này.
"Tài liệu cho biết Thâm Quyến sẽ trở thành lá cờ đầu trong quá trình mở cửa đất nước. Thâm Quyến đang có lợi thế chiến lược trong việc thực hiện cải cách sâu rộng bởi vì thành phố này có nền tảng tốt, và nhiều vấn đề Thâm Quyến đối mặt tương tự như ở các vùng khác ở Trung Quốc".
Tuy nhiên, ông Guo cho biết Thâm Quyến là một thành phố rất khác so với hơn 40 năm trước khi thời kì mở cửa bắt đầu.
Các vấn đề lớn
Zhang Hongqiao, thành viên của Hội đồng Nhân dân thành phố Thâm Quyến, cho biết tài liệu này không nên được coi là "kim chỉ nam" cho thành phố vì một số mục của tài liệu này liên quan đến việc tách rời thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông Zhang cho biết việc tập trung phát triển công nghệ Big Data sẽ là điều tích cực cho Thâm Quyến, cho phép thành phố này thử nghiệm những biện pháp mới chưa từng được áp dụng ở các thành phố khác ở Trung Quốc.
Ông Zhang cũng ghi nhận rằng chương trình nói trên chưa đưa ra giải pháp tức thời cho hai vấn đề lớn nhất mà Thâm Quyến gặp phải - giá nhà đất cao và thiếu đất.
Bên cạnh đó, ông Zhang không đồng ý với quan điểm rằng Thâm Quyến sẽ nắm vị trí lãnh đạo trong vùng Greater Bay Area, mà tất cả các thành phố nên có vai trò khác nhau trong quá trình phát triển.
"Vai trò của mỗi thành phố trong Greater Bay Area thực sự phụ thuộc vào việc liệu các thành phố có thể thích ứng với những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế hay nâng cao khả năng cạnh tranh của mình hay không - đây không phải là điều mà kế hoạch này có thể trả lời", ông Zhang nói.