Hãng tin Associated Press (AP) cho biết tham gia phá vụ án này có tới hơn 120 nhân viên chuyên trách từ 30 cơ quan thực thi pháp luật liên bang, tiểu bang và địa phương ở Virginia, Bắc Carolina và Texas. Ngoài một số lượng lớn Fentanyl, chính quyền cũng thu giữ 24 khẩu súng, một lượng lớn Heroin và Cocaine cùng hơn 700.000 USD tiền mặt.
Phía Mỹ cho rằng hơn 95% Fentanyl vận chuyển vào Mỹ đến từ Trung Quốc. Fentanyl thường vào Mỹ bằng cách chuyển phát nhanh qua bưu điện hoặc tuồn vào qua biên giới với Mexico. Loại ma túy kiểu thuốc phiện này ban đầu được sử dụng để giảm đau và gây mê. Nó có thể kích hoạt các thụ thể opioid của cơ thể để tạo ra khoái cảm, nhưng đồng thời sẽ gây nghiện.
Những người hít nó cuối cùng sẽ khó thở và tử vong. Độc tính của Fentanyl cao hơn Heroin từ 50 đến 100 lần, nhưng nó rẻ hơn và dễ vận chuyển hơn heroin, khiến nó trở thành loại “ma túy vua” mới. Riêng năm 2018 đã có khoảng 70.000 người Mỹ đã chết vì Fentanyl .
Số ma túy Fetannyl này đủ để đầu độc chết 14 triệu người Mỹ. Ảnh: VCG
Công tố viên Zachary Terwilliger nói, trong số 39 người bị cáo buộc, có một người đã đặt mua Fetanyl từ Thượng Hải, Trung Quốc và được gửi đến Newport ở Virginia thông qua đường bưu chính Mỹ (USPS). Ông nói, hiện Mỹ đã tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc giúp Mỹ trấn áp nạn buôn lậu Fentanyl và giúp Mỹ phát hiện tốt hơn liệu có ma túy trong các bưu kiện chuyển phát nhanh hay không.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Buenos Aires, Argentina, vào ngày 1 tháng 12 năm 2018, Trung Quốc và Mỹ đã có lập trường chung trong vấn đề Fentanyl, đồng ý coi Fentanyl như một loại thuốc được kiểm soát.
Kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2019, Trung Quốc đã bổ sung tất cả các chất fentanyl vào “Danh mục bổ sung quản chế các loại thuốc gây mê và các chất hướng thần” và chính đưa các chất Fentanyl vào phạm vi chất ma túy được quản chế. Số lượng quản chế vượt quá cả Liên Hợp Quốc và Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Osaka rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển Fetanyl tới Mỹ, nhưng tuần trước, Nhân dân Nhật báo – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã viết: Trách nhiệm lạm dụng Fentanyl không phải ở phía Trung Quốc mà là phía Mỹ.
Ma túy Fetannyl được chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ qua biên giới Mexico, Ảnh: Getty Image
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật để chống lại “mối nguy cơ thuốc loại opioid” (opioid crisis), trong đó bao gồm cho phép dịch vụ bưu chính Mỹ lấy mẫu sàng lọc xem trong các bưu kiện gửi nước ngoài có Fentanyl hay không và được Bộ An ninh Quốc gia cùng Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Liên bang giám sát.
Ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo rằng, phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc là nguồn cung cấp chủ yếu chất Fentanyl trong nước họ là thiếu chứng cứ, hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Nếu Mỹ muốn thực sự giải quyết vấn đề Fentanyl trong nước, thì họ cần phải tự mình giải quyết tốt công việc của chính họ.
Ông Cảnh Sảng nói, hiện nay công tác quản lý vật chất loại Fentanyl của Trung Quốc đã đạt được kết quả rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật về chống ma túy của Trung Quốc đã không tìm thấy một vụ phạm tội hình sự nào về sản xuất, mua bán và buôn lậu các chất Fentanyl.
Ông Cảnh Sảng còn nói, các loại thuốc Fentanyl được sản xuất bởi các nhà máy sản xuất hợp pháp của Trung Quốc chưa bao giờ đưa vào Mỹ. Các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc đã phát hiện và xử lý các chất fentanyl được gia công và buôn bán bất hợp pháp vào Mỹ.
Tất cả đều do sự liên kết móc nối giữa các phần tử bất hợp pháp trong và ngoài nước và được xuất khẩu sang Mỹ thông qua bưu kiện quốc tế dưới dạng ngụy trang và trà trộn; số lượng cũng rất có hạn. Sở dĩ xuất hiện nguy cơ tràn lan Fentanyl ở Mỹ chủ yếu là do truyền thống lạm dụng thuốc giảm đau theo toa rất phổ biến ở nước này.
Tuy nhiên, Kênh Tin tức và Kinh doanh Tiêu dùng Hoa Kỳ (CNBC) đã trích dẫn những người trong cuộc về vấn đề này nói rằng trong cuộc trao đổi điện thoại hôm 29/8 giữa các quan chức cấp nhóm làm việc Trung Quốc và Mỹ, phía Trung Quốc đã định lấy cớ hạn chế xuất khẩu Fentanyl để yêu cầu phía Mỹ “nới lỏng thuế quan”.
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp diễn đến nay vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và từ ngày 1 tháng 10 sẽ áp mức thuế bổ sung từ 25% đến 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.